Quá trình khởi nghiệp luôn… căng thẳng. Đôi khi bạn cảm giác mình đang làm hàng ngàn việc cùng lúc. Tuy nhiên, với các kế hoạch chặt chẽ, bạn có thể giảm thiểu nhiều rủi ro. Nhưng trước hết cần nghiên cứu đối thủ cạnh tranh, đánh giá các khía cạnh pháp lý, xem xét tài chính cá nhân, doanh nghiệp… và nhờ trợ giúp.
1. Tìm hiểu đối thủ cạnh tranh
Dù bạn có ý tưởng tuyệt vời, người khác cũng có thể nghĩ ra. Nên tìm hiểu, nghiên cứu đối thủ cạnh tranh vô cùng quan trọng. Nếu không thể cung cấp thứ gì tốt hơn, rẻ hơn đối thủ cạnh tranh, bạn có thể cân nhắc việc kinh doanh lĩnh vực đó.
2. Xác định đối tượng khách hàng
Dành thời gian tìm hiểu đối tượng bạn muốn nhắm đến: độ tuổi, nghề nghiệp, giới tính… Hiểu về đối tượng cần sản phẩm, dịch vụ của bạn, việc tinh chỉnh kế hoạch phù hợp với mong muốn của họ sẽ dễ hơn.
Cần đảm bảo bạn đang cung cấp những gì khách hàng muốn chứ không phải bạn muốn. Việc này giúp bạn có cái nhìn sâu sắc hơn về khách hàng, giúp bạn tiết kiệm trong tương lai.
3. Hiểu rõ mục đích
Bạn cần hiểu chính xác mục đích kinh doanh bằng cách nhận ra điểm mạnh yếu, khác biệt và mục đích của doanh nghiệp, đưa ra các lựa chọn sáng suốt mở rộng dịch vụ, thị trường theo cách tốt nhất.
4. Hoàn thành thủ tục pháp lý
Nắm rõ quy trình pháp lý rất quan trọng, như thủ tục giấy tờ, thuế, trách nhiệm, quyền lợi của doanh nghiệp, nhân viên… giúp tránh rủi ro sau này.
5. Vốn khởi nghiệp
Hầu hết doanh nhân bắt đầu với số vốn hạn chế, và đây là trở ngại của nhiều người. Đầu tiên và phổ biến nhất là nguồn tiền từ gia đình, bạn bè… Nếu vẫn chưa đủ, hãy tìm đến các nhà đầu tư, đăng ký các khoản vay kinh doanh từ ngân hàng, hiệp hội doanh nghiệp…
6. Những rủi ro khi khởi nghiệp
Kinh doanh nào cũng có rủi ro. Nên việc tính toán, hiểu và lập kế hoạch là bước quan trọng trước khi bạn bắt đầu.
7. Lập kế hoạch
Phác thảo các bước cần thực hiện để việc bắt đầu trơn tru, suông sẻ. Cần chỉn chu để thuyết phục các nhà đầu tư, người tham gia… Cũng nên tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhằm giúp kế hoạch khả thi nhất. Thường, một kế hoạch kinh doanh gồm:
+ Khải tượng và mục đích kinh doanh
+ Mô tả doanh nghiệp bạn
+ Danh sách sản phẩm, dịch vụ bạn cung cấp
+ Phân tích thị trường hiện tại và cơ hội tương lai
+ Danh sách các ‘key person’ trong công ty & tiểu sử của họ
+ Kế hoạch tài chính của bạn và cơ hội cho nhà đầu tư.
8. Thời điểm khởi nghiệp
Nên bắt đầu vào thời điểm nền kinh tế khỏe mạnh, và ngành của bạn đang ‘hot’; nhưng việc quyết đoán cũng rất quan trọng. Nếu thấy cơ hội không thể bỏ qua, hãy nắm chặt nó, đừng chờ cơ hội khác.
9. Tìm mentor, chuyên gia
Kinh doanh không nên là hành trình độc lập, cho dù việc ‘độc hành’ nghe có vẻ hấp dẫn. Hãy tìm các đội sát cánh cùng bạn, hãy kết nối với các chuyên gia, dự các hội thảo, sự kiện thuộc ngành của bạn; tiếp cận các nhân vật thành công để học hỏi kinh nghiệm.
10. Mời cố vấn, chuyên gia vào doanh nghiệp
Doanh nhân không biết hết mọi thứ. Nên tìm các cố vấn pháp lý, chuyên gia xử lý khủng hoảng… giúp bạn quản lý rủi ro – nếu có. Việc dựa vào các chuyên gia khi khởi đầu có thể giúp bạn thành công và tránh rắc rối về sau. Cũng cần tìm một kế toán giỏi để giúp bạn xử lý các khía cạnh tài chính.
Khởi nghiệp trong ý Chúa
Lời Chúa dạy: “Nếu Chúa muốn và chúng ta còn sống thì sẽ làm việc nọ việc kia” (Gia-cơ 4:15)
Năm 2000, một công ty khởi nghiệp về hệ thống cho thuê phim qua đường bưu điện đề nghị bán công ty với giá 50 triệu USD cho Blockbuster – ‘ông vua’ cho thuê phim gia đình và trò chơi điện tử thời điểm đó. Netflix có khoảng 300.000 người đăng ký, trong khi Blockbuster có hàng triệu người, nên Blockbuster đã bỏ qua cơ hội mua lại đối thủ cạnh tranh nhỏ của họ.
Kết quả là ngày nay, Netflix có hơn 180 triệu người đăng ký, trị giá gần 200 tỷ USD, còn Blockbuster đã… phá sản. Thật, không ai có thể biết được tương lai, ngoài Chúa.
Chúng ta thường bị cám dỗ tin mình đang kiểm soát cuộc sống mình, các kế hoạch tương lai ta sẽ thành công… Nhưng Lời Chúa chép: “Vì anh em chỉ như hơi nước, xuất hiện trong giây lát rồi lại tan ngay” (Gia-cơ 4:14)
Cuộc sống ngắn ngủi, chóng vánh, mong manh hơn ta nghĩ. Kế hoạch là cần thiết, nhưng ta kiêu ngạo ở chỗ tin mình đang nắm quyền kiểm soát. Lời Chúa cảnh báo ta không nên “kiêu căng tự phụ”.
Hãy ‘khởi nghiệp cùng Chúa’ trong tinh thần tin cậy, vâng lời và biết ơn. Lòng biết ơn nhắc nhở ta Chúa là nguồn của mọi ơn lành. Khi có Chúa đồng hành, Ngài không chỉ ban phước cho các kế hoạch hiện tại, tương lai, nhưng cũng giúp ta dự phần cùng Ngài trong những gì Ngài đang làm. Đây là ý nghĩa của cụm từ “Nếu Chúa muốn…”.
Bạn bị cám dỗ nắm quyền kiểm soát đời mình? Theo bạn, đầu phục Chúa và dự phần với Ngài là gì?
“Thưa Chúa, con trao dâng kế hoạch khởi nghiệp của con cho Ngài. Nguyện Chúa đồng hành với con, giúp con tin cậy, vâng lời Ngài trong mọi sự, để con được phước và trở thành nguồn phước cho nhiều người. Amen!”.
Muối & Ánh Sáng
(Bài: Thảo Phạm & Glenn Packiam | Tham khảo: Elleman | Ảnh: Pixabay)