Muoivaanhsang – Vào năm 2000, Nhà Cầu nguyện cho các Quốc gia ở Jerusalem (The Jerusalem House of Prayer for All Nations) sau khi xây dựng thành công đã tuyên bố: “Ở đâu không có Tháp canh Cầu nguyện, ở đó không có mùa gặt linh hồn”.
Vào năm 1960, khi Tiến sĩ D.G.S. Dhinakaran đang đi về phía đường ray xe lửa với ý định… tự tử, kết thúc cuộc đời vô vị của mình. Ông tình cờ bắt gặp một người chú, và người này đã chia sẻ Tin Lành cho ông. Nghe xong, ông quyết định quay trở về và tiếp nhận Chúa.
Ít lâu sau, Chúa phán với ông: “Ta đang đổ đầy trên con lòng thương xót…”. Sau cuộc gặp gỡ kỳ diệu này, Dhinakaran bắt đầu chức vụ rao giảng và cầu nguyện cho mọi người.
Chẳng mấy chốc, hàng ngàn người kéo đến lấp đầy các buổi cầu nguyện, truyền giảng. Dhinakaran cầu nguyện cho tất cả mọi người và điều kỳ diệu đã xảy ra: người què được đi, người mù được sáng, các khối u ung thư cùng nhiều bệnh nan y được chữa lành, nhiều người bị ‘tâm bệnh’ được sự bình an trong cuộc sống. Sau đó, Dhinakaran tiếp tục được Chúa mặc khải, ông nhận ra sức mạnh của sóng phát thanh để rao giảng Tin Mừng. Năm 1972, lần đầu tiên, Tin Lành được rao giảng trên đài phát thanh qua chức vụ của Dhinakaran.
Dhinakaran qua đời năm 2008, con trai ông – Tiến sĩ Paul Dhinakaran – tiếp quản chức vụ của cha. Anh được gia thêm khải tượng, tầm nhìn, đó là xây dựng Tháp Canh Cầu Nguyện – Prayer Tower – mở cửa cầu nguyện 24g/7ngày; cùng Mục vụ cầu nguyện cho mọi người qua điện thoại ở mọi quốc gia trên thế giới – Jesus Calls Ministry.
Chúa cũng mở đường để Paul Dhinakaran xây dựng, thiết lập các Tháp Canh Cầu Nguyện ở Mỹ, Canada, Nam Phi, Ấn Độ, Singapore, Malaysia, New Zealand, Úc, Anh, Sri Lanka, Fiji… và gần đây là Israel.
* Tháp Canh Cầu Nguyện ở Israel/Y-sơ-ra-ên
Được sự kêu gọi của Chúa trên người nghèo, Paul bắt đầu thành lập Mục vụ SEESHA – nơi nuôi dưỡng, giúp đỡ hàng ngàn người tại các khu vực nghèo khó. Trẻ em được giáo dục và chăm sóc y tế miễn phí. Paul cũng đã thiết lập 59 Tháp Canh Cầu Nguyện ở 12 quốc gia. Tại các Tháp canh này, những người cầu thay đến từ khắp nơi trên thế giới, họ cầu nguyện và tiên tri về kế hoạch của Chúa cho quốc gia mình. Họ góp phần biến đổi quốc gia, dân tộc mình bằng cách đặt Chúa lên trên hết.
Và thật kỳ diệu, Paul đã được chính phủ Israel ưu ái, mở cửa cho anh xây dựng một Tháp Canh Cầu Nguyện ở ngay trung tâm Jerusalem.
* Vì sao Tháp canh cầu nguyện quan trọng?
“Bởi vì qua lời cầu nguyện” – ông Paul nói – “nhiều cánh cửa sẽ mở ra cho các quốc gia cho các chiến dịch truyền giảng Phúc Âm trước khi Chúa trở lại”.
Tháp Canh Cầu Nguyện Israel nằm trên tầng 20 của tòa nhà cao nhất trung tâm Jerusalem, có góc nhìn 360 độ về phía thành cổ và Núi Olive/Ô-liu, thành phố mới và cả tòa nhà Quốc hội Israel; có phòng thờ phượng với sức chứa 250 người, có các dãy phòng riêng cho cầu nguyện cá nhân; một trung tâm hướng dẫn thực hành tiên tri và một nhà nguyện.
Rất nhiều nhóm du lịch từ khắp nơi trên thế giới đã được đưa đến đây để cầu nguyện và được chữa lành, ai nấy được đầy dẫy Đức Thánh Linh trước khi trở về.
* Tháp canh Cầu nguyện và nền tảng Kinh Thánh:
Là nơi ‘nhắc nhở Chúa và những lời hứa của Ngài’ trên các quốc gia, dân tộc:
Một nơi cao: “Tôi sẽ đứng nơi vọng canh, chôn chân nơi đồn lũy, chăm chú nhìn xem Ngài bảo tôi điều gì, và tôi sẽ có câu trả lời thế nào cho thắc mắc của tôi” (Habakuk/Ha-ba-cúc 2:1).
Nơi riêng tư, mật thiết với Chúa: “Hỡi Giê-ru-sa-lem, trên các tường thành ngươi, Ta đã đặt lính canh; suốt cả ngày đêm, họ sẽ không bao giờ nín lặng. Hỡi những kẻ nhắc nhở Đức Giê-hô-va, đừng nghỉ ngơi chút nào. Cũng đừng để Ngài nghỉ ngơi cho đến khi Ngài tái lập Giê-ru-sa-lem và dùng nó làm sự ca ngợi trong khắp đất!” (Isaiah/Ê-sai 62:6-7).
Nơi hiệp nhất những tấm lòng: “Cha ơi! Con không chỉ cầu xin cho những người nầy mà thôi, nhưng cũng cho những người nhờ lời họ mà tin con nữa, để tất cả đều trở nên một; như Cha ở trong con và con trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta, nhờ đó thế gian tin rằng Cha đã sai con đến” (John/Giăng 17:20).
Thảo Phạm
(Nguồn: Jnewsvn.com)