Truyền thông đã phát triển mạnh mẽ, sáng tạo, đến mức ta không thể tưởng tượng nổi chỉ vài thập kỷ trước. Trong nhiều thế kỷ, suy nghĩ được truyền đạt bằng lời nói, sau đó là chữ viết. Việc phát minh ra máy in đã cách mạng hóa truyền thông, đưa biết bao từ ngữ, ý tưởng lên giấy.
Với sự ra đời của điện báo, điện thoại, lần đầu con người có thể giao tiếp ở khoảng cách xa. Phát thanh, truyền hình đã mang lại sự tức thời cho thông tin, ý tưởng cần thể hiện. Rồi công nghệ máy tính thay đổi hoàn toàn truyền thông, mang đến cho ta email, tin nhắn, website, google, blog, youtube, podcast, media, cầu truyền hình…
Tuy nhiên, bản chất của giao tiếp vẫn không đổi. Trong những năm giảng dạy về truyền thông trong kinh doanh, tôi định nghĩa truyền thông đơn giản là ‘Trao đổi ý nghĩa thành công’. Nghĩa là ‘Người gửi’ (cá nhân mong muốn truyền đạt một thông điệp cụ thể), và ‘Người nhận’ (người thông điệp hướng đến) hiểu những gì đang được truyền đạt. Điều này đúng, dù là truyền đạt cho hàng triệu người hay cho một người.
Nhà tư vấn lãnh đạo Tim Kight vừa qua đời sau thời gian dài chiến đấu với bệnh ung thư, nhưng trí tuệ của ông vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều người, theo nhiều cách. Ông thường nói về giao tiếp giữa các cá nhân và những thách thức. Ví dụ ông nói: “Hãy dành thời gian quan tâm, lắng nghe và kết nối. Khi quan tâm, bạn sẽ tìm cách hiểu. Khi lắng nghe, bạn tạo ra kết nối cá nhân, cho phép giao tiếp và cộng tác ở mức độ cao. Khi kết nối, bạn chia sẻ ý tưởng, quan điểm và đưa ra quyết định tốt hơn”. Làm theo lời khuyên này, ta đã trao đổi ý nghĩa thành công.
Lời Chúa – Kinh Thánh – có nhiều ‘chân lý’ dành cho giao tiếp, kết nối với người khác một cách tích cực. Dưới đây là một số nguyên tắc:
+ Tác dụng của giao tiếp:
Lời nói có thể khích lệ, chữa lành, truyền cảm hứng; cũng có thể gây hại nếu bất cẩn. “Sống chết do nơi quyền của lưỡi, kẻ ái mộ nó sẽ ăn bông trái của nó” (Châm ngôn 18:21). Việc lắng nghe chăm chú cho thấy ta quan tâm đến mức nào. Trong các cuộc trò chuyện, nhiều người thường không lắng nghe mà chỉ chờ người kia tạm dừng để mình nói. Nên kỹ năng lắng nghe thể hiện sự quan tâm đến người khác. “Trả lời trước khi nghe là sự điên dại và hổ thẹn cho ai làm vậy” (Châm ngôn 18:13)
+ Phản ứng phù hợp:
Sau khi nghe những gì người kia nói – không chỉ lời nói mà cả trái tim – ta có thể phản hồi cách chu đáo, thấu hiểu. “Miệng khéo đáp khiến người vui vẻ, lời đúng lúc thật tốt đẹp biết bao!” (Châm ngôn 15:23)
+ Đối xử với người như cách ta muốn được đối xử:
‘Quy tắc vàng’ là đặt lợi ích của người trước hết là nguyên tắc hợp lý cần tuân giữ nếu muốn giao tiếp hiệu quả với người khác. “Hãy đối xử với người khác như cách con muốn họ đối xử với mình” (Lu-ca 6:31)
Câu hỏi suy ngẫm/thảo luận
1. Nếu ai đó đánh giá bạn về giao tiếp, bạn nghĩ họ sẽ nói thế nào? Bạn có nghĩ mình giao tiếp tốt, hiệu quả? Tại sao có, tại sao không?
2. Các vấn đề giao tiếp bạn thường gặp trong nơi làm việc là gì? Khi vấn đề đó không được giải quyết thỏa đáng, hậu quả sẽ ra sao?
3. Bạn nghĩ việc “quan tâm, lắng nghe và kết nối” trong giao tiếp hàng ngày quan trọng thế nào? Thách thức nào có thể ngăn bạn hoặc người khác không làm điều này một cách nhất quán?
4. Trong các nguyên tắc Kinh Thánh liên quan đến giao tiếp, nguyên tắc nào quan trọng với bạn? Giải thích câu trả lời của bạn?
Robert J. Tamasy
(Nguồn: CBMC International | Lược dịch: Nguyên Ân | Biên tập: Thảo Phạm | Ảnh: Pixabay | Xem thêm: Châm ngôn 10:19,32, 12:14, 13:3, 15:1-2,4, 16:13, 17:28, 20:12, 22:11; Phi-líp 2:3-4)
THỬ THÁCH TUẦN NÀY
Hãy cố gắng để ý và nhận thức những tương tác của bạn với người khác, những gì bạn giao tiếp và cách giao tiếp.
Những gì người khác giao tiếp với bạn và cách bạn phản ứng. Bạn có nghĩ mình là người “trao đổi ý nghĩa thành công”? Khả năng hiểu lầm?
Hãy cân nhắc và hỏi người bạn thân, người cố vấn… về kỹ năng giao tiếp của bạn. Chỗ nào cần cải thiện? Những gợi ý nào của họ dành cho bạn?