Khi tìm kiếm sự hướng dẫn về các mối quan hệ ở nơi làm việc, không nơi nào tốt hơn ngoài Kinh Thánh – nơi cung cấp sự khôn ngoan vượt thời gian cho các lãnh đạo doanh nghiệp thời nay. Cụ thể:
“Thưa anh em, anh em đã tin Đức Chúa Jesus Christ – Chúa vinh quang của chúng ta – thì đừng thiên vị ai cả. Giả sử có một người ăn mặc sang trọng vào nhà hội, và có một người nghèo ăn mặc rách rưới cũng vào nữa; anh em chú ý đến người ăn mặc sang trọng và nói: ‘Xin vui lòng ngồi chỗ này’; còn với người nghèo thì nói: ‘Hãy đứng đó’, hoặc ‘Hãy ngồi dưới chân tôi đây’. Như thế có phải anh em đã phân biệt đối xử và lấy ý xấu mà xét đoán không?” (Gia-cơ 2:1-4)
Câu trên chủ yếu nói về cách đối xử với nhau trong Hội Thánh, nhưng nguyên tắc này cũng áp dụng tương tự ở nơi làm việc. Tiêu chuẩn của Chúa rất rõ ràng: phải đối xử với mọi người bằng phẩm giá và tôn trọng như nhau, bất kể bề ngoài hay hoàn cảnh của họ.
Phục truyền 10:17 mô tả mạnh mẽ về bản chất của Chúa: “Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em là Thần của các thần, Chúa của các chúa, là Đức Chúa Trời vĩ đại, đầy quyền năng và đáng kính sợ, là Đấng không thiên vị và không nhận hối lộ”. Các lãnh đạo doanh nghiệp cần phản ánh bản chất của Chúa, câu Kinh Thánh này giúp định hình cách tiếp cận lãnh đạo. Nếu Đấng tạo hóa của cả vũ trụ không thiên vị ai, sao ta có thể biện minh cho việc thiên vị?
Sứ đồ Phi-e-rơ tuyên bố: “Thật, tôi nhận biết Đức Chúa Trời chẳng thiên vị ai, nhưng trong tất cả các dân tộc, hễ ai kính sợ Chúa và làm điều công chính thì được Ngài chấp nhận” (Công vụ 10:34-35). Phi-e-rơ nhận ra sứ điệp của Chúa dành cho tất cả mọi người, chứ không chỉ một số ít người được chọn. Các cơ hội và sự công nhận ở nơi làm việc của ta cũng cần dựa trên công trạng, tính cách, hiệu suất, chứ không phải sở thích cá nhân hay các mối quan hệ hời hợt.
Châm ngôn 28:21 cảnh báo: “Thiên vị là điều chẳng tốt, vì một mẩu bánh mà người ta có thể phạm tội”. Lời nhắc nhở nghiêm túc này thừa nhận ta dễ dàng thỏa hiệp để đổi lấy lợi ích nhỏ nhặt. Lãnh đạo doanh nghiệp Cơ đốc cần luôn cảnh giác với xu hướng này.
Hãy xem xét lời của Môi-se: “Chớ làm sai lệch công lý; đừng thiên vị người nghèo hay thiên vị người quyền thế, nhưng hãy xét đoán công bằng với người lân cận mình” (Lê-vi ký 19:15). Việc thiên vị bất kỳ ai đều làm sai lệch công lý, làm suy yếu tính toàn vẹn của tổ chức.
Hậu quả của sự thiên vị ở nơi làm việc không chỉ giới hạn về tinh thần trước mắt, nó có thể dẫn đến:
+ Giảm sự gắn kết của nhân viên
+ Tỷ lệ nghỉ việc cao
+ Giảm sự đổi mới vì các quan điểm đa dạng bị gạt ra ngoài
+ Trách nhiệm pháp lý, tổn hại danh tiếng
+ Sự thỏa hiệp về tinh thần trong lời chứng của các lãnh đạo.
Câu hỏi suy ngẫm/thảo luận
1. Bạn từng biết bất kỳ ví dụ nào về sự thiên vị, sự thiên vị trên thương trường? Hãy cho một ví dụ.
2. Bạn có là nạn nhân của sự thiên vị, thiên vị nơi đang hoặc từng làm việc? Nếu có, bạn cảm thấy thế nào? Bạn phản ứng ra sao? Bạn có cho ai biết tác động của nó đối với bạn?
3. Các nguyên nhân nào có thể gây ra thiên vị? Bạn có tin bất kỳ lý do nào trong số này, hoặc lý khác được cho là chính đáng? Tại sao có, tại sao không?
4. Kinh Thánh nêu rõ rằng Đức Chúa Trời không thiên vị, “không vị nể ai” (Công vụ 10:34). Bạn có nghi ngờ điều đó? Bạn có nghĩ Chúa tỏ ra ưu ái một số người khi thấy họ thịnh vượng, thăng tiến trong sự nghiệp? Giải thích câu trả lời của bạn.
Adrian Savedra
(Giám đốc khu vực CBMC Oklahoma – Mỹ. Huấn luyện viên bóng chày; đam mê giúp người khác phát triển tâm linh bằng cách áp dụng Lời Chúa vào đời sống; hướng dẫn nhiều người tham gia CBMC)
(Nguồn: CBMC International | Chuyển ngữ: Nguyên Ân | Biên tập: Thảo Phạm | Ảnh: Pixabay | Xem thêm: Xuất Ai Cập ký 23:2-3; Châm ngôn 24:23-25; Ma-la-chi 2:9; Gia-cơ 2:9, 3:17)
THỬ THÁCH TRONG TUẦN
Khi phấn đấu xây dựng văn hóa tổ chức lành mạnh, ta nên nhớ lời của Phao-lô với học trò Ti-mô-thê: “Trước mặt Đức Chúa Trời, trước mặt Đức Chúa Jesus Christ và các thiên sứ được chọn, ta truyền cho con phải giữ những lời chỉ dạy này mà không thiên vị, và đừng làm điều gì vì thiên vị” (I Ti-mô-thê 5:21)
Lời chỉ dẫn trang trọng này có thể nhắc nhở các lãnh đạo không chỉ phản ánh bản thân ta, mà còn phản ánh cả chứng ngôn của ta với tư cách là lãnh đạo doanh nghiệp Cơ đốc. Sẽ rất tốt nếu dành thời gian trong tuần để đánh giá thái độ của chính mình. Thậm chí có thể hỏi người cố vấn hoặc bạn bè đáng tin cậy xem họ có thấy bất kỳ sự thiên vị nào khi ta tương tác với người khác?