Thuật ngữ “tôi tớ” được coi là hạ thấp phẩm giá, chỉ người ít giá trị, thậm chí có thể xem như nô lệ! Nhưng thực tế, “lãnh đạo phục vụ” không chỉ là thuật ngữ, mà còn là cách tiếp cận, trao quyền, nhằm tối đa hóa năng suất cá nhân, tổ chức.
Ta có thể tìm thấy vô số ví dụ về các CEO hàng đầu là những người lãnh đạo phục vụ, nhằm sử dụng tốt nhất ‘món quà tài năng’ của nhân viên, thành viên… Nhưng trao quyền đòi hỏi sẵn sàng dành ưu tiên cho nhu cầu, lợi ích của người khác trước, cho họ quyền trong các vấn đề quan trọng.
Kinh Thánh chép: “Đừng làm điều gì vì lòng ích kỷ hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, xem người khác đáng tôn trọng hơn mình. Mỗi người trong anh em đừng chỉ quan tâm đến lợi ích riêng mình, nhưng phải quan tâm đến lợi ích của người khác nữa” (Phi-líp 2:3-4)
Việc những người có thẩm quyền mong đợi các đặc quyền và sự tôn trọng vì vị trí của họ là bình thường, nhưng Lời Chúa nói đòi hỏi sự khiêm tốn, đặt lợi ích người khác lên trên lợi ích của mình.
Và, lãnh đạo phục vụ không chỉ giới hạn ở giám đốc điều hành, người có vai trò giám sát… Một nhân viên cũng có thể ‘lãnh đạo’ bằng cách chủ động phục vụ người khác bất kể địa vị của mình trong tổ chức.
“Hỡi những người nô lệ, hãy run sợ, lấy lòng thành thật vâng phục người chủ trần gian như vâng phục Đấng Christ, không phải chỉ vâng phục trước mặt, như những kẻ muốn được lòng người mà như những nô lệ của Đấng Christ, hết lòng thực hiện ý muốn Đức Chúa Trời. Hãy phục vụ với nhiệt tâm như phục vụ Chúa, chứ không phải phục vụ người ta, vì biết rằng bất luận nô lệ hay tự do, mỗi người sẽ nhận được phần thưởng từ Chúa, tùy việc tốt mình đã làm” (Ê-phê-sô 6:5-8)
Lãnh đạo phục vụ không dễ, như Ken Korkow – cộng tác viên của Monday Manna – nhận xét, rằng quyết tâm phục vụ người khác trong giới kinh doanh không phải không có nhược điểm:
“Bạn nghĩ mình là đầy tớ khi bạn bị đối xử như một người hầu. Tôi muốn người ta xem tôi là tôi tớ tốt của Đức Chúa Trời. Tôi muốn họ ấn tượng với sự cam kết hy sinh bản thân tôi với Chúa và người khác. Đó vẫn chưa phải ‘đầy tớ’ thực thụ. Đầy tớ chân chính làm việc âm thầm, thậm chí vô hình, không để ý đến mình, chỉ đơn giản biết ý, đoán trước và đáp ứng mong muốn của chủ. Đối với người tin Chúa Jesus, điều này nghĩa là phục vụ Chúa và những người Ngài gửi đến cho ta”.
Với ước muốn trở thành tôi tớ Chúa Jesus trên thương trường, ta nên xem Ngài là tấm gương hàng đầu. Chúa phán: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Mác 10:45). Khi xét điều này, ta hiểu làm đầy tớ thực sự nghĩa là gì.
Câu hỏi suy ngẫm/thảo luận
1. Lần đầu nghe từ “đầy tớ”, bạn nghĩ đến điều gì?
2. Theo bạn, từ “lãnh đạo phục vụ” có nghịch lý, mâu thuẫn? Tại sao?
3. Phấn đấu trở thành lãnh đạo phục vụ được lợi ích gì, bất kể vai trò, trách nhiệm của người đó trong công ty, tổ chức?
4. Bạn nghĩ việc trở thành môn đồ Chúa Jesus ảnh hưởng thế nào đến quyết tâm trở thành người phục vụ, lãnh đạo phục vụ trên thương trường?
Robert J. Tamasy
(Nguồn: CBMC International // Thảo Phạm lược dịch // Ảnh: Pixabay)
Xem thêm: Phi-líp 1:1; Cô-lô-se 3:17,23-24; I Ti-mô-thê 6:1-2; Gia-cơ 1:1-4; I Phi-e-rơ 2:18-21