Từ điển Webster định nghĩa cô đơn – ‘lonely’ – là không ai bầu bạn, là ‘ngăn cách với mọi người’. Chúng ta có thật sự cô đơn theo nghĩa này?
Xét về phương diện giao tiếp trực tiếp, đúng là chúng ta bị hạn chế nhiều trong những ngày dịch bệnh đang bùng phát. Hầu hết tín hữu đã không gặp mặt nhau suốt gần 2 tháng qua. Các mối quan hệ xã hội khác cũng thế. Nhưng chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại, con người lại có nhiều phương tiện và khả năng tương tác khác nhau như hiện tại: điện thoại, email, SMS, Messenger, Zalo, WhatsApp, Viber, Skype, Telegram, Zoom, GoogleMeet, Facebook, Twitter, Instagram…
Chúng ta không chỉ có thể viết thư, gọi điện, nhắn tin, chia sẻ hình ảnh… mà còn có thể ‘gặp mặt’ qua các cuộc gọi video, không chỉ với một mà cả nhóm người.
Thế thì chúng ta có thật sự bị ngăn cách hay không ai bầu bạn? Chúng ta cô đơn?
Có thể sự cô đơn mà nhiều người đang trải qua, không chỉ trong đại dịch, nhưng còn trong nhiều hoàn cảnh, thời điểm khác, đó là chúng ta không thật sự có nhiều mối quan hệ đáng tin cậy.
Diễn viên, nghệ sĩ hài Robin Williams, một trong số gương mặt xuất sắc của điện ảnh Hoa Kỳ từng nói: “Tôi vốn nghĩ điều tồi tệ nhất trong đời là chỉ còn lại một mình mình. Không phải thế. Điều tồi tệ nhất trong đời là cuối cùng bạn lại ở bên những người làm bạn cảm thấy cô đơn”. Rồi ông đã tự kết liễu đời mình.
Chúng ta có thể thấy mình cô đơn dù đang ở giữa đám đông. Sự cô đơn có thể xuất phát từ sâu thẳm trong lòng ta. Chữ ‘cô’ trong tiếng Hán nghĩa là mồ côi; và ‘đơn’ là một mình. Chúa có thể đặt chúng ta vào hoàn cảnh cô đơn hay cảm thấy cô đơn để ta tìm đến với Chúa và chỉ một mình Ngài mà thôi.
Nhà khoa học Pascal từng nói: “Trong lòng mỗi người có một khoảng trống mang hình Đức Chúa Trời, không thể lấp đầy bằng bất cứ tạo vật nào, nhưng chỉ có thể được lấp đầy bởi Chúa – Đấng Tạo hóa – đã được bày tỏ qua Chúa Jesus”.
Chúa Jesus biết rõ sự cô đơn của chúng ta. Ngài phán: “Ta không để các con mồ côi đâu, Ta sẽ đến với các con”. Ngài đến với chúng ta qua Đấng Yên ủi – Đức Thánh Linh – Đấng đang ở với và ở trong những người tin cậy Ngài (Giăng 14:16-18).
Những ngày giãn cách này có thể là cơ hội với thời gian quý báu để chúng ta đến gần Chúa, vui thỏa trong sự hiện diện của Ngài qua những câu Kinh Thánh mình suy gẫm, những giờ tĩnh nguyện mình biệt riêng.
Chúng ta sẽ giống như Đa-vít, có Chúa là bạn thân của mình (Thi Thiên 25:14). Hơn ai hết, Ngài luôn lắng nghe chúng ta (Thi Thiên 116:1-2). Và lời hứa của Chúa Jesus “Ta hằng ở cùng các con luôn cho đến tận thế” sẽ mãi là một hiện thực (Ma-thi-ơ 28:20).
Bạn sẽ không bao giờ cô đơn nữa!
Mục sư Lê Quốc Huy
(Ảnh: Unsplash)