Điển hình gần đây tôi tình cờ nghe được cuộc trò chuyện tại một bữa tiệc. Một người sắp nghỉ hưu nói ông khó lòng chờ đợi cho đến khi có thể nghỉ việc; rằng ông ghét công việc của mình, và lý do duy nhất khiến ông tiếp tục đi làm mỗi ngày là vì tiền.
Tôi không nói gì với ông, nhưng nghĩ: “Thật là một lối sống đáng thương”. Tôi không thể tưởng tượng được việc suốt đời ghét bỏ những gì mình phần lớn thời gian để làm. Một số việc đáng làm hơn những việc khác. Nhưng ngay cả khi trải qua những ngày chán nản, tôi vẫn yêu thích việc mình làm. Đôi khi trong đời, công việc tôi đang làm có thể không truyền cảm hứng, nhưng những người tôi gặp hàng ngày lại truyền cảm hứng để tôi biết và tương tác.
Khi nghe mọi người khao khát được nghỉ hưu, tôi luôn nghĩ về giá trị nội tại của công việc. Trên thực tế, có nhiều đoạn Kinh Thánh đề cập đến sự cao quý của công việc. Như Cô-lô-se 3:23 nói ta phải làm việc bằng cả tấm lòng trong bất cứ việc gì; rằng ta đang làm việc cho Chúa.
Sách Truyền đạo có nhiều lời khuyên hãy làm việc chăm chỉ và tận hưởng nó. “Ta thấy không có gì tốt hơn cho một người hơn là vui hưởng công việc mình làm, vì đó là số phận của con người. Vì ai có thể biết điều gì sẽ xảy ra ngày mai?” (3:22). Theo bản Kinh Thánh ‘The Message’: “Vì vậy, tôi quyết định rằng không gì tốt cho mọi người hơn là có được khoảng thời gian vui vẻ trong bất cứ việc gì mình làm, vì đó là số phận của chúng ta”. Công việc có thể khó khăn, thử thách, nhưng Chúa đã thiết kế công việc để ta tận hưởng.
Châm ngôn 22:29 chép: “Con có thấy người khéo léo trong công việc? Họ sẽ phục vụ trước mặt các vua”. Bạn có thể nói bí quyết thành công là làm việc tốt, sau đó giới thiệu với mọi người. Ngày nay ta gọi đó là “sản phẩm và tiếp thị”. Tôi tin cần nhấn mạnh vào sản phẩm chứ không phải nỗ lực thuyết phục mọi người mua nó. Nói cách khác là “tạo ra những thứ tốt đẹp”. Nếu làm vậy, bạn sẽ không gặp khó khăn gì khi bán.
Khi ta làm việc theo cách này, ý tưởng nghỉ hưu trở nên kém hấp dẫn hơn nhiều. Trên thực tế, tôi không hề mong đợi đến một thời điểm mà thể chất không thể làm được những gì mình muốn nữa. Khi đó, tôi có thể phải dừng lại vì cần thiết; nhưng tôi không có ý định ngừng làm việc chỉ vì lịch cho biết tôi đã dành đủ thời gian. Việc kết nối giữa nghỉ hưu với số tiền một người đã tiết kiệm được cũng có vẻ là một mục tiêu khá tầm thường.
Kinh Thánh có rất ít hướng dẫn về vấn đề nghỉ hưu. Từ này hiếm khi được dùng, và nó còn có nghĩa là “rút lui”. Có phải mục tiêu chính của công việc chỉ đơn giản là đến thời điểm bạn có thể rút lui khỏi cuộc sống? Tài liệu tham khảo thực tế duy nhất về việc nghỉ hưu trong Kinh Thánh liên quan đến người Lê-vi, họ được hướng dẫn nghỉ hưu ở tuổi 50 – nhưng ngay cả khi đó họ vẫn phải tiếp tục hỗ trợ các thầy tế lễ trẻ hơn.
Ý tưởng về nghỉ hưu như ta biết ngày nay là một hiện tượng, phần lớn là ý tưởng của thế kỷ 20 nhờ tuổi thọ dài hơn và Cách mạng Công nghiệp. Chỉ trong khoảng 60 năm trở lại đây, việc nghỉ hưu mới trở thành điều mà nhiều người khao khát. Chỉ cách đây vài thế hệ, việc nghỉ hưu được coi là “quá già để làm việc” hoặc “bị đưa ra đồng cỏ”. Trừ khi bạn sẵn sàng bị đưa ra đồng cỏ, hãy học cách tận hưởng công việc của mình!
Câu hỏi suy ngẫm/thảo luận
1. Bạn nhìn nhận công việc của mình thế nào? Bạn có thái độ tích cực hay tiêu cực với nó? Giải thích câu trả lời của bạn?
2. Ý kiến của bạn về việc nghỉ hưu được hình thành thế nào bởi nền văn hóa nơi bạn đang sống?
3. Dựa vào nội dung bài này, bạn nghĩ có cần phải điều chỉnh quan điểm của mình về công việc để phù hợp với quan điểm Kinh Thánh? Tại sao?
4. Bạn có thể thực hiện những thay đổi nào (nếu có) trong công việc của mình, hoặc những loại việc khác bạn muốn làm, để khiến công việc trở nên thú vị, để bạn không còn thấy cần thiết phải coi việc nghỉ hưu như một “cuộc trốn chạy” nữa?
Jim Mathis
(Nguồn: CBMC International | Nguyên Ân lược dịch | Ảnh: Pixabay
Xem thêm: Dân số ký 8:23-26; Châm ngôn 10:4-5,7, 11:30, 12:11, 13:9, 16:26, 20:13, 21:5, 23:4-5, 27:18)
(*) Thuật ngữ chỉ những người được sinh ra khoảng từ năm 1946-1964; là nhóm nhân khẩu đến trước thế hệ X và nối tiếp ‘Thế hệ Im Lặng’ (Silent Generation).
‘Baby Boomer generation’ chiếm một phần khá lớn trong dân số nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước phát triển. Chỉ riêng ở Mỹ, các ‘boomers’ gồm khoảng 76 triệu người, chiếm 21.9% tổng dân số hiện tại (số liệu 2019). Đến năm 2022, ‘Baby boomers’ là những người đang ở độ tuổi xế chiều (từ 58-76 tuổi), đa số đã về hưu hoặc vẫn giữ vị trí quan trọng ở doanh nghiệp, cơ quan… nhiều người có thể đã ở bên kia sườn dốc cuộc đời (theo Glints)