Diễn giả, tác giả và nhà tư vấn Tim Kight đã tóm tắt như trên khi đưa ra quan điểm của một “ông chủ” khác với quan điểm một nhà lãnh đạo thực thụ. Ông nói tư duy của ông chủ là: “Những người tôi lãnh đạo đều làm việc cho tôi. Trách nhiệm của họ là phải làm những gì tôi bảo”. Và tư duy của một nhà lãnh đạo chân chính là “Tôi làm việc cho những người mà tôi lãnh đạo. Trách nhiệm của tôi là cung cấp cho họ sự hỗ trợ cần thiết để họ có thể đạt được những điều tuyệt vời”.
Điều này làm tôi nhớ đến quyển sách kinh doanh kinh điển ‘Từ tốt đến vĩ đại’ (‘Good to Great’) của Jim Collins. Sách tập trung vào các nghiên cứu mà ông và nhóm thực hiện nghiên cứu các công ty có hiệu suất hoạt động cao nhất. Và họ phát hiện trong hầu hết các trường hợp, các tập đoàn hàng đầu không được lãnh đạo bởi các nhân vật nổi tiếng, có sức lôi cuốn… mà bởi những cá nhân khiêm tốn, có niềm đam mê xuất sắc, và thành công được cân bằng bởi sự khiêm tốn tuyệt vời.
Collins nhận xét: “Các nhà lãnh đạo nhảy vọt không bao giờ muốn trở thành anh hùng vĩ đại; không khao khát được đặt lên bệ, hoặc trở thành các biểu tượng không thể tiếp cận. Họ là những người bình thường, lặng lẽ tạo ra các kết quả phi thường”.
Đọc Kinh thánh, ta tìm thấy các cá nhân tương tự: Giô-sép, Môi-se, Đa-vít, Nê-hê-mi… trong Cựu Ước; và các sứ đồ Phao-lô-, Phi-e-rơ… trong Tân Ước; nhưng đáng chú ý nhất là Chúa Jesus. Họ đều là những nhà lãnh đạo, mà theo thuật ngữ của Kight là “coi trách nhiệm của mình là phục vụ, cung cấp cho người khác”. Họ cần những sự hỗ trợ cần thiết để đạt được điều tuyệt vời. Dưới đây là một vài trong số nhiều ví dụ:
+ Đưa ra tầm nhìn thống nhất:
Một trong số cách lãnh đạo tốt nhất là đưa ra tầm nhìn về công việc, truyền cảm hứng cho những người tham gia. Nê-hê-mi đã làm điều này sau khi kiểm tra tàn tích thành Jerusalem: “Tôi nói với họ: ‘Anh em thấy chúng ta đang lâm vào cảnh khốn khổ, Giê-ru-sa-lem bị phá hủy và các cổng thành bị lửa thiêu đốt. Hãy đến, chúng ta hãy xây lại tường thành Giê-ru-sa-lem để chúng ta không còn bị sỉ nhục nữa’. Tôi cũng thuật cho họ thế nào bàn tay nhân lành của Đức Chúa Trời đã giúp đỡ tôi và các lời vua đã nói với tôi. Họ nói: ‘Nào, chúng ta hãy khởi công xây dựng lại ngay đi!’. Vậy họ mạnh dạn bắt tay vào công việc tốt đẹp này” (Nê-hê-mi 2:17-18). Và thành được hoàn thành trong khoảng thời gian rất ngắn.
+ Sẵn sàng phục vụ người khác:
Nếu ai có quyền yêu cầu con người phải vâng lời, đó chính là Chúa Jesus – Thiên Chúa nhập thể. Tuy nhiên, Ngài vẫn trung thành với sứ mệnh của mình, trở thành vật hy sinh chuộc tội cho nhân loại, ban cho tất cả những ai theo Ngài một đời sống mới. “Vì Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc nhiều người” (Mác 10:45)
+ Trang bị, chăm sóc những người dưới quyền để họ phát triển:
Thay vì tập trung vào những gì mọi người có thể làm để đạt mục tiêu của mình, nhà lãnh đạo giỏi cố gắng tìm cách khuyến khích, thách thức cấp dưới phát triển ân tứ, kỹ năng, tài năng Chúa ban. “Đừng làm gì vì tham vọng ích kỷ hay kiêu ngạo viển vông, nhưng hãy khiêm tốn coi người khác cao trọng hơn mình. Mỗi người trong anh em đừng chỉ quan tâm đến lợi ích riêng mình, nhưng cũng phải quan tâm đến lợi ích của người khác” (Phi-líp 2:3-4)
Câu hỏi suy ngẫm/thảo luận
1. Bạn có nghĩ việc trở thành “ông chủ” (hoặc bất kỳ thuật ngữ nào bạn thích) có đồng nghĩa với việc trở thành nhà lãnh đạo giỏi và hiệu quả? Tại sao?
2. Hãy nghĩ về một người bạn coi là nhà lãnh đạo thực sự. Phẩm chất nào của người đó nổi bật, truyền cảm hứng cho người khác noi theo?
3. Bạn nghĩ tại sao một số cá nhân như giám đốc điều hành doanh nghiệp, chuyên gia, chính trị gia… lại nhận được nhiều sự chú ý, ngay cả khi họ dường không sở hữu các đặc điểm, phẩm chất của nhà lãnh đạo thực sự?
4. Hãy xem xét cuộc đời Chúa Jesus, ảnh hưởng của Ngài vẫn rất mạnh mẽ cho đến mãi 2.000 năm sau, điều gì đã khiến Ngài trở thành nhà lãnh đạo hiệu quả đến vậy?
Robert J. Tamasy
(Nguồn: CBMC International | Nguyên Ân lược dịch | Ảnh: Pixabay)
Xem thêm: Lê-vi Ký 19:18; Châm ngôn 28:2,16; Ma-thi-ơ 7:9-12; I Cô-rinh-tô 10:31-33; Ê-phê-sô 6:5-9
Thử thách
Bạn có thể ở vị trí lãnh đạo cao nhất trong tổ chức, hoặc có rất ít cơ hội lãnh đạo người khác. Trong cả hai trường hợp, hãy dành chút thời gian để đánh giá các điểm mạnh yếu trong khả năng lãnh đạo của bạn?
Bạn có thể tìm 1-2 bạn đáng tin cậy có thể phản hồi trung thực về khả năng lãnh đạo của bạn. Sau đó, hãy xem xét các bước bạn có thể bắt đầu để trở thành nhà lãnh đạo hiệu quả – một người biết đặt nhu cầu, lợi ích của người khác lên hàng đầu.