Người mẹ đưa cô vào bếp, đổ đầy nước vào 3 cái nồi, đặt trên bếp và vặn to lửa. Nồi thứ nhất bà bỏ cà rốt, nồi thứ hai bà bỏ trứng vào, và nồi cuối bà bỏ một ít hạt cà phê. Khi chúng sôi lên, bà vẫn để chúng tiếp tục sôi…
Bà ngồi cạnh nhưng không nói gì với con gái. Sau 20 phút bà tắt bếp, vớt cà rốt, trứng, cà phê ra, đặt chúng vào những cái chén riêng. Quay sang con gái, bà hỏi: “Hãy cho mẹ biết con nhìn thấy gì?”. “Cà rốt, trứng và cà phê” – cô gái trả lời.
Người mẹ đưa cô đến gần và yêu cầu cô cảm nhận những củ cà rốt. Nó mềm oặt. Bà yêu cầu con gái lấy quả trứng ra đập vỡ, bóc vỏ, rồi quan sát quả trứng đã chín. Cuối cùng, bà yêu cầu con gái nhâm nhi cà phê. Cô cười: “Cà phê ngon quá!”, rồi hỏi: “Mẹ ơi, tất cả những điều này có nghĩa gì?”.
Người mẹ giải thích: mỗi thứ đều phải đối diện với nghịch cảnh: nước sôi. Nhưng mỗi thứ đã có phản ứng khác nhau. Cà rốt vốn cứng cáp, nhưng gặp nước sôi, nó trở nên mềm oặt. Quả trứng dễ vỡ bởi lớp vỏ mỏng bên ngoài, nhưng sau khi gặp nước sôi nó trở nên cứng lại. Tuy nhiên, cà phê sau khi tiếp xúc với nước sôi chúng đã biến đổi luôn cả nồi nước. “Con ơi!” – bà hỏi – “Khi nghịch cảnh gõ cửa, con ứng phó thế nào? Con là củ cà rốt, quả trứng hay hạt cà phê?”.
? Suy ngẫm:
Tôi phải nghĩ về phép ẩn dụ mà người mẹ đã sử dụng và tự hỏi bản thân: Tôi giống củ cà rốt có vẻ ngoài mạnh mẽ, nhưng khi nghịch cảnh ập đến lại mềm yếu? Tôi có giống quả trứng dễ vỡ nhưng thay đổi theo sức nóng? Khi đối diện với thử thách, tôi có trở nên cứng rắn? Hay tôi giống như hạt cà phê? Khi nước nóng lên nó giải phóng hương và vị của hạt cà phê. Khi gặp thử thách, ta làm thế nào để đối phó? Chúng ta là cà rốt, quả trứng hay hạt cà phê?
Không phải bàn cãi về thực tế tất cả chúng ta đều trải qua thử thách trong đời sống Cơ đốc. Nhưng cách ta đối phó với chúng mới thật quan trọng. Câu chuyện trên giúp ta nhớ một nguyên tắc cơ bản của cuộc sống. Vì tính cách, trải nghiệm và giáo dục của chúng ta khác nhau, nên ta có thể giống cà rốt, trứng hoặc cà phê. Có người thấy thử thách quá khó khăn, tổn hại hạnh phúc, tinh thần… nhưng người khác có khả năng đối phó với thử thách và biến quả chanh chua thành món nước chanh để giải khát.
Nhưng có điều trong câu chuyện này không nói đến việc người đứng bếp, đó là Đấng Cứu rỗi của chúng ta – Đức Chúa Jesus Christ – Ngài chính là đầu bếp, Ngài biết khi nào nhiệt độ quá cao và… tắt bếp để ta không bị hủy hoại. Vâng, nhiệt độ cao không làm ta thoải mái, nhưng Đức Chúa Trời thành tín không cho phép chúng ta bị thử thách vượt quá khả năng chịu đựng của mình.
Đôi khi ta nghĩ Chúa đã đi vắng, quên ta. Nhưng Kinh Thánh đảm bảo rằng Đức Chúa Trời luôn tham gia mật thiết vào cuộc sống ta, và Ngài có thời điểm để giải quyết khó khăn, giúp ta hoàn hảo.
Đấng Christ sẽ không để nước quá sôi và ta bị tiêu diệt, nản lòng, bỏ cuộc, Ngài theo dõi cẩn thận tiến bộ của ta trong việc đối phó với thử thách.
Có dịp vào bếp chuẩn bị bữa tối, luộc quả trứng, củ cà rốt hay đun ít cà phê, bạn hãy nhớ: không quan trọng ta sẽ là cà rốt, quả trứng hay cà phê. Vì người đầu bếp chân chính của ta – Đức Chúa Jesus – đang ở đó để đảm bảo rằng chúng ta không bị thử thách vượt quá sức mình có thể chịu đựng.
“Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy, tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi” (II Cô rinh tô 12:9)
WAY TO SUCCESS – ĐƯỜNG ĐẾN THÀNH CÔNG
(Nguồn: Dưỡng linh – httlsaigon.org; Ảnh: Unsplash)