Một cửa hàng quần áo tại trung tâm một thành phố lớn ở Mỹ, bán các loại quần jeans được thiết kế khác lạ, độc quyền. Họ để giá 100 USD/chiếc, và nghĩ với mẫu mã đẹp, được thiết kế riêng và giá không cao, chắc chắn sẽ bán rất chạy. Thế nhưng ngược lại, suốt cả tháng họ chỉ bán được cho vài khách.
Để hút khách họ cố giảm còn 80 USD/chiếc, vẫn chẳng mấy khách hứng thú ghé mua. Tháng tiếp theo họ quyết định ‘xả lỗ’ 60 USD/chiếc, nhưng lượng khách hàng cũng chẳng tăng được bao nhiêu.
Một người bạn Do Thái ghé thăm, thấy thế khuyên bạn hãy xóa đi, viết lại bản quảng cáo treo ngoài cửa như sau: “Cửa hàng CHUYÊN đồ jeans, được họa sĩ lừng danh thiết kế ĐỘC QUYỀN. Giá 400 USD/chiếc”.
Anh chủ giật mình, 60 USD/chiếc còn chưa bán được, huống hồ giá ‘trên trời’? Thế nhưng thật bất ngờ. Khách bắt đầu vào đông nườm nượp, tranh nhau lựa và hàng bán không kịp.
Câu content của người bạn Do Thái đã đánh ngay vào tâm lý khách hàng chỉ muốn đồ độc quyền, được thiết kế riêng, và giá cả tỷ lệ thuận với chất lượng, đẳng cấp. Ngược lại giá thấp đồng nghĩa với hàng dỏm, hàng nhái, dù thực tế không phải vậy. Và người chọn “hàng độc, giá cao” là những người muốn mình ở một đẳng cấp khác.
Nói đến sự nhạy bén trong kinh doanh, người Do Thái được xem là ‘Guru’ (bậc thầy) của thế giới.
Tư duy của bà bán ớt
Một phụ nữ Do Thái bán ớt ngoài chợ. Sáng sớm, một khách hàng hỏi ớt có cay không? Bà đáp: “Trái dài thì cay, trái ngắn thì không”.
Trưa nắng chói chang, ớt dài đã bán gần hết, lại có khách hỏi ớt cay không? Bà đáp: “Loại đậm màu thì cay, nhạt màu thì không”.
Đến chiều, sạp không còn nhiều ớt, một khách hàng lại hỏi ớt nào cay? Bà đáp: “Trái cứng thì cay, trái mềm thì không”. Và như thế, bà đã bán hết sạch sạp ớt dù cay, không cay, cay ít cay nhiều, dài ngắn, lớn nhỏ, cứng mềm, đậm nhạt…
Bà rất linh hoạt không trả lời thẳng cho khách, mà luôn chia ớt thành 2 loại qua bề ngoài. Do đó, bất kể khách hàng muốn gì, bà đều bán được.
Trong thế giới mà mọi thứ luôn thay đổi, không ai biết trước được điều gì ngày mai. Vì nên dù là lãnh đạo hay người làm công ăn lương, con người cần học cách thay đổi suy nghĩ để ứng phó với thế giới quanh ta.
Nếu có quá nhiều sự cạnh tranh trong cùng một mặt hàng, bạn làm thế nào để thu hút khách?
Khương An tổng hợp
(Ảnh: Pixabay)