* ‘Ngọn núi tài chính’ & ý Chúa muốn con dân Ngài thịnh vượng phần xác lẫn phần hồn
1. Kính thưa Mục sư. Xin được biết ý kiến của Mục sư về ‘Bảy ngọn núi chiến lược’ (The Seven Mountain Strategy của Mục sư Tiến sĩ Lance Wallnau – trong Giáo trình Cơ đốc Mục vụ ISOM), ra đời cách đây khá lâu, được rất nhiều Cơ đốc nhân trên thế giới đón nhận; đồng thời cũng có rất nhiều bất đồng, tranh cãi, thậm chí phản đối, đặc biệt là ở Việt Nam?
Mục sư Phạm Tuấn Nhượng (MS. PTN): Đại Mạng Lệnh của Chúa Jesus trong sách Tin Lành Mác: “giảng Tin Lành cho MỌI NGƯỜI”, nhưng trong Ma-thi-ơ là “môn đồ hóa MUÔN DÂN”. Vậy nên chúng ta không chỉ nghĩ đến NHIỀU NGƯỜI được cứu, nhưng cần phải nghĩ đến cả CÁC DÂN được chinh phục.
Thực tế cho thấy có những quốc gia/dân tộc có số lượng người tin Chúa đông, nhưng quốc gia/dân tộc đó vẫn chưa được chinh phục, vẫn đầy tệ nạn, bệnh tật, đói nghèo, nội chiến… Vậy nên định nghĩa một dân tộc/quốc gia có số người tin Chúa trên 2% là dân tộc/quốc gia đã được chinh phục (như một số tổ chức truyền giáo định nghĩa) có lẽ chưa đầy đủ.
Trong một dân tộc/quốc gia có những lĩnh vực quan trọng, chính yếu, ảnh hưởng lên toàn bộ người dân và mọi mặt xã hội. Vậy nên việc phân chia ra ‘Bảy ngọn núi chiến lược’ là rất cần thiết để thực hiện và hoàn thành Đại Mạng Lệnh của Chúa.
2. Xin được hỏi ý kiến của Mục sư về sự cần thiết của ‘Ngọn núi tài chính’ – một trong số ‘7 ngọn núi chiến lược’ – trong việc mở mang Vương quốc Chúa, đặc biệt là trên đất nước Việt Nam?
MS. PTN: Truyền đạo 10:19 chép “Người ta bày tiệc đặng vui chơi; rượu khiến cho đời vui; có tiền bạc thì ứng cho mọi sự”.
“Tiền bạc ứng cho mọi sự”, nên ‘ngọn núi tài chính’ ảnh hưởng lên các ngọn núi chiến lược khác. Vì vậy, đây là ngọn núi đặc biệt ảnh hưởng lên toàn xã hội. Nếu Hội Thánh không chiếm được ngọn núi này, hay ít người tin Chúa trong lĩnh vực này, sứ điệp Tin lành sẽ ít người nghe.
Truyền đạo 9:16 chép: “Vậy, ta nói rằng: ‘Sự khôn ngoan tốt hơn sức mạnh, nhưng sự khôn ngoan của người nghèo bị khinh dể, và lời nói của người ấy không được ai lắng nghe”.
Có ai đó nói ‘giàu tốt hơn nghèo’, một trong những lý do ‘tốt hơn’ là có tiền, chúng ta có cơ hội làm nhiều việc tốt mà Đức Chúa Trời muốn ta làm hơn là không. Vì vậy, thiếu tài chính sẽ ảnh lớn đến việc mở mang Vương Quốc Chúa, kể cả ở Việt Nam.
* Dư dật để có thể ‘làm mọi việc lành’
3. Có câu ‘Tin Lành thì miễn phí, nhưng giảng Tin Lành thì cần kinh phí’, xin được biết ý kiến của Mục sư về vấn đề này?
MS. PTN: Thực ra Tin Lành KHÔNG miễn phí, mà là vô giá. Nhưng Chúa Jesus đã trả giá thay cho chúng ta bằng sinh mạng của Ngài, nên nó mới trở nên “miễn phí” với chúng ta.
Nhưng việc rao giảng Tin lành được giao cho con người chứ không phải các thiên sứ, nên cần kinh phí, vì con người cần ăn, cần mặc, phương tiện đi lại, cần chi trả cho các phương tiện truyền bá Tin Lành…
4. Theo Mục sư, tại sao ‘Tin Lành thịnh vượng’ hay ‘Phúc Âm thịnh vượng’ (The Prosperity Gospel) ở Mỹ thất bại, trong khi Lời Chúa rõ ràng muốn con dân Ngài được thịnh vượng về phần xác lẫn phần hồn? (III Giăng 1:2)?
MS. PTN: Lời Chúa trong III Giăng 1:2 “Thưa anh quý mến, tôi cầu nguyện cho anh được thịnh vượng mọi mặt, được khỏe mạnh phần xác, cũng như được thịnh vượng về phần hồn”.
Câu trả lời nằm trong câu Kinh thánh này: sự thịnh vượng phần xác, ‘CŨNG NHƯ’ được thịnh vượng phần hồn. ‘Cũng như’ ở đây hàm ý ‘TƯƠNG XỨNG’… vì vậy nếu Tin Lành nào đó chỉ rao giảng sự thịnh vượng bên ngoài, không rao giảng sự thịnh vượng về phần hồn, hoặc đề cao sự thịnh vượng bên ngoài hơn sự thịnh vượng bên trong – chắc chắn sẽ thất bại. Sách II Cô-rinh-tô 9:8 chép: “Đức Chúa Trời có quyền ban cho anh em ân điển sung mãn để đáp ứng mọi nhu cầu của anh em, lại còn có dư dật để làm mọi việc lành”. Chúng ta cần nhận biết MỤC ĐÍCH của sự dư dật là để LÀM MỌI VIỆC LÀNH. Nên nếu chúng ta có động cơ như vậy, Đức Chúa Trời sẽ ban cho ta được dư dật.
* Túng thiếu, nghèo ngặt không làm sáng Danh Chúa
5. “Sự túng thiếu, nghèo ngặt không làm sáng Danh Chúa, đúng ra đó là sự rủa sả (Sáng thế 3:19), hay Lẽ Thật về sự dư dật tài chính bị satan che giấu khỏi mắt con dân Chúa, vì nó không muốn con cái sự sáng được phước để trở thành nguồn phước” – làm sao để Cơ đốc nhân được đánh thức, hiểu thấu vấn đề này, thưa Mục sư?
MS. PTN: Có nhiều nguyên do mà satan có thể che giấu chân lý ‘Đức Chúa Trời muốn con dân Ngài thịnh vượng’: do nhìn thấy đời sống những người dẫn dắt thuộc linh không được dư dật về tài chính, do có luồng dạy dỗ ‘tôn vinh’ đói nghèo, chống lại sự thịnh vượng…
Để Cơ đốc nhân được đánh thức, hiểu thấu vấn đề này, Hội Thánh cần mạnh dạn giảng dạy ý muốn Đức Chúa Trời, dạy dỗ đầy đủ và thường xuyên về vấn đề này. Ngoài ra, trong Hội Thánh cũng cần có những người vừa thành đạt về kinh tế, vừa có đời sống rất thuộc linh. Đây sẽ là tấm gương ảnh hưởng lên tư duy, nhận thức của con dân Chúa. Vậy nên MỤC VỤ NƠI LÀM VIỆC, DIỄN ĐÀN DOANH NHÂN CƠ ĐỐC hay Mục vụ nào đó tương tự trong các Hội Thánh hay giữa vòng các Hội Thánh là rất quan trọng.
6. Hội Thánh Lời Sự Sống đã và đang có những bước chuyển dịch rất lớn, tác động đến Cơ đốc nhân trong môi trường làm việc qua các Hội thảo Doanh nhân Cơ đốc… Xin cho biết khải tượng của Hội Thánh về vấn đề này, thưa Mục sư!
MS. PTN: Đức Chúa Jesus phán “đi khắp thế gian” (hay “đi VÀO thế gian”) để rao giảng Tin Lành. Trong thế giới, nhất là ngày nay, nơi làm việc chiếm đa số thời gian của con người, vì vậy chúng ta cần giảng tin lành ở nhà hội… nhưng cũng cần mang Tin Lành đến những nơi làm việc như Chúa Jesus đã làm (rất nhiều bài giảng của Chúa Jesus ở nơi làm việc, nhiều ví dụ gắn với nơi làm việc: bài giảng trên núi, nơi bờ hồ đều là những nơi làm việc. Những ví dụ: cá, hạt giống, vườn nho… đều gắn với công việc kinh doanh…)
Vậy nên khải tượng của chúng tôi là “trang bị cho dân sự Chúa để họ là những ‘giáo sĩ’ nơi thương trường”, để những người làm việc nơi thương trường được chăm sóc thuộc linh, được trang bị để thành công theo cách của Chúa và trở nên sự sáng nơi làm việc.
* ‘Nếu Hội Thánh không giảng dạy, con dân Chúa cũng sẽ học đâu đó bên ngoài’
7. Kinh nghiệm của Mục sư mỗi khi chia sẻ các sứ điệp về tài chính – rất được con dân Chúa khắp nơi đón nhận, nhất là giới trẻ – đặc biệt trong những năm tháng dịch dã kéo dài, sự khó khăn, thậm chí nợ nần trong Cơ đốc nhân là có thật. Mục sư có gặp áp lực, sự tranh chiến nào không? Kinh nghiệm về sự thúc giục, sự xức dầu của Chúa trên các sứ điệp đó?
MS. PTN: Đúng là những sứ điệp về tài chính được con dân Chúa đón nhận, vì vấn đề “cơm ăn áo mặc” họ phải đối diện hàng ngày. Không ít những con dân Chúa phải sống trong lo lắng, khó khăn và áp lực về tài chính, kể cả nợ nần… có những người gần như tuyệt vọng, trong khi ít được nghe những sứ điệp mang đến đức tin, hy vọng và yêu thương của Đức Chúa Trời để đối diện với những nan đề đời sống thực tế hàng ngày. Những sứ điệp như thế đáp ứng nhu cầu thực tế, vậy nên thường được đón nhận tích cực.
Chắc chắn giảng những sứ điệp về tài chính sẽ gặp nhiều áp lực. Có người nói “Mục sư giảng Tin Lành thạnh vượng?”; người hỏi “Cá nhân Mục sư được tự do tài chính chưa?” hay “Mục sư đâu phải là doanh nhân, sao lại giảng những điều này”?… Vì vậy, để giảng được những sứ điệp này, tôi cần giữ tấm lòng đúng về tiền bạc, cần nghiên cứu kỹ càng để sự giảng dạy dựa trên cơ sở Kinh Thánh, đời sống cá nhân cũng phải tự do tài chính, và chính mình cũng phải áp dụng những nguyên tắc mà mình giảng dạy để ‘kiểm nghiệm’ những điều này…
Tại sao tôi lại có sự thúc giục giảng nhiều bài giảng về điều này? Vì chính Chúa Jesus cũng giảng dạy nhiều liên quan đến tiền bạc, tài chính; hơn nữa cũng do nhu cầu của dân sự Chúa về điều này là rất lớn (nếu trong Hội Thánh không giảng dạy, chắc con dân Chúa sẽ học đâu đó ở bên ngoài). Hơn thế, là Mục sư, tôi tin vào sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh trong giảng dạy, và tôi tin Chúa thúc giục giảng những đề tài này. Khi giảng những sứ điệp về tài chính, tôi cảm nhận sự khôn ngoan, sự dẫn dắt rõ ràng của Chúa, cảm giác như ‘mở van’ của vòi nước: giảng một đề tài và tự động nhiều đề tài khác được bày tỏ ra.
“Chính các con phải cho họ ăn!”
8. Xin Mục sư chia sẻ về câu Kinh Thánh: “Chính các con phải họ ăn” (Mác 6:37). Về vai trò của con dân Chúa, của ‘nền kinh tế Đức Chúa Trời’ trong thời kỳ cuối này?
MS. PTN: Sách A-ghê 2:8 chép: “‘Bạc là của Ta, vàng là của Ta’, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy”. Đức Chúa Trời muốn giao nguồn lực của Ngài cho con dân Chúa để họ sử dụng cho việc mở mang Vương Quốc Ngài, truyền bá những giá trị của Nước Trời, giúp những người khốn khó trong thời kỳ cuối.
Nhưng để có thể được Đức Chúa Trời giao thác, con dân Chúa cần phải YÊU ĐỨC CHÚA TRỜI và YÊU CON NGƯỜI hơn của cải vật chất; cần nhớ mục đích của sự dư dật, giàu có là để LÀM NHỮNG VIỆC LÀNH. Con dân Chúa cũng phải là những người chăm chỉ, khôn ngoan trong quản lý tài chính và xuất sắc trong công việc mình.
Xin cảm ơn Mục sư! Nguyện Chúa ban phước cho Mục sư, cho gia đình cùng Hội Thánh Lời Sự Sống và thêm ơn, thêm dầu trên chức vụ của Mục sư!
Trân trọng
Thảo Phạm
(Phụ trách Nội dung Mục vụ Truyền thông Cơ đốc Muối & Ánh sáng và Mé nước bình tịnh – Jnewsvn.com & Stillwaters I Ảnh: HT LSS, MS PTN & Pixabay)