Anh Luke là chủ doanh nghiệp lớn về công nghệ sinh học. Hôm ở nhà anh, mình bị lệch múi giờ nên khó ngủ. 12g đêm bỗng thấy con trai anh cỡ 10 tuổi, vô bếp dọn dẹp, dù mẹ nó đã dọn xong, nhưng nó vẫn double check – kiểm tra lại – rồi bật đèn ngoài sân, kiểm tra cổng đóng chưa, con chó đã yên vị trong chuồng chưa… rồi mới vào khoá cửa, tắt điện, nhẹ nhẹ đi vô phòng ngủ.
Mình ngạc nhiên ghê lắm, lúc ăn sáng hỏi, nó nói đó là môn học ‘Home Maintenance’ trường bắt buộc từ mẫu giáo, và cha mẹ làm cùng nó 2 năm nay. Giờ nó quen, không sợ khi ra sân nữa vì có con Ken (con chó của nó) bảo vệ. Nó nói tối qua nó thức hơi khuya để nghiên cứu tài liệu cho buổi thuyết trình tuần sau…
Anh Luke nói kỹ năng ‘Home Maintenance’ chủ yếu do gia đình hướng dẫn, mùa đông thì dọn tuyết, mùa hè trồng cây, cắt cỏ… Nhưng tối trước khi đi ngủ phải double check 1 vòng. Sáng dậy, sau khi vệ sinh cá nhân là đi tắt đèn sân, cho chó mèo ăn, tưới cây nếu không mưa, dọn phân chó mèo, để đồ ăn cho chim trên cành cây trước sân, đẩy xe rác ra ngoài… Cuối tuần phụ bố làm vườn, trồng hoa, tắm và sấy chó mèo, rảnh nữa thì tập trung bạn bè lại xúm nhau pha nước chanh đứng bán ở góc đường gây quỹ từ thiện. Chúng nó tự lên kế hoạch, tự hái chanh, mua đường, tự làm và dọn dẹp mọi thứ dù chỉ mới 10-11 tuổi.
Còn lúc mình ở nhà chị Hoà thì thấy tối, con chị giải bài tập xong lăn ra ngủ. Trên bếp đầy nồi niêu xoong chảo, thùng rác đầy ắp… Sáng dậy chị phải gõ cửa từng phòng kêu tụi nó dậy, nhắc ra ăn sáng; khi dậy chúng vứt chăn mền ngổn ngang, chị Hoà vừa dọn vừa cằn nhằn. Lũ trẻ ăn xong vứt chén bát vào bồn cho mẹ rồi vội thay đồ đi học. Cây cỏ nhà chị héo úa, vật nuôi chẳng có con nào vì “nuôi phải cho ăn, dọn phân mệt lắm” – chị nói.
Anh làm công nhân nhà máy dược khá xa, còn chị phụ nhà hàng. Dù hồi ở VN cả hai đều là giảng viên đại học. Từng học thạc sĩ ở đây, nên khi có con, họ tìm đường sang định học tiến sĩ nhưng bỏ học, xoay sở tìm cách định cư. “Mình hy sinh để con cái được học môi trường quốc tế, để phát huy hết năng lực, và một số trường công bên này miễn phí” – chị nói.
Ngoài giờ học chính, như bao gia đình Việt, chị chở con đi học đàn, học vẽ, học võ, học cờ, học toán tư duy… học tất cả. Chị nói vì tụi nó học trường công, mấy môn này chỉ dạy qua loa, không kỹ như bên trường tư. Mình hỏi có môn ‘Home Maintenance’ không, chị nói chưa nghe bao giờ, chắc trường tư mới có.
Về sau mình hỏi anh Luke, ảnh nói trường công chỉ dạy những cái cơ bản thôi, thế mới miễn phí. Không tiền mới học ở trường công, chứ có tiền thì nên “mua sản phẩm giáo dục”. Con anh học trường tư cả chục ngàn bảng/năm. Nhưng anh nói để giáo dục một đứa trẻ thì nhà trường 30, gia đình 70, tức phải có sự phối hợp của gia đình. Ví dụ cái môn ‘Home Maintenance’ kia gặp cha mẹ lười chẳng cắt cỏ bón phân, không yêu động vật, không dọn dẹp… thì con cái chẳng thể có được.
Trở về Việt Nam, mình nghĩ mãi: hoá ra cái để một người có thể làm lãnh đạo, làm quản lý, làm chủ… không phải kiến thức học ở trường, mà là cái tích lũy mỗi ngày ở nhà. Ấy vậy mà vẫn không ít người ngây ngô lao vào đại học kinh tế, quản trị kinh doanh… nghĩ học ra sẽ trở thành quản lý, big boss, chủ cả… nhưng không hề! Hoặc cứ nghĩ du học nước ngoài về là thành danh. Không đâu!
Năng lực của một người là cả quá trình từ ấu thơ được gia đình dạy dỗ khuôn phép, quán xuyến, óc quan sát, sắp xếp; sự chăm chút, tỉ mỉ trong từng việc hàng ngày. Một người nếu cái giường ngủ cũng bẩn, cái phòng lộn xộn, cái bếp bừa bộn, cái tủ lạnh lộn xộn, kém vệ sinh, cái thùng rác đầy ụ, bốc mùi… thì dù chữ nghĩa, bằng cấp bao nhiêu cũng không thể trở thành lãnh đạo hay quản lý được. Bởi họ không biết thế nào là sạch, là bẩn, là lộn xộn, bất cập… để có thể thay đổi.
Hưng Hưng Vũ
(Ảnh: Unsplash)