Và tôi đánh giá cao giá trị của các công thức nấu ăn; theo tôi, thành phần phù hợp, số lượng thích hợp… rất quan trọng. Nếu thiếu nguyên liệu, ngay cả đầu bếp nổi tiếng nhất cũng không thể bù đắp.
Tương tự trong kinh doanh, một công ty thành công sẽ có các sản phẩm với “công thức” phù hợp, các thành phần cần thiết được “trộn” theo tỷ lệ thích hợp.
Nếu viết ra “công thức” mà công ty, tổ chức bạn đang dùng, đó sẽ là gì? Đối với hầu hết doanh nghiệp, các thành phần sẽ bao gồm con người, kế hoạch, dự đoán, chuẩn bị, năng suất và lợi nhuận. Trong tiếng Anh, mỗi thành phần này bắt đầu bằng chữ P (People, Plans, Projections, Preparations, Productivity & Profits). Tuy nhiên theo tôi, trong nhiều trường hợp, một thành phần quan trọng bị bỏ qua, cũng bắt đầu bằng chữ ‘P’ – Prayer – Lời cầu nguyện.
Hơn 40 năm trước, tôi gia nhập CBMC với tư cách Biên tập viên, kế đến là Giám đốc xuất bản. Một trong số trách nhiệm thú vị nhất và mang tính “khai sáng” của tôi, đó là phỏng vấn, viết bài về các lãnh đạo doanh nghiệp – những nhân vật chuyên nghiệp, tận tâm và đầy đức tin nơi làm việc – các cá nhân độc nhất đang phục vụ trong vô số ngành nghề; và để thành công, họ đều có điểm chung: Cầu nguyện.
Đáng chú ý hầu hết họ không cầu nguyện cho thành công tức thời hay chiến thắng đối thủ cạnh tranh, nhưng để có được sự khôn ngoan của Chúa để xây dựng doanh nghiệp bền vững. Họ cầu nguyện cho nhân viên, xin Đức Chúa Trời cung cấp giải pháp cho các vấn đề họ đối diện. Trên hết, họ cầu nguyện xin Chúa công ty họ sẽ là nhân chứng tốt cho Đức Chúa Trời trong cộng đồng (Công vụ 1:8), trở nên đại sứ đắc lực cho Chúa Jesus với bất kỳ ai họ gặp hàng ngày (II Cô-rinh-tô 5:20)
Dưới đây chỉ là ví dụ về những gì Kinh Thánh dạy về việc cầu nguyện như một phần của “công thức” cho cuộc sống hàng ngày:
+ Cầu nguyện liên tục, không “thỉnh thoảng”:
Dành thời gian cụ thể tập trung cầu nguyện, tĩnh nguyện – là điều có thể làm mỗi ngày, mỗi phút, bất kể hoàn cảnh ra sao. “Hãy cầu nguyện không thôi” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:17)
+ Cầu nguyện cho mọi thứ & bất cứ điều gì:
Không có giới hạn, ranh giới cho những gì ta có thể cầu nguyện, hay nên cầu nguyện thế nào. Ta có thể tự do bày tỏ nhu cầu, mối quan tâm, thậm chí cả nỗi sợ hãi của mình với Chúa, bất kể hoàn cảnh . “Chớ lo lắng chi hết, nhưng trong mọi việc hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin và tạ ơn mà trình dâng các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời” (Phi-líp 4:6)
Chúa hứa sẽ đáp ứng lời cầu nguyện của con cái Ngài. Chúa Jesus dạy: kết quả phụ thuộc vào mối quan hệ cá nhân giữa ta với Chúa; cầu nguyện cho bất cứ điều gì ta cần – theo ý Ngài – ta có thể chắc rằng lời cầu nguyện của mình được đáp ứng. “Nếu các ngươi cứ ở trong Ta và lời Ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin bất cứ điều gì các ngươi muốn, thì điều đó sẽ được thực hiện cho các ngươi” (Giăng 15:7)
Câu hỏi suy ngẫm/thảo luận
1. Bạn nghĩ gì về ý tưởng cầu nguyện cho công việc, công ty, đối thủ cạnh tranh, nhân viên, chính phủ…? Bạn có tin rằng cầu nguyện cho những điều như vậy nằm ngoài phạm vi của việc cầu nguyện? Tại sao?
2. Hãy cho một ví dụ điển hình về việc cầu nguyện cho công việc, công ty, các tình huống bất ngờ xảy ra?
3. Kinh Thánh dạy hãy “cầu nguyện không thôi” là có nghĩa gì? Bạn có thể cầu nguyện mà người khác không biết bạn đang cầu nguyện?
4. Làm sao để biến việc cầu nguyện trở thành một phần quan trọng trong “công thức” của bạn về cách sống, cách cư xử… dù ở nơi làm việc, ở nhà hay nơi công cộng?
Robert J. Tamasy
(Nguồn: CBMC International // Thảo Phạm lược dịch // Ảnh: Pixabay, Youtube, Guidepost, The Gospel Coalition)
Xem thêm: I Sa-mu-ên 12:23; Thi Thiên 55:1; Giăng 15:16; Ê-phê-sô 6:18; I Ti-mô-thê 2:1-2,8; Gia-cơ 5:16