Muoivaanhsang.vn – Internet ra đời, sàn thương mại điện tử ra đời, thanh toán qua thẻ tín dụng… đã làm thay đổi mọi thứ. Những lý thuyết kinh tế, những tập quán kinh doanh, những trí khôn và kinh nghiệm của cha mẹ ông bà dạy cho con cháu về mưu mẹo trong kinh doanh, rồi các mối hàng, các bạn hàng, những thủ thuật kinh doanh… cũng dần giảm đi theo thời gian và biến mất…
Sẽ là cơ hội cực lớn cho những ai tài giỏi, thức thời, biết ngoại ngữ, không phân tâm xao nhãng chuyện xã hội… kiếm được tiền từ đó.
Mặt tiền đường sẽ hết thời, rõ ràng là rất nhiều người thuê xong và trả lại liên tục chỉ trong vài tháng vì quá ế. Người ta thích mua sắm, sẽ ra khu thương mại tập trung (shopping mall or đại siêu thị) để mát mẻ, coi như vừa đi chơi vừa mua đồ. Còn nếu mua đồ thật sự, họ sẽ lên mạng xem kỹ. Hình ảnh lái xe máy dáo dác tìm cửa hàng quen thì thắng (phanh) lại rồi tấp vào mua sẽ dần trở thành kỷ niệm trong vài chục năm tới. Nhà ở là để ở, chứ không có cửa hiệu dưới đất rồi người ở phía trên như hiện nay.
Và nếu Việt Nam không tự chủ 1 nền sản xuất, thì đất nước càng ngày càng nghèo. Những nước dân số đông mà người dân không có năng lực sản xuất tốt như Philippines, Bangladesh, Campuchia, Venezuela, Myanmar… sẽ tiếp tục nghèo đi. Những người lanh lợi ở các nước này, hiện nay đang kiếm tiền từ việc nhập hàng nước ngoài về bán, sẽ không còn cơ hội nhiều nữa. Người sản xuất ở nước ngoài hoàn toàn có thể mở 1 gian hàng trên các trang thương mại điện tử lớn, rồi bán hàng, giao (shipping) trực tiếp đến từng nhà người mua.
Các bạn trẻ đọc kỹ bài báo này và nghĩ nhiều để ra hành động cho bản thân mình thôi. Để admin kể chuyện này. Có 3 bạn trẻ, 1 tên Q ở Cà Mau, sản xuất chế biến nông sản miền Tây, rồi mở các gian hàng trên các trang thương mại điện tử, bán khắp trong nam ngoài bắc, những thùng tôm khô cá kèo kho của anh giao tận cả Lào Cai Yên Bái. Mỗi tháng, lãi ròng cỡ khoảng 1 tỷ. Một bạn khác thì ở trong 1 buôn làng nhỏ ở tỉnh Gia Lai, làm mấy sản phẩm từ núi rừng (khô bò, nhung hươu, sâm…) và bán online toàn quốc, mỗi tháng doanh thu 3 tỷ, từ chối tiết lộ khi được hỏi về lợi nhuận.
Một bạn ở Huế, xuất khẩu nón lá và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ gốm sứ, cũng qua kênh thương mại điện tử của Hàn, Nhật, Pháp (bạn tuyển người biết các ngôn ngữ này từ ĐH Ngoại Ngữ Huế làm cho bạn), mỗi tháng tiền nhảy về khoảng 200,000 đô Mỹ, bạn nào làm nhân viên trong ngân hàng trước chợ Đông Ba có biết bạn này, vì bạn cũng thường lái chiếc Audi tới giao dịch, văn phòng của bạn là căn nhà nhỏ ở làng quê bạn, bên cạnh là xưởng sản xuất thủ công mỹ nghệ rất to. Tất cả các bạn này đều 9x, có xưởng sản xuất ngay tại làng quê, biết cách sử dụng sàn thương mại điện tử để làm giàu cho mình và cho quê hương.
Tư tưởng sản xuất rất cực, mua bán cho khoẻ, giàu nhanh, sạch sẽ ngồi máy lạnh chứ sản xuất thì phải dấn thân lem luốc…về lâu dài sẽ khiến đất nước càng không tự chủ. Và một số tư tưởng lại con nguy hiểm hơn, cứ cho là mình sản xuất không có lợi thế như Trung Quốc, làm cái gì cũng giá cao hơn họ, nên qua đó nhập về, gắn nhãn thương hiệu mình vào bán… Nếu người Hàn Quốc ngày xưa cũng nghĩ thế, thì chẳng có 1 kỳ tích sông Hàn.
Nếu người Israel cũng chỉ nhập hàng từ Mỹ hay châu Âu về dùng, thì chẳng có 1 đất nước hùng mạnh giữa sa mạc mà xuất khẩu nông sản, công nghệ. Những bộ óc giỏi nhất của người Nhật người Hàn người Trung người Do Thái người Thổ Nhĩ Kỳ người Đức… đã chọn con đường học thành kỹ sư, mày mò sản xuất, phát minh sáng kiến ra sản phẩm mới, giúp đất nước họ phồn vinh nhanh chóng. Trong khi 1 số nước, người ta lại chọn sự an nhàn, đến nỗi Elon Musk đã thốt lên “nhân loại không cần thêm thạc sĩ quản trị kinh doanh, chuyên viên tài chính và luật sư nữa, những bộ óc tài giỏi nhất của loài người nên học công nghệ, tham gia sản xuất, nghĩ cái mới cho nhân loại”.
Sản xuất là cốt lõi của nền kinh tế tự chủ. Bền vững đời đời là nhờ sản xuất.
Tony Buổi sáng
(Ảnh: Unsplash)