Tin tức, truyền hình phát sóng 24/7 tràn ngập các sự kiện trong ngày; những giờ làm việc 24/7 tràn ngập âm thanh… Do đó, có thể nói chưa bao giờ trong lịch sử loài người, con người lại ‘nói’ nhiều đến vậy, mà lại về rất ít điều như vậy. Và hậu quả là những người quá ham nói đến mức không thể dừng lại, cân nhắc những gì mình nói. Dù tích cực hay tiêu cực, nhẹ nhàng hay gay gắt… hễ mở miệng là tuôn ra. Và Lời Chúa cảnh báo: “Hễ lắm lời vi phạm nào có thiếu, nhưng ai kềm chế môi miệng mình là người khôn ngoan” (Châm ngôn 10:19)
Nhưng ngay cả khi chọn không bị cuốn vào sự hỗn loạn của truyền thông đa phương tiện, hạn chế tiếp xúc với những lời chỉ trích trên mạng xã hội, ta vẫn không thể miễn nhiễm với sức mạnh của ngôn từ, dù tốt hay xấu. Ta có thể là thủ phạm, nạn nhân hoặc cả hai của những lời bất cẩn.
Email là cách giao tiếp tuyệt vời, nhanh chóng. Nhưng nếu không thận trọng xem xét, cân nhắc những gì mình viết trước khi nhấn “Gửi”, ta cũng có thể hối hận. Đặc biệt nếu những gì ta viết lúc giận, khi cảm xúc dâng trào. Tương tự, tin nhắn, lời nhắn trên điện thoại thông minh được dùng một cách bất cẩn cũng có thể gây hại về sau.
Việc giao tiếp hiệu quả rất cần, nhất là trong giới kinh doanh. Dưới đây là một số nguyên tắc Kinh Thánh có thể hữu ích cho ta:
1. Cân nhắc trước khi nói, chọn từ ngữ diễn đạt cách khôn ngoan:
“Lời nói đúng lúc khác nào quả táo bằng vàng có cẩn bạc. Đối với tai biết nghe, lời quở trách của người khôn ngoan khác nào một chiếc nhẫn vàng, một đồ trang sức bằng vàng ròng” (Châm ngôn 25:11-12)
2. Công cụ gây dựng chứ không phải phá hủy:
Trên thế giới và trong thương trường có rất nhiều tiêu cực, thể hiện qua lời nói, bài viết có dụng ý xấu. Ta không cần góp thêm vào đó, nhưng sẽ dùng lời nâng cao thay vì hạ thấp để tạo sự khác biệt. “Chớ có một lời độc ác nào ra từ miệng anh em, nhưng khi đáng nói, hãy nói những lời tốt đẹp, có tính xây dựng để đem ơn phước đến cho người nghe” (Ê-phê-sô 4:29)
3. Những lời sát thương:
Bạn đã bao giờ quan sát ai đó sau khi họ trở thành mục tiêu của lời nói giận dữ, thù hằn? Có lẽ bạn cũng từng trong số họ, biết được nỗi đau, sự khó chịu bởi những lời gây tổn thương. Vì vậy, trong giao tiếp hãy cố gắng đưa ra những lời lành, lời khích lệ, truyền cảm hứng. “Lời nói bừa bãi khác nào nhát gươm đâm, nhưng lưỡi người khôn ngoan đem lại sự chữa lành” (Châm ngôn 12:18). Đừng trở thành một phần của ‘căn bệnh’ này; nhưng hãy cố gắng trở thành một phần của phương pháp trị liệu.
Câu hỏi phản ánh/thảo luận
1. Bạn nghĩ gì, phản ứng thế nào về những gì đang được truyền đạt trên truyền thông hiện nay? Những gì nghe, đọc ảnh hưởng đến tâm trạng, thái độ của bạn thế nào?
2. Bạn có dễ bị cám dỗ gửi tin nhắn một cách bốc đồng cho người khác khi đang xúc động? Bạn từng gửi email, tin nhắn, thư thoại… mà sau đó phải hối hận? Những gì bạn bày tỏ và cách bạn bày tỏ có tác động thế nào?
3. Tại sao rất khó để dừng lại, cân nhắc những gì ta dự định trước khi nói, gửi tin nhắn, thư thoại, email trước khi quá muộn?
4. Sức mạnh của lời nói ảnh hưởng thế nào khi nó bị sử dụng, lạm dụng? Cách ta nói nói lên điều gì về ta?
THỬ THÁCH TRONG TUẦN
Tuần này có thể là thời điểm tốt để đánh giá cách bạn giao tiếp với người khác, không chỉ nội dung, mà cả cách thể hiện suy nghĩ, ý tưởng của mình. Bạn có xu hướng bốc đồng, nói ngay những gì bạn nghĩ hay dành thời gian cân nhắc những gì sắp nói; và cách người nghe/đọc sẽ đón nhận nó?
Nếu có người bạn, đồng nghiệp đáng tin cậy, những người bạn biết… quan tâm đến lợi ích tốt nhất của bạn; bạn có thể nhờ họ giúp trong quá trình đánh giá này; và bạn cũng có thể giúp họ. Nếu bạn tham gia nhóm CBMC, có thể mang ra thảo luận về vấn đề này.
Robert J. Tamasy
(Nguồn: CBMC International | Nguyên Ân lược dịch | Thảo Phạm biên tập | Ảnh: Pixabay | Xem thêm: Châm ngôn 10:20-21, 12:14, 13:3, 15:4; Truyền đạo 10:12; Ma-thi-ơ 12:33-37; Rô-ma 15:1-4)