Hãy nhớ lại những lời than của Đa-vít – vị vua tương lai của Israel – “Ôi sao các anh hùng này lại gục ngã!” (II Sa-mu-ên 1:19b) khi biết tin vua Sau-lơ và con trai ông là Giô-na-than chết.
Nhiều câu hỏi khác có thể nảy sinh trong đầu, khi ta nghe về thất bại của một nhà lãnh đạo: Liệu có thể tránh được không? Dấu hiệu nào cho thấy sự nghiệp của cá nhân này có kết cục tàn khốc?
Kinh Thánh đưa ra rất nhiều lời cảnh báo về những điều tương tự: “Vậy, nếu ai tưởng mình đứng vững, hãy giữ, kẻo ngã!” (I Cô-rinh-tô 10:12); “Hãy cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra” (Châm ngôn 4:23)…
Nhiều nhân vật trong Kinh Thánh ban đầu bước đi với Chúa, nhưng đâu đó trên đường, họ sa ngã, phạm tội, và phải gánh chịu những hậu quả khủng khiếp. Một trong số đó là vua Đa-vít, người mà II Sa-mu-ên 11 cho biết ông không chỉ phạm tội ngoại tình mà còn gài bẫy, giết người để che đậy tội lỗi mình. Vì tất cả con người đều bất toàn, nên những sai phạm như vậy là không thể tránh khỏi.
Nhưng có một biện pháp đề phòng, đó là thiết lập mối quan hệ với một hoặc nhiều người bạn tin tưởng, bởi họ sẽ trung thực với bạn. Và để hiệu quả, bạn cần sẵn sàng chia sẻ, ‘giải trình’ với họ bất kỳ lĩnh vực nào trong cuộc sống. Mục đích để họ giúp bạn thành công bằng cách cảnh báo khi bạn đi sai hướng. Dưới đây là một số nguyên tắc từ Kinh Thánh:
Con dân Chúa có thể gìn giữ, gây dựng, tìm điều tốt nhất cho nhau: “Sắt mài nhọn sắt, con người mài giũa diện mạo bạn mình” (Châm ngôn 27:17)
Ta có thể tìm thấy sức mạnh từ nhóm nhỏ, số đông. Trong sự cô lập, cô đơn, ta có thể hợp lý hóa, thậm chí lừa dối bản thân để làm những điều ta biết sai hoặc không khôn ngoan. “Hai người hơn một, vì nếu một người ngã, bạn bè sẽ đỡ người ấy dậy…” (Truyền đạo 4:9-12)
Hầu hết mọi người đều cần được khích lệ. Chính trong lúc nản lòng, ta dễ bị cám dỗ nhất. Bạn bè sẽ nhắc ta hãy hy vọng nơi Chúa. “Chúng ta hãy quan tâm, khích lệ nhau về lòng yêu thương và các việc lành. Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau…” (Hê-bơ-rơ 10:24-25)
Bạn có thể tâm sự với người đáng tin cậy khi thất bại; thay vì mặc cảm, che giấu tội lỗi, hãy tâm sự với những người đáng tin cậy, họ có thể đưa ra những lời khuyên vô giá giúp bạn trở lại đúng hướng. “Vậy, hãy xưng tội cùng nhau và cầu thay cho nhau (…). Lời cầu nguyện của người công chính thật có linh nghiệm nhiều” (Gia-cơ 5:16)
Câu hỏi thảo luận/ suy ngẫm:
1. Bạn phản ứng ra sao khi thấy một cá nhân từng rất được ngưỡng mộ, nay bị sa bẫy, vướng vào lao lý? Hãy giải thich câu trả lời của bạn.
2. Nghe cụm từ ‘trách nhiệm giải trình cho nhau’, phản ứng của bạn? Hãy tự định nghĩa về việc giải trình?
3. Bạn nghĩ có nhiều người đồng ý tham gia vào các mối quan hệ ràng buộc trách nhiệm không?
4. Bạn có mối quan hệ trách nhiệm với ai không? Trải nghiệm đó mang lại cho bạn và bạn bè lợi ích gì? Theo bạn, có điều gì khó chịu, bất lợi khi chịu trách nhiệm trước một hoặc nhiều người khác?
Robert J. Tamasy
(Nguồn: CBMC International // Thảo Phạm lược dịch // Ảnh: Pixabay)
Xem thêm: Châm ngôn 12:15, 18:2,4,12,24, 19:3,8,16,20,27; Gia-cơ 3:13-18