Bên cạnh câu chuyện khởi nghiệp “người thật việc thật” được trình bày hài hước, cuốn hút, là những suy ngẫm giá trị của một Phil Knight – vị tỷ phú với tài sản hơn 30 tỷ USD.
Sách đã được Warren Buffett và Bill Gates hết lời ca ngợi: “Cuốn sách hay nhất của nhà sáng lập Nike – Phil Knight – một doanh nhân thông minh, tài năng, một người kể chuyện xuất sắc” (Warren Buffett)
Sách kể về hành trình từ lúc chu du thế giới ở tuổi 24, cho tới khi Nike lần đầu phát hành cổ phiếu năm 1980. Dưới đây là 4 bài học giá trị dành cho startup:
1. Thành công cần thời gian
Sách bắt đầu với cột mốc 1962. Khi nhà sáng lập Nike có “ý tưởng điên rồ”: Nhập giày chạy bộ từ Nhật vào thị trường Mỹ. Tháng 11/1962, tại Kobe, Knight bắt gặp thương hiệu Tiger của công ty giày Onitsuka Co. Ấn tượng bởi chất lượng và mức giá cạnh tranh của Tiger, Knight gọi cho ông chủ Onitsuka và đạt thỏa thuận phân phối Tiger sang bờ Tây nước Mỹ.
Hơn 1 năm sau, những đôi Tiger Nhật được chuyển đến cho Knight, chàng thanh niên hăm hở bắt tay vào kinh doanh.
Knight đến các cửa hàng thể thao thuyết phục bỏ mối giày, song bị từ chối vì họ đã có quá nhiều sản phẩm để bán. Knight tìm đến các buổi thi đấu điền kinh bắt chuyện với các huấn luyện viên, vận động viên, người hâm mộ… rồi giới thiệu giày. Nhưng dù sản phẩm tốt và sử dụng cách marketing trực tiếp như vậy, nhưng một công ty muốn phát triển cần nhiều hơn thế. Nó cần thời gian!
Mãi 2 năm sau chuyến đi Nhật, Knight mới chính thức thành lập công ty cùng huấn luyện viên chạy bộ Bill Bowerman. Ba năm trôi qua, công ty của cả hai khi đó tên là Blue Ribbon Sport lần đầu thuê văn phòng, một không gian nhỏ bên cạnh quán bar. Công ty vẫn tăng trưởng đều, song vẫn chỉ là một doanh nghiệp nhỏ với vài nhân viên làm việc rải rác. Mãi đến năm 1972, tức 10 năm sau khi triển khai ý tưởng, cái tên “Nike” mới được biết đến rộng rãi.
Dĩ nhiên tốc độ bán hàng của những năm 1960 không thể sánh với bây giờ. Khi Internet không có, toàn cầu hoá còn là khái niệm, và “bức màn sắt” hình thành từ cuối Thế chiến II vẫn đang chia cắt thế giới. Song, dù ở thời đại nào, việc xây dựng một công ty bán sản phẩm thành công đều cần thời gian. Theo Knight thì việc ‘đánh nhanh thắng nhanh’ là không cần thiết, công ty không phải công cụ để làm giàu nhanh chóng rồi… nghỉ hưu sớm.
2. Đam mê & những người cùng đam mê
Bản thân Knight là ‘tín đồ’ của môn điền kinh, quen biết rất nhiều người trong giới. Người đồng sáng lập với ông – Bill Bowerman – còn lên chương trình tập luyện cho đội tuyển điền kinh Mỹ năm 1968, là huấn luyện viên chính năm 1972. Knight còn tăng cường mở rộng quan hệ khi thường xuyên đến các sự kiện, các cuộc thi điền kinh để tiếp cận những người cùng đam mê.
Thời đó, việc các huấn luyện viên tự thiết kế, cải tiến giày chạy cho vận động viên không hiếm. Và Nike luôn đồng hành, giúp đỡ họ. Ngày nay người ta gọi hành động này là “nghiên cứu khách hàng có chủ đích”. Song, với Knight, việc này đến một cách tự nhiên: Ông chỉ muốn gặp những người quan tâm, hiểu biết về điền kinh để trò chuyện, học hỏi.
Lợi ích từ các mối quan hệ được Nike tận dụng để biến cửa hàng thành nơi mang lại trải nghiệm toàn diện cho giới điền kinh. Ông kể: “Cậu ta (Jeff Johnson – nhân viên đầu tiên của Nike) muốn biến cửa hàng thành ‘thánh địa’ dành riêng cho dân điền kinh… Jeff đã tạo không gian đẹp mắt để họ gặp gỡ, trò chuyện; lắp thêm kệ và đặt lên đó những cuốn sách mà bất kỳ ‘tín đồ’ điền kinh nào cũng nên đọc… Chưa từng có nơi nào trên thế giới dành riêng cho dân điền kinh như thế, không chỉ đơn thuần bán giày, mà còn là nơi tôn vinh họ lẫn đôi giày của họ”.
Sở hữu mối quan hệ rộng rãi còn giúp Nike đi tắt, đón đầu thị trường. Cuối những năm 60, đường chạy điền kinh được cải tiến với những đặc tính mới mà vận động viên phải thích nghi. Nhờ Bowerman mà Nike nhanh chóng điều chỉnh, tung các sản phẩm phù hợp với đường chạy mới trước nhiều đối thủ.
Sự đam mê và niềm tin từ khách hàng. Knight và công ty đã xây dựng được niềm tin với khách hàng, trở nên đáng tin cậy hơn trong mắt họ. Vì ông vừa là dân điền kinh, vừa là người hâm mộ, vừa sở hữu một công ty thực sự xem trọng môn thể thao này. Thế nên khách không khỏi nghĩ rằng Knight biết sản phẩm nào tốt nhất cho họ, dễ có thiện cảm với ông vì cùng đam mê.
3. Quản lý & lãnh đạo – 2 phạm trù khác biệt
Dù làm việc trong lĩnh vực thể thao, song đội nhân viên nòng cốt của Knight chẳng có vẻ gì “thể thao” cả: Một người ngồi suốt trên xe lăn sau tai nạn, 2 người béo phì… Thay vì thuê một ai đó cụ thể, Knight sẵn sàng chào đón tất cả những ai ông gặp được và tạo ra vai trò phù hợp với họ.
Có thể nói cách quản trị nhân sự của ông thách thức nhiều quan điểm hiện đại. Ông ít khi trả lời câu hỏi, thư từ hay các phản ánh. Phong cách của ông giống với một lãnh đạo hơn là người quản lý. Cụ thể Jeff Johnson hàng ngày báo cáo tình hình kinh doanh cho Knight và nhận góp ý hoặc hỗ trợ nếu cần. Ít khi Knight trả lời lại, song bằng cách đó, ông đã trao cho Johnson quyền được tự do làm những gì mình muốn. Kết quả là Johnson chủ động điều hành các chiến dịch marketing đầu tiên của công ty và còn đột phá ý tưởng, biến cửa hàng thành nơi trải nghiệm của dân điền kinh…
Ngoài ra, Knight và team ông có mục đích rõ ràng. Những nhân viên đầu tiên của ông đều có chung niềm đam mê hay hệ giá trị với ông, là những người khát khao tìm kiếm sự khác biệt với cuộc sống công sở 9 giờ sáng có mặt, 5 giờ chiều ra về.
Knight thường dẫn lời của tướng Mỹ Douglas McArthur: “Đừng bảo người khác phải làm việc thế nào, hãy nói cho họ biết phải làm những gì rồi để họ mang về kết quả đáng ngạc nhiên cho bạn”. Ông thừa nhận: “Phong cách quản lý của tôi không phù hợp với ai muốn cầm tay chỉ việc. Các nhân viên cho rằng phong cách quản lý của tôi khiến họ cảm thấy tự do, được trao quyền nhiều hơn”. Nói cách khác, Knight không quản thúc, chỉ tạo điều kiện cho họ thôi.
4. Kinh doanh – con đường không thể đoán định
Từ lúc dấn thân vào kinh doanh, Knight không hề đặt mục tiêu phải xây dựng một đế chế đáng giá hàng tỷ đô hay đột phá thị trường… Ông đơn giản muốn làm bộ môn điền kinh trở nên tốt hơn thông qua việc cải tiến những đôi giày, nâng cao sức khoẻ những người yêu thích nó. Thế nên, cuộc đời kinh doanh của vị tỷ phú không luôn “theo đúng kế hoạch”, mà đầy khó khăn, vất vả, thử thách, và dĩ nhiên là thành công.
Knight thừa nhận mình là người cha thường vắng nhà, nhiều lần suýt kiệt quệ, nhiều lần nóng vội, sai lầm. Để có một Nike tồn tại và phát triển như hôm nay, dĩ nhiên ngoài cố gắng còn rất cần sự may mắn.
Và điều quan trọng là tập trung vào những việc cụ thể ở thời điểm hiện tại – những thứ bạn có thể kiểm soát – nắm bắt cơ hội, dũng cảm chấp nhận rủi ro. Sau cùng, cần lắng nghe, quý trọng những gì mọi người đang làm, đừng cố gắng dự đoán tương lai.
Có thể nói ‘Shoe Dog’ là quyển sách đáng đọc vì “người thật, việc thật”, hơn là nhồi nhét vào đầu người đọc những lời khuyên chủ quan, võ đoán như “nên thế này thế nọ để thành công”… Từ đó, cho thấy tầm quan trọng của dấu ấn cá nhân trên con đường kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Có thể bạn làm thế này thành công nhưng người khác thì ngược lại. Quan trọng là cần xác định bằng được đâu mới là con đường phù hợp với mình.
Lê Duy
(DNSG I Ảnh: Medium, GN, YT, The Investor’s Podcast Network)
* Muối & Ánh sáng:
Đối với Cơ đốc nhân, phấn đấu cả đời để đạt được sự giàu có, danh vọng, ước mơ… của chính mình hay chọn đi theo đường lối Chúa, điều nào quan trọng hơn? Vì rằng sự thành công, sự thỏa nguyện thật chỉ có được khi ta đầu phục ý muốn của Chúa. Ngay cả vua Đa-vít khi ở tột đỉnh vinh quang vẫn khiêm cung: “Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời, con là ai và gia đình con là gì mà Ngài đem con đến đây?” (I Sử ký 17:16)