1. Lý do chủ quan:
* Dù lương cao, đãi ngộ tốt… nhưng bạn vẫn cảm thấy công việc không phù hợp. Chẳng hạn bạn không thích làm việc với những con số, nên dù có thể hoàn thành tốt, nhưng sâu thẳm bên trong bạn vẫn không thích việc này.
* Bạn không có động lực phấn đấu vì không đủ thử thách, bạn cần những trải nghiệm đa dạng, thú vị hơn.
* Bạn không cân bằng được công việc và cuộc sống cá nhân: Nếu công việc đòi hỏi bạn phải làm hơn 8 tiếng/ngày ở công ty, nhưng cuộc sống cá nhân, gia đình, con cái cũng cần bạn. Khi không cân bằng được cả hai, bạn cảm thấy không hài lòng với hiện tại.
* Bạn không thể hòa hợp với đồng nghiệp/sếp: Dù muốn dù không, làm việc chốn công sở bạn cần dung hòa cá tính của mình với những người xung quanh. Nếu bạn đã cố gắng, nhưng vẫn trở thành tâm điểm của những vụ ‘drama’ công sở, dĩ nhiên bạn sẽ không thoải mái.
* Cảm thấy chưa đủ tự tin, sức khỏe không đảm bảo, tâm lý thích nghỉ việc… khiến bạn bắt đầu suy nghĩ về công việc hiện tại.
2. Lý do khách quan:
* Công việc áp lực cao, đòi hỏi nhiều: Bạn đang gánh nhiều trách nhiệm và ngại từ chối. Bạn là người đầu tiên đến và là người cuối cùng rời khỏi công ty. Thậm chí khi bạn chỉ muốn nghỉ ngơi một chút thì cấp trên, đồng nghiệp không thể thu xếp; về lâu về dài bạn sẽ muốn rời đi.
* Bạn được trả lương không xứng đáng: Với rất nhiều công sức, đóng góp… bù lại bạn chỉ nhận được đồng lương khiêm tốn, khiến bạn băn khoăn, nghĩ ngợi – dấu hiệu cho thấy bạn không hài lòng.
* Bạn không được trang bị đầy đủ kiến thức cho công việc, không được cập nhật, nâng cao trình độ: Bạn lẳng lặng nhận việc và làm bất kể đúng sai. Bất chợt nhìn lại và thấy mình bị bỏ xa đồng nghiệp, bạn bè…
* Bạn không nhìn thấy cơ hội thăng tiến: Sếp không giúp bạn định hướng rõ ràng mục tiêu, tương lai, để bạn giẫm chân tại chỗ mãi. Hoặc khi quản lý nghỉ việc, thay vì đề bạt nội bộ, sếp lại quyết định tuyển quản lý mới, vô tình tạo tâm lý bạn không được tôn trọng, chỉ muốn rời đi.
* Ngoài ra, văn hóa công ty, điều kiện làm việc không phù hợp, không an toàn… khiến bạn không hài lòng.
3 nguyên tắc cơ bản “chống chán việc, nghỉ việc”, bạn cần trả lời:
- WHAT = Mục tiêu của bạn là gì?
- HOW = Kế hoạch hành động của bạn thế nào?
- WHEN = Thời gian thực hiện?
Nếu bạn đang có một công việc tốt, đúng chuyên ngành, sở trường, đam mê. Chúc mừng bạn! Bạn sẽ hứng thú, say mê với công việc mỗi ngày. Nhưng nếu bạn đang đếm từng ngày cho tới cuối tuần, bạn chỉ làm việc chứ không “enjoy” công việc. Xin thành thật chia buồn! Việc mới, môi trường mới đang chờ bạn!
Trần Kim Anh (Anphabe)
Muối & Ánh sáng:
Đối với Cơ đốc nhân, Lời Chúa dạy: “Bất luận làm gì, hãy tận tâm mà làm, như làm cho Chúa, không phải làm cho người ta, Vì biết rằng anh chị em sẽ nhận lãnh từ nơi Chúa cơ nghiệp làm phần thưởng; vì Chúa Cứu thế chính là Đấng anh chị em phục vụ” (Cô-lô-se 3:23-24)
Chính vì vậy, bạn cần cúi đầu tạ ơn Chúa với lòng khiêm nhường: “Chúa ôi, có nhiều điều khiến con không thích công việc này, nhưng con tạ ơn Chúa về mọi điều. Bởi nó giúp con có thể lo cho gia đình, thỏa đáp nhu cầu của những người thân yêu, cũng như dâng hiến cho công việc Chúa, nên con hết lòng tạ ơn Chúa về việc làm của mình. Hallelujah! Amen”
(Ảnh: Unsplash)