Nước Đức đang giữ vai trò ‘đầu tàu kinh tế’ ở châu Âu, là quốc gia có nền công nghiệp phát triển bậc nhất thế giới. Điều đặc biệt là họ không làm việc chăm chỉ, cần cù để tạo kỳ tích, nhưng lại được biết đến với luật bảo vệ quyền lợi người lao động cực kỳ nghiêm khắc, với thời gian làm việc trung bình ít hơn nhiều so với các quốc gia phát triển khác.
Người Đức chỉ làm 35 giờ/tuần, trung bình họ được nghỉ phép 24 ngày/năm. Câu hỏi đặt ra là tại sao làm việc ít mà năng suất lại cao nhất thế giới? Vì người Đức theo chủ nghĩa hoàn hảo trong sản xuất, họ tự đặt kỷ luật cho chính mình: làm ra làm, chơi ra chơi.
Không facebook trong giờ làm
Trong văn hóa doanh nghiệp (DN) của Đức, khi làm, họ chuyên tâm vào công việc hơn bất cứ thứ gì khác. Lướt facebook, tán dóc với đồng nghiệp thậm chí vẽ nguệch ngoạc trên giấy khi sếp bước vào phòng đều bị xem là không thể chấp nhận đối với người lao động ở Đức.
Đối với các nước khác, thói quen chuyên tâm vào việc có thể được rèn giũa qua quản lý, nhưng đối với người Đức, đây được xem như bản tính vốn có.
Trong bộ phim tài liệu ‘Hãy biến tôi thành một người Đức’ của BBC, một phụ nữ trẻ Đức lý giải cú sốc văn hóa mà cô gặp trong chuyến trao đổi công việc ở Anh: “Tôi đến Anh trong một chuyến trao đổi công tác. Ở văn phòng, người ta nói chuyện suốt cả buổi về những thứ rất riêng tư chẳng hạn tối nay bạn sẽ làm gì, rồi họ uống cafe…”. Cô cho biết tại Đức, facebook bị cấm sử dụng trong văn phòng, email riêng tư cũng không được phép.
Đúng giờ
Đối với người Đức, đúng giờ nghĩa là đến sớm 10 phút. Người Đức đúng giờ không chỉ trong công việc, mà còn trong đời sống cá nhân, việc đến trễ được xem là bất lịch sự, thiếu tôn trọng. Không những con người, phương tiện công cộng ở đất nước này cũng đúng giờ đến từng phút.
Tự giác chấp hành
Người Đức chấp hành tuyệt đối các luật lệ, quy tắc đặt ra. Tuy không bị giới hạn tốc độ lái xe tối đa như các nước khác, nhưng tai nạn rất ít xảy ra bởi người dân tự giác tuân thủ luật lệ giao thông. Bạn gần như thoải mái khi đi đường dù ngày hay đêm, vì trật tự an ninh đảm bảo, tệ nạn xã hội gần như hiếm hoi, người dân ý thức tuân thủ pháp luật, tự giác…
Thẳng thắn, rõ ràng
Người Đức nổi tiếng rõ ràng. Công nhân có thể trực tiếp phản ánh với giám đốc, ngôn ngữ thẳng thắn, không văn hoa mất thời gian. Chẳng hạn một người Mỹ có thể nói: “Thật tuyệt nếu anh có thể nộp báo cáo cho tôi trước 3 giờ chiều”, trong khi một người Đức sẽ nói: “Tôi cần bản báo cáo trước 3 giờ chiều”.
Tiết kiệm
Người Đức sống xanh và tiết kiệm. Những gì có thể, họ tiết kiệm đến mức tối đa. Cụ thể không xả nước thoải mái, không để thiết bị điện ở chế độ ‘stand by’. Đi ăn không đặt quá nhiều món, thiếu thì đặt thêm chứ không để thừa…
Làm hết sức, chơi hết mình
Người Đức làm được, chơi được. Trong thời gian làm việc, họ tập trung, chăm chỉ; lúc nghỉ ngơi, họ nghỉ thực sự, thoải mái. Việc tách biệt giữa chơi và làm giúp họ có cuộc sống cần bằng, không làm cả giờ nghỉ giúp họ khỏe khoắn khi trở lại công ty.
Chính phủ Đức hiện đang lên kế hoạch cấm gửi email liên quan đến công việc sau 6 giờ tối để ngăn việc bóc lột nhân viên. Văn hóa công sở khá khác biệt, nên người Đức không cần thiết tụ tập đồng nghiệp sau giờ làm. Họ tách biệt công việc và đời tư. Để tận hưởng kỳ nghỉ, hầu hết người Đức tham gia một Verein (câu lạc bộ) gặp gỡ, chia sẻ sở thích thể thao, ca hát, leo núi…
Người Đức cũng có nhiều ngày nghỉ phép nguyên lương. Trung bình họ được trả nguyên lương 25-30 ngày/năm (luật pháp Đức quy định 20 ngày). Việc kéo dài kỳ nghỉ giúp các gia đình có nhiều thời gian bên nhau, đi chơi thoải mái hơn. Cho dù những năm nền kinh tế đi xuống, nhưng số tiền họ dành cho việc du lịch vẫn không thay đổi. Các lễ hội văn hóa của họ thu hút tất cả người dân xuống phố, cởi bỏ vẻ nghiêm khắc, hòa mình vào không khí vui tươi, tưng bừng. Các dịp kỷ niệm, ngày hội của cũng không ít, thậm chí ‘kín lịch’ suốt cả năm.
Phạm Mỹ Hương
(Nguồn: IDuhoc & Anphabe; Ảnh: Unsplash)
* Kinh Thánh nói gì về tính Kỷ luật?
Theo Sứ đồ Phao-lô, tinh thần kỷ luật rất quan trọng và vô cùng cần thiết trong đời sống Cơ đốc nhân, nhất là trong cuộc đua thuộc linh giành ‘mão triều thiên của sự sống’. Ông viết: “Anh em há chẳng biết rằng trong cuộc chạy thi nơi trường đua, hết thảy đều chạy, nhưng chỉ một người được thưởng sao? Vậy, anh em hãy chạy cách nào cho được thưởng. Hết thảy những người đua tranh, tự mình chịu lấy mọi sự kiêng kỵ, họ chịu vậy để được mão triều thiên hay hư nát. Nhưng chúng ta chịu vậy để được mão triền thiên không hay hư nát. Vậy thì, tôi chạy, chẳng phải là chạy bá vơ; tôi đánh, chẳng phải là đánh gió; song tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng” (I Cô-rinh-tô 9:24-27)
Muối & Ánh sáng