Mục sư Jack Graham đã giới thiệu Ngoại trưởng Pompeo, rằng ‘lý lịch’ của ông thật đáng kinh ngạc, “Nhưng trên hết, ông ấy là tín đồ Đấng Christ, luôn giữ vững đức tin vào Chúa chúng ta!”.
Ông Pompeo chia sẻ rằng thế giới đang dõi theo cách mà người Mỹ dẫn đầu, “Họ nên biết nước Mỹ là quốc gia lấy Cơ đốc giáo làm nền tảng”.
“Thể hiện đức tin nơi công cộng không chỉ hợp pháp mà còn chính đáng. Đức tin nên mạnh mẽ theo truyền thống Mỹ” – ông trích dẫn lời của một trong số nhà lập quốc – George Washington: “Trong tất cả các khuynh hướng và thói quen dẫn đến sự thành công chính trị, thì tôn giáo và đạo đức là sự hỗ trợ không thể thiếu”.
Ông Pompeo tiếp: “Nước Mỹ đặt việc bảo vệ nhân phẩm và tự do con người làm trọng tâm của luật pháp”, và lưu ý rằng công việc của Bộ Ngoại giao cần phản ánh điều đó.
Ông lấy ví dụ về các quốc gia vô thần, cụ thể là TQ, và cho biết Mỹ rất coi trọng tự do tôn giáo, cụ thể là chính phủ ông Trump. Pompeo cũng chia sẻ với Hội Thánh rằng hãy cầu thay cho Cơ đốc nhân TQ. “Về cơ bản, trách nhiệm cầu nguyện thuộc về người Mỹ” – bộ trưởng nói – “Chúng ta nên cầu nguyện, và đó là điều đầu tiên trên tất cả mọi thứ”.
Ông tiếp: “Nếu bạn che giấu ánh sáng (Cơ đốc) của mình ngay cả trong xã hội cởi mở như chúng ta, điều đó sẽ gửi một thông điệp khủng khiếp đến những nơi còn khó khăn hơn”.
“Sẽ luôn có những kẻ chỉ trích rằng lên tiếng về đức tin là điều không nên làm” – ông thừa nhận – “Nhưng đừng nản lòng, vì điều đó có nghĩa bạn đang có đức tin và đã thể hiện được nó ra”.
Ông Pompeo cũng cho biết một cố vấn an ninh quốc gia trước đây đã chỉ trích ông: “Công khai tôn giáo cách thái quá là có vấn đề!”. Và ông đã đáp lại bằng cách trích dẫn The New York Times: “Trong vài thập kỷ gần đây, không Ngoại trưởng nào cởi mở, nhiệt thành và nhất quán như Mike Pompeo khi nói về Cơ đốc giáo và chính sách đối ngoại!”.
Ông nhấn mạnh: “Nước Mỹ kết nối đức tin với chính sách đối ngoại là điều cấp thiết, và là điều tốt”. Ông cho biết ông đã nhìn thấy điều đó tại Nhà Trắng, khi các nhà lãnh đạo Hồi giáo đã làm hòa với Israel.
Trong một tuyên bố chung hồi tháng trước, Tổng thống Donald Trump, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Thái tử Abu Dhabi Sheikh Mohammed Bin Zayed cho biết các bên đã “đồng ý bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất”.
Đầu tháng qua, thành viên Quốc hội Na Uy – Cơ đốc nhân Tybring-Gjedde – đã đề cử giải Nobel Hòa bình 2021 cho Tổng thống Trump, lý do ông đã giúp cho thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất diễn ra nhanh chóng.
“Đức tin củng cố nền ngoại giao Mỹ chứ không làm giảm sút nó. Chính ở những nơi đức tin bị đàn áp, chúng ta thấy mọi sự tàn bạo, xấu xa, nơi nhân loại bị áp bức nhiều nhất” – ông khẳng định – “Thật là một đặc ân khi được phục vụ với tư cách Ngoại trưởng thứ 70 của Mỹ. Nhờ ân điển Chúa, tôi mới có hôm nay!”.
Ông Pompeo ‘khoe’ luôn đặt quyển Kinh Thánh trên bàn làm việc trong văn phòng để đọc Lời Chúa mỗi ngày, và trích dẫn Ga-la-ti 6:9: “Chớ mệt nhọc về sự làm lành, vì nếu chúng ta không trễ nải thì đến kỳ, chúng ta sẽ gặt”.
“Đừng bao giờ ngừng tỏa sáng!” – ông nhấn mạnh – “Đừng bao giờ bỏ qua cơ hội đem đức tin ra những nơi công cộng. Hãy bước đi với Chúa và giữ chặt lấy Ngài! Hãy là chính mình! Hãy tiếp tục tin cậy! Cùng nhau, tất cả chúng ta sẽ khiến quốc gia này trở thành ánh sáng cho thế gian!”.
Thanh Nguyên lược dịch
(Nguồn: Christianpost; Ảnh: AP, Getty Images, ABC News)