Kế hoạch của tôi là phát triển nghề thủ công để được sáng tạo và tự do về thời gian; cũng như thành công đủ về tài chính để không phải lo lắng tiền bạc cho những gì mình cần.
Chúng tôi bắt đầu năm 1973, và chỉ trong vòng vài năm, vợ chồng tôi đã có thể mua nhà cửa, xe cộ, tận hưởng các chuyến du lịch và bắt đầu tiết kiệm để nghỉ hưu. Mục tiêu hoàn thành, và chúng tôi vẫn cứ tiếp tục những gì mình đang làm, không mở rộng, đảm nhận thêm nhiều hơn khả năng… Nếu mở thêm địa điểm, thêm dịch vụ, thêm nhân viên… tôi phải trở thành người quản lý và từ bỏ công việc mình thực sự yêu thích, đó là sáng tạo.
Hầu hết các chủ doanh nghiệp thường nghĩ mở rộng kinh doanh là lựa chọn tốt nhất. Do đó, nhiều người phải căng thẳng, nếu không, chất lượng bị ảnh hưởng, thất bại…
Nhiều người cho rằng thước đo của một doanh nghiệp thành công là tổng doanh thu; có bao nhiêu nhân viên, bao nhiêu địa điểm, bao nhiêu kho bãi… Nên được làm việc mình yêu thích và chỉ cần chu cấp đủ cho bản thân, gia đình – dường như là lựa chọn sau cùng.
Doanh nghiệp gia đình, thậm chí thành công lâu bền – vì thế – hiếm khi được đánh giá cao. Thế nhưng các cửa hiệu nhỏ, thương hiệu mang tính chất gia đình do cá nhân, cặp đôi, bạn bè, người thân… cùng làm hầu như là mô hình bền vững với các sản phẩm, dịch vụ xuất sắc, mang dấu ấn cá nhân…
Khi vợ chồng tôi mở một cửa hiệu cà phê, việc thuê nhân viên là cần thiết, tuy nhiên, chúng tôi xác định mô hình tốt nhất là quán là chỉ có một địa điểm duy nhất. Và tôi vẫn một mình trông coi nó suốt 15 năm, vẫn thu nhập tốt, rất yêu thích công việc mình làm.
Sách Truyền đạo chép: “Kìa, ta thấy rằng thật là tốt đẹp và thích đáng cho con người ăn, uống và vui hưởng mọi công lao mình làm ra dưới ánh mặt trời trọn đời sống mà Đức Chúa Trời ban cho; vì đó là phần con người được hưởng” (Truyền đạo 5:18). Không có gì xấu trong việc này.
Tôi không có ý chê bai nhữmg ai khao khát được làm việc với một doanh nghiệp luôn phát triển, tìm cách thăng tiến trong một công ty luôn thăng tiến. Tuy nhiên, bất kỳ ai dự định kinh doanh đều nên cân nhắc cách tiếp cận, biết mục tiêu cuối cùng của mình là gì, là kiếm càng nhiều tiền càng tốt, cung cấp việc làm cho càng nhiều người càng tốt, một thời gian sau bán lại doanh nghiệp cho một tập đoàn lớn?… Hay chỉ muốn một cuộc sống tốt đẹp, càng ít lo lắng, căng thẳng càng tốt?
“Hãy phục vụ với nhiệt tâm như phục vụ Chúa, chứ không phải phục vụ người ta” (Ê-phê-sô 6:7)
Câu hỏi suy ngẫm/thảo luận
1. Bạn đang điều hành một doanh nghiệp nhỏ, hay bạn từng mong muốn có? Nếu có, mục tiêu của bạn là?
2. Theo bạn, ưu và nhược điểm của việc làm chủ doanh nghiệp nhỏ, so với làm lãnh đạo một công ty lớn?
3. Theo bạn, tại sao nhiều người nhìn nhận thành công trong kinh doanh phải là các con số: doanh số bán hàng, số lượng nhân viên, lĩnh vực, thị phần? Bạn có nghĩ không đạt những điều này là thất bại? Tại sao?
4. Truyền đạo 5:18 nói hãy “thỏa lòng trong công việc”. Bạn nghĩ thế nào về một người coi thành công đơn giản là tận hưởng công việc mình đang làm? Theo bạn, lời Chúa phù hợp với điều nào?
Jim Mathis
[Nhà văn, nhiếp ảnh gia, chủ doanh nghiệp nhỏ ở Overland Park, Kansas, Mỹ. Sách mới của ông ‘Con lạc đà & cây kim – Cơ đốc nhân nhìn vào sự giàu có & tiền bạc’; ông từng quản lý quán cà phê, Giám đốc điều hành của CBMC ở Kansas & Missouri]
(Nguồn: CBMC International // Thảo Phạm lược dịch // Ảnh: Pixabay // Xem thêm: Châm ngôn 10:4-5, 12:11,24, 16:26, 22:29; I Cô-rinh-tô 3:9; Cô-lô-se 3:17,23-24)