Trong các nghiên cứu về cảm xúc và tương tác xã hội, Tiến sĩ Dacher Keltner – Giáo sư Tâm lý Đại học California-Berkeley – đã nêu bật giá trị của việc dùng phương pháp giải tỏa căng thẳng mà nhiều người không nghĩ đến: Thiên nhiên.
Nghiên cứu của Keltner cho thấy tác động trực tiếp của việc đắm mình vào thiên nhiên với hệ thống tim mạch và não bộ con người. Ông cho biết trải nghiệm này không chỉ tác động sâu sắc đến cơ thể, mà còn ảnh hưởng đến cách ta suy nghĩ về bản thân, hiểu mục đích sống của mình.
Keltner đề xuất đắm mình vào thiên nhiên không chỉ là một ý tưởng thế tục. Đây là chủ đề vang vọng trong suốt Kinh Thánh. Ngay từ chương mở đầu đã tiết lộ cho ta thấy sự hùng vĩ của tạo hóa, mời gọi ta chiêm nghiệm về sự bao la của vũ trụ mà Chúa đã chuẩn bị cho ta.
Hãy xem xét một số đoạn Kinh Thánh để củng cố tầm quan trọng của việc nhận ra công trình hoàn hảo, thiêng liêng của Chúa, và cách chúng phù hợp với quan sát của Keltner:
+ Suy ngẫm về sự vĩ đại của Chúa:
“Các tầng trời rao truyền sự vinh quang của Chúa; bầu trời công bố công việc tay Ngài” (Thi Thiên 19:1). Dựa trên nghiên cứu khoa học, ta tìm thấy sự tương đồng thú vị với lời kêu gọi trong Kinh Thánh, thừa nhận sự vĩ đại của sự sáng tạo thiêng liêng. Và Keltner gợi ý hãy đọc Kinh Thánh là suy ngẫm về sự vĩ đại của Ngài.
Nghĩ đến tình yêu của Chúa dành cho mọi chi tiết. “Hãy ngước mắt lên cao mà xem: Ai đã sáng tạo những vật này? Ngài là Đấng khiến các thiên thể ra theo số lượng và đội ngũ, Ngài gọi đích danh tất cả chúng, không bỏ sót một thiên thể nào, vì sức mạnh vĩ đại và quyền năng vô biên của Ngài” (Ê-sai 40:26). Chúa đưa rất nhiều chi tiết vào sự sáng tạo của Ngài.
+ Tận hưởng những kỳ diệu trong sự sáng tạo của Ngài:
“Nhưng hãy hỏi loài thú, chúng sẽ dạy cho anh; hỏi chim trời chúng sẽ cho anh biết. Hoặc hãy nói với đất, đất sẽ chỉ dạy anh; nói với cá biển, chúng sẽ giải thích cho anh hiểu. Trong các loài này, loài nào lại chẳng biết rằng tay Đức Giê-hô-va đã làm nên những điều ấy?” (Gióp 12:7-9)
Những khoảnh khắc chiêm nghiệm không chỉ thúc đẩy sự thờ phượng, kính sợ Chúa, mà còn có tác động tích cực, làm dịu sức khỏe tinh thần và cảm xúc ta.
Các nghiên cứu của Keltner chỉ ra rằng con người có thể trải nghiệm việc kính sợ Chúa khi ta chậm lại, chú ý đến thiên nhiên, cười đùa với những người thân yêu, dành thời gian cho gia đình… Sự kính sợ này xuất phát từ sự công nhận rằng ta là một phần của vũ trụ bao la, bí ẩn, tươi đẹp của Chúa, cũng như kế hoạch thiêng liêng và mục đích vĩnh cửu của Ngài. Mỗi cây cối, dòng suối, hoàng hôn… đều là lời nhắc nhở sống động về sự vĩ đại, sự chăm sóc và tính sáng tạo của Ngài.
Là doanh nhân và người tin Chúa ở nơi làm việc, ta nên dành thời gian chiêm ngưỡng sự sáng tạo của Ngài, suy ngẫm về các chi tiết thường bị bỏ qua. Đây không chỉ là thời gian nghỉ ngơi cần thiết khỏi sự hối hả, nhộn nhịp của cuộc sống; mà còn là cơ hội để hiểu sâu hơn về tình yêu và sự khôn ngoan của Chúa – như đã được tiết lộ trong Lời Ngài.
Câu hỏi suy ngẫm/thảo luận
1. Nếu thấy mình căng thẳng trong công việc, bạn phản ứng thế nào? Bạn thường dùng các loại ‘thuốc giảm căng thẳng’ nào khi điều này xảy ra?
2. Khi ở giữa thiên nhiên: đi bộ trong công viên, lên núi, vào rừng, ngắm phong cảnh tươi đẹp… bạn cảm thấy thế nào? Bạn có kinh nghiệm nào giống như những gợi ý trong bài viết này?
3. Lần cuối bạn cảm thấy ngạc nhiên là khi nào? Ở đâu? Điều này có giúp bạn đến gần Chúa hơn, cảm nhận sự sáng tạo vĩ đại của Chúa sâu sắc hơn? Con người thường nghĩ việc thờ phượng chỉ diễn ra trong 4 bức tường của Hội Thánh. Bạn có nghĩ dành thời gian bước ra thiên nhiên có thể nâng cao sự thờ phượng Chúa? Tại sao có, tại sao không?
4. Một số người tập trung vào thiên nhiên đến mức cực đoan, họ cổ súy, tôn thờ ‘Mẹ Thiên nhiên’… Nhưng Cơ đốc nhân nên dành thời gian chiêm ngưỡng, tận hưởng sự sáng tạo của Chúa, vui mừng vì mối quan hệ của ta với Đấng tạo hóa. Ta có thể làm điều này theo cách nào, trong khi vẫn hòa hợp với những quan điểm cổ súy bảo vệ thiên nhiên?
Erenia Mendoza
(Nguồn: CBMC International | Nguyên Ân lược dịch | Ảnh: Pixabay | Xem thêm: Sáng thế 1:1-28; Thi Thiên 8:1-9, 139:7-16, 145:8-12; Rô-ma 1:20)
THỬ THÁCH TUẦN NÀY
Lần cuối bạn dành thời gian tận hưởng sự sáng tạo của Chúa là khi nào? Hãy dành thời gian trong tuần này, tạm dừng các trách nhiệm, thời hạn, mục tiêu, mục đích… không chỉ để ngắm nhìn, tái hiện sự kỳ diệu của thiên nhiên, mà còn để cầu nguyện, ngợi khen Chúa vì tất cả những gì Ngài đã tạo nên. Hãy cầu xin Chúa giúp bạn được trải nghiệm sự bình an, nghỉ ngơi và niềm vui từ nơi Ngài.