Tuy nhiên, đây không phải là cái gì mới lạ, độc đáo. Nó đúng với con người hàng ngàn năm nay. Khi viết cho học trò Ti-mô-thê, Sứ đồ Phao-lô đưa ra những lời khôn ngoan này: “Lòng tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác. Có kẻ vì tham tiền mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn” (I Ti-mô-thê 6:10)
Tiền bạc vốn không phải là xấu, nhưng lòng yêu tiền có thể gây ra tội ác dưới nhiều hình thức. Không có gì sai khi có tiền, hoặc mong muốn kiếm được tiền để đáp ứng nhu cầu vật chất, xây dựng doanh nghiệp, đạt được những thứ ta muốn. Tuy nhiên, khi nó trở thành mục tiêu, thành vị thần của ta, ta gặp vấn đề lớn.
Cách đây nhiều năm, có một miếng dán trên cản ô-tô nổi tiếng với dòng chữ: “Kẻ chết với nhiều đồ chơi’ nhất là kẻ thắng!”. Câu nói nhận được sự đồng tình từ nhiều người say mê sở hữu ngày càng nhiều, bất kể giá nào. Nhưng có lẽ họ chưa bao giờ nghiêm túc cân nhắc xem cái giá phải trả nó lớn đến mức nào.
Vua Sa-lô-môn – một cá nhân cực kỳ thành công – đã đề cập đến chủ đề này một cách sâu sắc. Từ kinh nghiệm, ông nhận xét: “Thế rồi, nghiệm lại những việc mình làm với bao nhiêu lao khổ, tôi thấy tất cả đều vô nghĩa, hư ảo chẳng khác gì đuổi theo luồng gió thoảng” (Truyền đạo 2:11). Ông chia sẻ kinh nghiệm cá nhân mình với tư cách một người nhận thức được rằng lòng tham tiền bạc cũng tương đương với việc đuổi theo làn gió – một bài tập vô ích.
+ Tình yêu tiền bạc:
Cội nguồn của nhiều loại tội lỗi. Nếu ham mê tiền bạc, ta không thể yêu kính Đức Chúa Trời – Cha Thiên Thượng – của mình. Và ta không cần có nhiều tiền mới có thể thích nó. Ta có thể không một xu dính túi, nhưng vẫn có thể ‘thích’ tiền vì những gì nó đem lại cho ta. Ta có thể dễ dàng rơi vào bẫy xấu xa, khi hợp lý hóa rằng tiền bạc sẽ mang lại hạnh phúc, sự mãn nguyện. Cá nhân tôi quan sát thấy tiền có thể tạo ra bao phiền toái lớn, khiến ta rời xa những gì thực sự quan trọng trong đời.
+ Tập trung vào điều sai:
Tôi đã thấy nhiều người thành công bị ám ảnh bởi sự nghiệp đến mức bỏ bê gia đình, bạn bè, cả đức tin của họ. Ngay cả những người tự xưng là môn đồ của Chúa Jesus Christ cũng có thể quá tập trung vào việc kiếm tiền, quên đi điều quan trọng nhất trong đời. Ta có thể bị mê hoặc bởi sức mạnh của đồng tiền và cách ta tin rằng nó có thể ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống. Đôi khi Chúa cho phép ta trải qua khó khăn, bệnh tật, mất việc, ly hôn… để thuyết phục ta rằng tiền bạc thực tế không phải là câu trả lời cho nhu cầu, cho mong muốn sâu xa nhất của ta.
+ Nhà kho trên trời:
Chúa Jesus cảnh báo các môn đệ: “Các con đừng tích trữ của cải ở dưới đất, là nơi có mối mọt, ten rỉ làm hư, và kẻ trộm đào ngạch, khoét vách mà lấy. Nhưng hãy tích trữ của cải ở trên trời, là nơi không có mối mọt, ten rỉ làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch, khoét vách mà lấy” (Ma-thi-ơ 6:19-21)
Có một câu hỏi quan trọng mà mỗi chúng ta cần trả lời: “Trái tim bạn để ở đâu? Nó được tìm thấy trong tiền bạc, trong những thứ nó có thể mua được trên đất này, hay nó được tìm thấy trong mối quan hệ của bạn với Cha Thiên Thượng?”. Và câu trả lời từ Kinh Thánh: “Hãy hết lòng, hết trí, hết sức, hết linh hồn mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi” (Phục truyền luật lệ ký 6:5), và cất giữ của cải trên Thiên Đàng. Làm được điều đó, ta sẽ không phải hối tiếc.
Câu hỏi suy ngẫm/thảo luận
1. Tiền quan trọng với bạn thế nào? Hãy dành chút thời gian cân nhắc trước khi trả lời, và tại sao bạn lại trả lời như vậy?
2. Một số vấn đề có thể xảy ra khi ta không ngừng theo đuổi tiền bạc, vật chất? Bạn nghĩ tại sao lòng “ham tiền” lại phổ biến đến vậy, đặc biệt trong giới kinh doanh, nghề nghiệp?
3. Việc theo đuổi tiền bạc mang lại điều ác cho cuộc sống ta bằng cách nào? Bạn nghĩ tại sao những gì ta sở hữu (của cải vật chất) lại có thể ảnh hưởng đến cách ta nghĩ về bản thân, và cách người khác nhìn nhận về ta?
4. Nếu bạn (hoặc ai đó bạn biết rõ, quan tâm) đam mê theo đuổi tiền bạc, vật chất; bạn sẽ có các bước nào để khắc phục? Tích trữ của cải ở Thiên Đàng thay vì dưới đất nghĩa là gì?
Jim Langley
(Nguồn: CBMC International | Nguyên Ân lược dịch | Ảnh: Pixabay
Xem thêm: Truyền đạo 2:4-11; Ma-thi-ơ 6:24; II Ti-mô-thê 3:1-4; Gia-cơ 4:13-17)
THỬ THÁCH TUẦN NÀY
Trong tuần, hãy cố gắng đánh giá về tầm quan trọng của tiền bạc, vật chất trong cuộc sống bạn. Bạn có coi mình là sở hữu của mọi thứ mình có, hay chỉ là người quản gia, quản lý các nguồn tài nguyên Chúa giao phó cho bạn? Hai quan điểm đó khác nhau thế nào? Hãy tìm một người bạn quan tâm đến bạn và nói về thái độ của bạn đối với tiền bạc; và liệu bạn có tin rằng Chúa muốn bạn “điều chỉnh thái độ” không?