Có thể bạn sẽ nhận ra hy vọng lương, thưởng và việc thăng chức của mình sẽ không đến sớm. Tệ nhất là bạn bắt đầu chán nản, tìm việc khác…
Xem Thế vận hội Olympic gần đây với hàng nghìn vận động viên tranh tài từ hơn 100 quốc gia, rõ ràng những từ ‘tầm thường’, ‘vừa đủ’, ‘tạm ổn’ không có trong suy nghĩ của họ. Dù hầu hết đều biết sẽ không trở về với huy chương vàng, bạc, đồng… nhưng họ vẫn muốn làm hết sức mình để mang lại vinh quang cho quốc gia mình.
Nếu có thể dùng một từ để mô tả các vận động viên chăm chỉ, quyết tâm ấy, đó chính là “theo đuổi sự hoàn hảo”. Cho dù là phấn đấu để đạt được độ chính xác trên ván nhảy; thực hiện các động tác phức tạp, đòi hỏi cao trong thể dục dụng cụ; cố gắng chạy nhanh nhất trên đường đua; lướt trên mặt nước càng nhanh càng tốt khi bơi; thể hiện sức mạnh, sự khéo léo đáng kinh ngạc trên sàn đấu… Rõ ràng các vận động viên đã dành vô số thời gian để chuẩn bị cho nội dung thi đấu. Họ hiểu trước hết trên sân khấu toàn cầu làm xấu hổ bản thân là không tốt.
Sẽ thế nào nếu mỗi chúng ta đều có cùng cách tiếp cận công việc như vậy? Ta có thể không tranh giành sự ca ngợi của quốc tế bằng huy chương vàng, bạc, đồng… Tuy nhiên, cần theo đuổi sự hoàn hảo qua những gì mình làm, dù là bán hàng, thiết kế web, điều hành cuộc họp; thậm chí là đổ rác… chắc chắn ta sẽ thu hút sự chú ý của những người mình làm việc cùng, đặc biệt là sếp. Sau đây là một số điều Kinh Thánh nói về ‘đạo đức nghề nghiệp’ – thể hiện sự xuất sắc qua mọi việc mình làm:
+ Chăm chỉ, xuất sắc luôn được công nhận
Nhiều người tài năng ở nơi làm việc, nhưng sự khác biệt nằm ở chỗ họ có cam kết thực hiện trách nhiệm của mình một cách xuất sắc. “Con có thấy người nào siêng năng trong công việc mình chăng? Người ấy hẳn sẽ phục vụ các vua chớ chẳng phải phục vụ người tầm thường đâu” (Châm ngôn 22:29)
+ Mục đích làm việc cao cả hơn công việc
Khi đi làm, mục đích của ta thường là đáp ứng kỳ vọng của người khác, của các sếp… Nhưng Kinh Thánh chép: công việc phải hướng đến mục tiêu cao hơn thế nữa. “Vì chúng tôi là những người cùng làm việc cho Đức Chúa Trời; anh em là đồng ruộng của Đức Chúa Trời, là nhà của Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 3:9)
+ Công việc xuất sắc, trách nhiệm lớn hơn
Ta có thể bị cám dỗ để nghĩ: “Khi có được một công việc quan trọng, tôi sẽ làm việc chăm chỉ, thể hiện hết khả năng mình”. Thế nhưng ngay cả những việc không quan trọng cũng cần là ‘nơi đào tạo’ cho những việc, những trách nhiệm lớn hơn sau này. Chúa Jesus từng kể một dụ ngôn về việc làm hài lòng một ông chủ khó tính: “Chủ bảo: Hỡi đầy tớ ngay lành của ta, được lắm; vì ngươi đã trung tín trong việc rất nhỏ, ngươi sẽ được cai quản mười thành” (Lu-ca 19:17)
Câu hỏi suy ngẫm/thảo luận
1. Bạn từng xem Thế vận hội Olympic? Bạn nghĩ gì về thời gian, năng lượng, nỗ lực, sự hy sinh mà các vận động viên đã bỏ ra để đem về vinh quang cho quốc gia mình?
2. Lần cuối bạn bị/được đánh giá hiệu suất công việc là khi nào? Bạn cảm thấy ra sao? Bạn được đánh giá thế nào, và chúng có ý nghĩa gì với bạn?
3. Thuật ngữ “theo đuổi sự xuất sắc” có ý nghĩa gì với bạn? Bạn nghĩ nó nên thế nào ở nơi làm việc?
4. Là Cơ đốc nhân, tại sao việc phấn đấu đạt sự xuất sắc trong công việc là quan trọng? Nó nói lên điều gì về đức tin, cam kết của ta trong việc phục vụ Chúa và người khác?
Robert J. Tamasy
(Nguồn: CBMC International | Lược dịch: Nguyên Ân | Biên tập: Thảo Phạm | Ảnh: Pixabay | Xem thêm: II Sử ký 31:20-21; Châm ngôn 16:3; Truyền đạo 2:24, 3:22, 5:18-19; Gia-cơ 2:20-24)
Thử thách tuần này
Tuần này có thể là thời điểm tốt để thực hiện đánh giá hiệu suất công việc cá nhân. Trên thang điểm từ 1-10, bạn đánh giá bản thân mình thế nào về thái độ, động lực, năng suất, hiệu quả; quan trọng nhất là trở thành tấm gương để mọi người noi theo?
Hãy nghĩ đến một hoặc nhiều người mà bạn ngưỡng mộ, không chỉ vì thành tích, mà còn vì cách họ tiếp cận công việc. Nếu có cơ hội, hãy hỏi điều gì thúc đẩy và truyền cảm hứng họ làm việc?