Tựa sách có thể khiến bạn phân vân bởi từ ‘tàn nhẫn’. Nhưng nó trái ngược hoàn toàn, chỉ là nghiêm khắc, nguyên tắc và không nhượng bộ trước những đòi hỏi vô lý của con. Tạo mọi điều kiện để con trải nghiệm, và biết buông tay để con tự lập.
Trên thực tế cha mẹ Do Thái không dùng roi vọt và cũng ít khi lớn tiếng với con, nhưng tôn trọng, tin tưởng, lạc quan và yêu thương.
Tác giả Sara Imas là người Do Thái, sinh ra và lớn lên ở Thượng Hải, Trung Quốc (TQ). Bà được cha giáo dục theo cách Do Thái, nhưng khi kết hôn và có 3 con, bà trở thành một bà mẹ TQ yêu con mù quáng. Nhưng sau khi trở về quê hương, được tiếp cận với truyền thống giáo dục Do Thái, bà dần nhận ra sai lầm và thay đổi cách thức giáo dục con.
Người Do Thái quan niệm dù làm bất cứ việc gì cũng cần học hỏi, trau dồi tri thức thực nghiệm. Làm cha mẹ là một trong số việc khó nhất trên đời, cần trang bị kiến thức sâu rộng và không ngừng học hỏi.
Sách (tập 1) có 5 chương và phần nhắn nhủ của tác giả tới các bậc cha mẹ.
I: Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương: Quá trình chuyển đổi cách thức giáo dục từ TQ sang Do Thái.
II: Nguyên tắc có làm có hưởng: Tinh hoa giáo dục Do Thái – giúp con kỹ năng tự lập, sinh tồn.
III: Trì hoãn thỏa mãn: Sai lầm tai hại khi quá nuông chìu – cách thức yêu và dạy con.
IV: Càng yêu, càng lùi bước: Cần buông tay để con tự lập – tình yêu hướng tới sự phân ly. Cách thức buông tay để con tự đứng trên đôi chân mình. Cha mẹ nên là quân sư chứ không phải người quản gia của con.
V: Tàn nhẫn để yêu thương: Yêu thương đúng cách để con trưởng thành, tự lập và cảm nhận tình yêu vô bờ bến của cha mẹ.
Tác giả lấy phương pháp giáo dục Do Thái làm chuẩn mực, chỉ ra những sai lầm trong cách giáo dục con của cha mẹ TQ. Dù có chút tương đồng, nhưng bố mẹ TQ thường tập trung vào việc dành tình yêu cho con, tạo ra những sai lệch gây hại cho con.
Bà kể quá trình chuyển đổi bản thân theo phương pháp giáo dục con nhờ tiếp xúc với giữa 2 nền văn hóa. Và nhận ra sai lầm trong cách yêu con và kịp thời thay đổi.
Các con của tác giả giờ đều trưởng thành và thành công ngoài mong đợi – càng nhấn mạnh nguyên tắc giáo dục Do Thái giá trị và hiệu quả. Và tinh hoa chính là dạy con kỹ năng sinh tồn cùng nguyên tắc “có làm có hưởng”.
Cha mẹ không nô lệ cho con, biến con thành những kẻ ăn bám. Dạy con kỹ năng sinh tồn ngay khi còn ở độ tuổi biết nhận thức (2 tuổi trở lên), như quản lý tài sản, trân trọng công việc và có làm có hưởng; quản lý thời gian, đầu tư đúng cách nguồn vốn và kỹ năng giao tiếp, kết nối.
Do mỗi đứa trẻ đều có đặc điểm, tính cách khác nhau, nên người mẹ cần tinh tế trong việc nhận biết tâm lý con để áp dụng hợp lý, không máy móc, tránh tác dụng ngược.
Sách có nhiều đoạn lặp, nhưng giá trị nó mang lại khỏa lấp hạn chế đó. Đọc để biết ơn cha mẹ đã hy sinh, nỗ lực nuôi dạy ta, để nếu họ không nỡ buông tay ta, ta sẽ tự rèn luyện, tự đẩy mình đi để thành công.
Kinh Thánh chép: “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm ngôn 22:6)
“Về phần con, hãy đứng vững trong những sự con đã đem lòng tin chắc mà học và nhận lấy, vì đã biết con đã học những điều đó với ai, vì từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh Thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Jesus Christ” (II Timôthê 3:14-15)
Muối & Ánh sáng
(Ảnh: Unsplash)