Chủ đề của cuộc thi năm nay là ‘I care for myself by…’ (‘Tôi chăm sóc bản thân bằng cách…’), mục tiêu gia tăng sự chú ý của mọi người về sức khỏe tinh thần lứa tuổi vị thành niên.
Tại Việt Nam, chủ đề này vô cùng nhức nhối, nhất là sau 2 năm đại dịch. Những câu chuyện tự hủy mình thương tâm xuất hiện ngày càng nhiều trên truyền thông. Thậm chí trong vài trường hợp, các bậc phụ huynh từ chỗ là nạn nhân, đã trở thành hung thủ gián tiếp sát hại con mình; nguyên nhân do những sự đứt gãy kết nối.
Sophie Araque-Liu đã đưa ra một thông điệp giản dị: ‘I care for myself by… accepting others care for me’ – ‘Tôi chăm sóc bản thân bằng cách chấp nhận sự chăm sóc của mọi người’. Một cái ôm đúng lúc có sức mạnh chữa lành hơn hàng trăm viên thuốc an thần.
Thuở bé, mỗi khi gặp chuyện buồn… ta thường sà vào vòng tay mẹ khóc một trận đã đời rồi… chạy đi chơi tiếp! Nhưng rồi lớn lên, không ít người cảm thấy những cử chỉ ấy bỗng trở nên gượng gạo, xa lạ. Vì sao?
Sophie cho biết với món tiền thưởng 30.000 USD từ Google, em sẽ giúp các chị ruột của em trang trải học phí đại học.
Sự đứt gãy kết nối trong gia đình vẫn diễn ra hàng ngày, bất kỳ ở đâu. Làm thế nào để ta luôn có thể nói: “Mẹ ơi, con buồn!” một cách dốc đổ, gửi gắm, tin cậy, chứ không phải là biểu hiện của sự yếu đuối.
“Khi ta chia sẻ niềm vui, nó không vơi đi; còn khi ta chia sẻ nỗi buồn, người nghe không buồn hơn, nhưng người nói thì sẽ bớt buồn đi một chút” (“Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” – Nguyễn Ngọc Thuần)
Mỗi khi đi xe đường dài, tôi thường để ý lắng nghe tâm tư tình cảm của các cô/cậu bé trên đài phát thanh. Họ than thở đủ chuyện trên trời dưới đất, có những chuyện thật ngớ ngẩn: “Hôm nay có bạn kia ngủ gục khi con đang hát trước lớp!”; “Hôm nay ba không chịu cười khi con rủ seo-phì!”; “Cô giáo gọi con trả bài 3 lần liên tiếp mà không gọi người khác!”…
Nhưng về sau tôi mới thấy thương những lời bộc bạch ấy. Hẳn chúng không nói được với ai mới lên đài tâm sự với người lạ. Vì trong thế giới xa lạ không ai phán xét chúng. Vả lại có nỗi buồn nào ngớ ngẩn đâu? Nỗi buồn của một nhà văn bị mất bản thảo, nỗi buồn thất trận của Hitler và nỗi buồn của chàng trai thi rớt đại học là như nhau. Nhưng hệ lụy sẽ rất khác nhau nếu nỗi buồn không tìm được cách giải tỏa.
Những nỗi buồn sẽ ‘chịu đi ra’ khi ta cảm thấy được chấp nhận, khi ấy ta học cách thương chính mình như thể thương người là vậy.
Nhìn quanh thử xem, có khi nhiều người cũng sẵn sàng ôm mình lắm. Vì chính họ, ở những thời điểm khác trong đời, cũng rất cần một chiếc ôm.
Lời Chúa dạy: “Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương không ghen tị, không khoe mình, không kiêu ngạo, không cư xử trái lẽ, không kiếm tư lợi, không nhạy giận, không nuôi dưỡng điều dữ, không vui về điều bất công, nhưng vui trong sự thật. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, hy vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự. Tình yêu thương không bao giờ suy tàn” (I Cô-rinh-tô 13:4-7)
Muối & Ánh sáng
(Ảnh: The Economic Times, VFDE, WQCS, NextShark, Pixabay)