Người lãnh đạo cần trang bị những gì để có thể vừa dẫn dắt tổ chức đi lên, vừa ‘an dân’, để nhân viên quyết tâm cùng nhau vượt khó?
Sếp – bạn đồng hành
Đại dịch ập đến, kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp (DN). Đáng báo động là tỷ lệ gắn kết trong tổ chức ngày càng giảm, tâm lý của người đi làm tại nhiều DN lung lay hơn bao giờ hết. Khi đối diện với lo toan, áp lực công việc và tương lai mơ hồ phía trước, điều nhân viên cần nhất lúc này chính là một người sếp biết QUAN TÂM và LẮNG NGHE.
Theo kết quả khảo sát ‘Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2020’ do Anphabe thực hiện, hơn 50% người đi làm kỳ vọng về một người sếp biết quan tâm, kịp thời chia sẻ tâm tư nguyện vọng của mình, mong ý kiến của mình sẽ thường xuyên được sếp lắng nghe hơn.
Như vậy để nuôi quân thời khó, ngoài tầm nhìn chiến lược rõ ràng thì sếp cần đóng vai trò bạn đồng hành lắng nghe, thấu hiểu nhân viên, cùng họ tìm giải pháp vượt khó khăn, thách thức hiện tại và tương lai.
Tuy nhiên, thực hiện điều đó không dễ, đòi hỏi người lãnh đạo phải kết hợp khéo léo nhiều năng lực, trong đó THẤU CẢM – khả năng hiểu và chia sẻ cảm xúc của nhân viên và đồng nghiệp – để có hướng hành động phù hợp, kịp thời.
Lãnh đạo ‘thấu cảm’
Để trở thành lãnh đạo thấu cảm, sếp cần nhìn nhân viên dưới góc độ con người. Trong mọi tình huống, cần bình bình tĩnh, đừng vội phán xét và tin vào những gì mình thấy. Thử đặt mình vào vị trí của nhân viên để hiểu những khó khăn và cảm xúc của họ. Chẳng hạn bạn thất vọng khi thấy nhân viên khó chịu, buồn rầu vì công ty giảm thưởng mà không thấy hình ảnh một người cha đang lo lắng cho tài chính gia đình khi có quá nhiều thứ phải chi tiêu. Hoặc bạn chỉ thấy nhân viên làm việc giờ giấc bất thường khi tổ chức đang cần dồn lực cho dự án mới… nhưng có thể bạn không thấy nhân viên đó đang là một người mẹ đơn thân, chưa biết xoay xở ra sao khi con nhỏ đang bệnh…
Tìm ra điểm tương đồng với nhân viên
Sự tương đồng có thể đến từ những điều rất nhỏ bé, như có con cùng độ tuổi, cùng sống ở một khu dân cư, cùng học chung một trường đại học; hoặc những điều lớn lao hơn như định hướng nghề nghiệp, đam mê cá nhân… Những điểm chung này thường tạo nên sự gần gũi, an toàn, nhờ đó sự thấu cảm sẽ diễn ra tự nhiên, dễ dàng hơn.
Chủ động lắng nghe, trao đổi cởi mở
Trong những lần tiếp xúc ngắn ngủi ngoài công việc (giờ nghỉ, khi cùng lên văn phòng…) thay vì chăm chăm công việc, hãy cởi mở, chủ động hỏi thăm, trao đổi với nhân viên. Thấu cảm với người khác không đồng nghĩa với việc bạn bị cuốn vào cảm xúc, bị đồng hoá với quan điểm của người khác. Thấu cảm cần bắt nguồn từ sự tử tế, thực tâm mong muốn san sẻ, giúp đỡ chân thành giữa người với người.
Một ví dụ điển hình về lãnh đạo thấu cảm trong thời dịch bệnh, ông Lê Trí Thông – Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc PNJ chia sẻ: “Trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, lãnh đạo PNJ xung phong chỉ nhận 50% lương, tất cả lương nhân viên được giữ nguyên. Bên cạnh đó, PNJ có hơn 5.000 nhân viên nữ, dịch đến, các bạn nữ thường nhiều lo lắng hơn. Chúng tôi có chương trình chăm sóc, động viên nhau”…
Siết tay nhau đi qua cơn bão
“Đơn cử tháng 7/2020, giữa bộn bề khó khăn, chúng tôi đưa 4.500 người ra Phú Quốc nghỉ dưỡng ở khách sạn 5 sao. Chúng tôi rất xúc động khi có bạn nhân viên bảo: ‘lần đầu được ở khách sạn 5 sao’; hay cô lao công thật thà chia sẻ ‘lần đầu đi máy bay’… Nhiều người hỏi vì sao? Đơn giản chúng tôi xác định đó là đầu tư để tạo sự đồng lòng, để cùng nắm chặt tay nhau đi qua cơn bão.
Rõ ràng khi chìm trong lo lắng, áp lực công việc, trong nghi ngờ và thất vọng với những thay đổi không như ý, nhân viên sẽ chẳng quan tâm những gì lãnh đạo nói hay làm, cho tới khi họ cảm nhận rằng mình thực sự được quan tâm. Chính vì thế, hơn bao giờ hết, mọi người lãnh đạo, quản lý trong tổ chức cần biết cách để trở thành người lãnh đạo thấu cảm, để hiểu, biết cách tạo động lực, giúp nhân viên an tâm hơn, từ đó củng cố lòng tin, quyết tâm gắn bó cùng tổ chức.
Bạn có phải là lãnh đạo thấu cảm? Tổ chức bạn có những câu chuyện điển hình về lãnh đạo thấu cảm? Hãy chia sẻ và lan tỏa những câu chuyện thiết thực với các giá trị hữu ích cho cộng đồng nhân sự nhé!
Trần Kim Anh
(Anphabe; Ảnh: Unsplash)
* Muối & Ánh sáng:
Lời cầu nguyện của chúng ta thường quanh quẩn trong việc hối thúc Chúa: “Chúa ơi, xin Ngài cho dịch bệnh nhanh chóng kết thúc”; “Xin Ngài khiến sếp con, đồng nghiệp, đối tác… của con thực sự là những người đồng hành dễ chịu!”; “Chúa ơi, xin ban phước cho những việc con làm”…. Nếu câu trả lời của Chúa là: “Hãy kiên nhẫn với hoàn cảnh, với mọi người và chờ đợi Ta!” thì sao?
Câu trả lời là bạn có thể cầu nguyện như Đa-vít: “Đức Giê-hô-va ôi! Buổi sáng Ngài nghe tiếng con; buổi sáng con dâng lời khẩn nguyện và đợi chờ” (Thi thiên 5:3). Chúng ta có thể tin nơi sự đáp lời của Ngài, ngay cả khi sự trả lời đó không đến đúng thời điểm chúng ta mong đợi. “Hãy trông đợi Đức Giê-hô-va; Hãy mạnh mẽ và can đảm. Phải, hãy trông đợi Đức Giê-hô-va” (27:14)
BBT M&AS