Một cảnh tượng thật kỳ lạ, khó tin? Tuy nhiên, nếu đọc câu chuyện về cuộc đời Chúa Jesus trong Kinh Thánh, đây chính xác là những gì Ngài đã làm. Và khi đó nó cũng gây sốc như ngày nay.
Chúa Jesus đã lãnh đạo nhóm 12 môn đồ của mình trong 3 năm. Và khi công tác của Ngài trên đất sắp kết thúc, Ngài quyết định cho họ một bài học cụ thể khiến họ sửng sốt: Ngài lấy chậu, khăn, nước và bắt đầu rửa chân cho từng người (Giăng 13:4-17)
Việc rửa chân là chuyện bình thường thời đó, vì đường đi nhiều bụi bặm, lầy lội, nhưng việc này luôn được thực hiện bởi những người hầu thấp kém chứ không phải người đứng đầu.
Bạn có thể hình dung cảnh tượng này? Một sự im lặng khó chịu bao trùm căn phòng, những cái nhìn e ngại, hoài nghi của các môn đồ trao đổi với nhau. Cuối cùng, một trong số họ – Phi-e-rơ – người nổi tiếng nóng nảy đã bày tỏ sự sốc của mình: “Con sẽ không bao giờ để Chúa rửa chân cho con đâu!”. Và “Đức Chúa Jesus đáp: Nếu Ta không rửa chân cho con thì con không có phần gì nơi Ta cả” (Giăng 13:8)
Mục đích của Chúa Jesus là đưa ra tấm gương về cách người lãnh đạo chân chính phải phục vụ những người mà họ lãnh đạo.
Trong thế giới kinh doanh ngày nay, ta thường thấy sự thay đổi đáng sợ khi một người leo lên các bậc thang lãnh đạo của công ty. Các cá nhân từng tốt bụng, ân cần, linh hoạt… sẽ trải qua một sự chuyển đổi khi họ thăng tiến. Không ít người trở nên thô lỗ, kiêu ngạo, khó gần, quên mất các đồng nghiệp mình vừa bỏ lại phía sau, bắt đầu chỉ nhìn thấy những gì họ muốn, những người họ muốn.
Sự biến đổi này diễn ra ở thời điểm nào trong quá trình leo núi? Những người leo núi thường mắc chứng “say độ cao”, và hậu quả của nó rất nặng nề. Trong không khí loãng, lượng oxy hạn chế có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về tâm thần, đôi khi không thể khắc phục được.
Có một nhân vật như thế trên các bậc thang công ty bạn?
Nguyên nhân dẫn đến thay đổi căn bản như vậy ở các lãnh đạo đang lên là do một trong 3 điều phổ biến mà các lãnh đạo thường gặp phải: QUYỀN LỰC, kế đến là TIỀN BẠC và TÌNH DỤC. Nhưng chúng ta nói về chủ đề này vào lúc khác. Giờ ta cùng xem xét yếu tố QUYỀN LỰC – là khả năng thực thi quyền lực một cách có chủ ý, đôi khi một cách tùy tiện.
Các nhà lãnh đạo say sưa với uy tín và quyền lực sẽ áp dụng cách tiếp cận “Ra lệnh và vâng lời”. Họ không tạo cơ hội để thảo luận hay tranh luận. Tệ nhất là các nhà lãnh đạo không chống nổi sự cám dỗ bắt nguồn từ vườn Địa Đàng, như được mô tả trong quyển sách đầu tiên – Kinh Thánh – và chương đầu tiên – Sáng thế ký – “Các ngươi sẽ giống Đức Chúa Trời” – kẻ cám dỗ nói với A-đam và Ê-va (Sáng thế 3:5)
Những người cai trị: chính trị gia, quan chức, chủ tịch, CEO, nhà quản lý, tất cả đều có thể bị cám dỗ bởi quyền lực. Đây cũng là lý do tại sao một trong số hành động cuối cùng của Chúa Jesus trước khi bị phản bội, bị đóng đinh là rửa chân cho những người mà Ngài lãnh đạo, kể cả Giu-đa – kẻ phản bội Ngài ngay sau đó.
Bạn có thể tưởng tượng một cảnh, một hành động tương tự diễn ra ở nơi bạn làm việc? Nếu ở vị trí lãnh đạo, liệu bạn có thể thực hiện nó một cách nghiêm túc, chân thành? Châm ngôn 22:4 cho ta một điều đáng xem xét: “Phần thưởng cho sự khiêm nhường và kính sợ Đức Giê-hô-va là sự giàu có, tôn trọng và sự sống”. Sự khiêm tốn, chân thành, sẵn sàng phục vụ những người ta lãnh đạo mang sức mạnh truyền cảm hứng cho một nhóm đạt đến sự xuất sắc!
Câu hỏi suy ngẫm/thảo luận
1. Bạn có biết câu chuyện Chúa Jesus rửa chân cho các môn đồ? Biết việc này thường được thực hiện bởi những người hầu, bạn hình dung những người đi theo Chúa sẽ phản ứng thế nào?
2. Bạn đã bao giờ chứng kiến một lãnh đạo ở nơi làm việc làm điều tương tự? Nếu không phải là rửa chân thực sự, biểu hiện nào cho thấy người ấy đang phục vụ một cách vị tha? Hãy mô tả tình huống và phản ứng xảy ra?
3. Hãy mô tả một số người khi thăng tiến trong công ty có thái độ rất khác với những người họ từng làm việc cùng? Bạn nghĩ nó có hợp lý không? Tại sao?
4. Bạn nghĩ gì về tác động của một nhà lãnh đạo khiêm tốn, quan tâm thực sự tới những người mà họ chịu trách nhiệm? Cách nào hiệu quả hơn? Cách “ra lệnh và vâng lời” hay thái độ khiêm tốn phục vụ người khác? Giải thich câu trả lời của bạn?
Sergio Fortes
(Nguồn: CBMC International // Khương An lược dịch // Ảnh: Pixabay & Internet
Xem thêm: Châm ngôn 11:2, 15:33, 16:18, 21:24, 28:2; Mác 10:42-45; Phi-líp 2:3-4)
THỬ THÁCH
Việc nuôi dưỡng tinh thần khiêm tốn thực sự, và phát triển thái độ đặt người khác lên hàng đầu có thể khó khăn. Nếu đây là điều bạn mong muốn, thì có sự hỗ trợ của người khác sẽ rất có lợi. Bạn có thể hợp tác với ai trong nỗ lực này, một hoặc nhiều người bạn biết rõ, tin tưởng; bạn có thể nhờ họ khuyến khích bạn và bạn khuyến khích họ? Làm thế nào để thể bắt đầu ngay hôm nay?