Người khác chọn cách quản lý ôn hòa, nhẹ nhàng. Luôn tạo cho nhân viên cảm giác thân thiết, gần gũi như bạn bè, dường như giữa sếp với nhân viên không còn khoảng cách. Luôn bảo vệ nhân viên trước cấp trên, thậm chí nhận sai giúp nhân viên…
Tuy nhiên, nhân viên đối với sếp rất thoải mái, thỉnh thoảng có phần ỷ lại. Làm việc qua loa vì nghĩ sếp sẽ không chấp nhất những lỗi nhỏ… Vậy người làm sếp nên chọn phong cách quản lý thế nào, “thiên thần” hay “ác quỷ” để hiệu quả? Các bạn có thể chia sẻ bí quyết quản lý của mình để có thể phát triển toàn diện team mình? Chân thành cảm ơn!”
Vu Thi Hai Ha: Chào bạn! Càng làm, tôi càng cảm thấy không có công thức chung nào cho quản lý hiệu quả, vì mỗi người, mỗi cá thể với tính cách khác nhau. Để quản lý giỏi, bạn cần uyển chuyển, linh hoạt trong cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề liên quan đến con người. Cần hiểu rõ tính cách nhân viên, nguyện vọng, điểm mạnh điểm yếu của họ để đặt người đúng chỗ, nói theo ngôn ngữ của họ. Ví dụ nếu nhân viên khá mạnh về kỹ năng tự chủ trong công việc, thì quản lý chỉ nên giao những đầu mục lớn và mong đợi của mình là gì, rồi để yên cho bạn ấy làm việc. Còn với nhân viên cần hướng dẫn tỉ mỉ hơn, nhưng chăm chỉ, cẩn thận, thì cần hướng cách quản lý của mình theo kiểu chi tiết, cụ thể, từng bước một…
Và dù linh hoạt, nhưng tôi nghĩ một trong những nguyên tắc người quản lý luôn giữ, đó là phải bảo vệ team của mình. Bảo vệ không có nghĩa là bao che, nhưng là bạn dám nhận trách nhiệm trước tiên, và phải đảm bảo những lỗi của nhân viên được bạn chỉ ra cụ thể, đưa ra hướng khắc phục… Cần nhớ rằng tất cả những gì team làm, bạn phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên về mặt kết quả và đừng bao giờ đổ lỗi.
Hon Võ: Nếu bạn có thể kết hợp cả hai thì quá tốt! Biết vận dụng đúng thời điểm, đúng người, thì mới có cơ hội thành công.
Linh Le: Quản lý thì chỉ nên đóng một vai duy nhất là quản lý thôi bạn ạ!
Bạn làm cho ai? quản lý ai? Tốt xấu là tùy vào cảm xúc và cách nhìn nhận của người đối diện. Nhưng người đối diện đó có phải người bạn cần cống hiến không, và người đó có cống hiến gì cho bạn không? Sự hiện diện của quản lý là để tạo sự cân bằng, hiệu quả, thực chất cũng na ná việc làm người thôi, không ai dám tự khẳng định mình là thiên thần hay ác quỷ cả!
Nguyễn Thùy Linh: Việc quản lý khó hay dễ là tùy theo cách nhìn của cấp dưới, nhưng theo mình, đó là tùy thuộc cách làm việc của cấp dưới.
Nếu cấp dưới làm đúng yêu cầu công việc, quản lý sẽ không làm khó dễ, còn nếu nhân viên cứ làm sai thì cho dù quản lý có dễ đến đâu cũng không thể giúp đỡ hết cho bạn. Nhiều trường hợp dễ dàng bắt gặp ở các công ty nhà nước là sếp chuyên quyền thì không thể nhận được sự tôn trọng của nhân viên.
Hằng Trần: Mình nghĩ “đối xử với nhân viên như cách mà mình muốn người khác đối xử với mình” cũng là cách quản lý cả phần “thiên thần” lẫn “ác quỷ” trong nhân viên và trong bản thân mình một cách tốt nhất!
Hoàng Hữu Phước: Khi đặt câu hỏi “thiên thần hay ác quỷ”, bạn có thể đã khiến người khác cho rằng bạn đã có mặc định nào đó về thiên thần và ác quỷ, nghĩa là thiên thần thì hiền lành, thánh thiện, nhân từ… còn ác quỷ thì ngược lại! (…) Theo tôi, cần cẩn trọng hơn khi định nghĩa về thiên thần hay ác quỷ, bởi không có bất kỳ một phân định rạch ròi giữa tốt và xấu…
Về quản trị nhân sự, cốt yếu bản thân bạn là người tuyệt đối nghiêm khắc với chính bạn và rộng lượng với nhân viên. Khi ai cũng thấy bạn quá nghiêm khắc với bản thân, họ sẽ vừa nể trọng, vừa gần gũi, vừa sợ, không lạm dụng sự rộng lượng của bạn. Nếu chỉ đặt vấn đề duy nhất bạn phải là ác quỷ hay thiên thần, trong khi chưa hiểu hết thế nào là ác quỷ, thiên thần, bạn sẽ cứ trong vòng luẩn quẩn, khó thành công trong quản trị nhân sự.
* Muối & Ánh sáng: Kinh Thánh chép “Bất cứ điều gì các con muốn người ta làm cho mình, hãy làm điều đó cho họ” (Ma-thi-ơ 7:12)Muối & Ánh sáng
(Nguồn: Anphabe; Ảnh: Unsplash)