Công việc hiện tại có đang đúng điểm mạnh của bạn? Nếu không, cả hiệu suất lẫn động lực làm việc của bạn sẽ bị ảnh hưởng.
Ngược lại, khi tài năng và sở thích bạn phù hợp với công việc, hẳn bạn sẽ tự tin, chuyên môn vững chắc, tinh thần đầy nhiệt huyết, sẵn sàng, nhờ đó sự nghiệp bạn sẽ nhanh chóng tiến lên.
Điểm mạnh trong công việc thường được xác định như làm việc nhóm, giải quyết vấn đề hoặc lãnh đạo và kiến thức bản thân. Hiểu mình chính là công cụ mạnh mẽ giúp bạn áp dụng điểm mạnh vào nhiều lĩnh vực khác nhau, hoàn thành xuất sắc chuyên môn, trở thành nhà lãnh đạo hiệu quả.
Nếu muốn thăng tiến trong sự nghiệp, hãy dành thời gian đánh giá và tận dụng thế mạnh của mình – một trong số yếu tố quan trọng bạn cần cân nhắc trước khi bắt tay vào hành động. Dưới đây là 5 mẹo giúp bạn có thể tự đánh giá và áp dụng những điểm mạnh vào công việc.
1. Lắng nghe người khác nói
Mọi người thường khen bạn kỹ năng nào? Người khác có thể nhìn thấy điểm mạnh mà bạn không thấy. Ví dụ nếu bạn thường nhận phản hồi tích cực về kỹ năng lắng nghe, sáng tạo, lên kế hoạch chi tiết… hãy lắng nghe và ghi nhớ những điều đó. Bạn có thể nhờ đồng nghiệp dành ra vài phút để nói xem họ thấy điểm mạnh của bạn là gì? Sau đó tự hỏi bản thân liệu những nhận xét đó đúng hay không.
Nhận thức và áp dụng điểm mạnh của bản thân trong công việc thể hiện dưới nhiều hình thức. Ví dụ trung thực liệu có thể được xem là điểm mạnh? Nếu có, nó biểu hiện thế nào? Một tình huống có thể trung thực có thể kể đến là khi bạn tư vấn đầu tư cho khách, thay vì cố gắng tô vẽ thành quả, bạn thẳng thắn chia sẻ rằng ngân sách của khách không đủ, để họ có thể cân nhắc mở rộng, bạn sẽ được khách tin tưởng, nhận được nhiều dự án hơn trong tương lai.
2. Tập trung vào những gì bạn yêu thích
Nếu có một điều ước cho quãng đời làm việc của mình, bạn chọn điều gì? Đây có thể là một câu hỏi viễn vông, nhưng hiệu quả trong việc xác định đâu là ước mơ thật của bạn. Việc gì bạn thích làm trong và ngoài giờ làm việc? Nếu thích viết lách nhưng chưa có cơ hội, hãy thử tìm hiểu các bộ phận nội dung, marketing… Nếu bạn hướng ngoại, thích nói về sản phẩm, hãy tìm kiếm cơ hội tại bộ phận sale, kinh doanh… Biết năng khiếu và đam mê của mình nằm ở đâu rất cần trong việc phát huy thế mạnh.
3. Trạng thái của bạn sau khi hoàn thành công việc
Sau một ngày làm việc, bạn có thể dành thời gian ngẫm lại xem mình đã trải qua những việc gì, cung bậc cảm xúc ra sao… Bạn thích các cuộc họp nhóm hay việc viết báo cáo? Nhiệm vụ nào khiến bạn tập trung đến nỗi không chú ý đến thời gian? Nếu việc họp nhóm khiến bạn hứng thú, rất có thể bạn có năng khiếu thuyết trình, lập kế hoạch, hãy thử cân nhắc về bộ phận kinh doanh?
4. Phong cách giao tế của bạn
Biết được loại quan hệ nào mang lại điều tốt nhất cho bạn, và loại nào khó khăn đối với bạn… sẽ giúp định hướng đâu là thế mạnh. Nếu bạn là người linh hoạt trong việc xã giao, có thể tiếp nhận các cuộc hội thoại chưa chuẩn bị… có thể điểm mạnh của bạn là khả năng thuyết phục, rất thích hợp cho những việc liên quan tới mua bán hoặc hòa giải.
5. Tối đa hóa kiến thức chuyên môn
Nhiều ứng viên thường đưa ra các thông tin khái quát về bản thân như: “Tôi hòa đồng, thân thiện”, “Tôi nhiệt huyết”… – những đức tính tuyệt vời, nhưng bạn sẽ càng nổi bật nếu cung cấp nhiều thông tin cụ thể hơn. Hãy nói với nhà tuyển dụng rằng bạn là chuyên gia lên kế hoạch, hoặc có khả năng xây dựng lịch trình dự án, ước tính chính xác rủi ro cho công ty…
Bạn có kinh nghiệm trong lĩnh vực marketing, nhưng lại hào hứng với vị trí SEO. Đây cũng là kỹ năng độc đáo mà nếu thành thạo, bạn có thể tiến xa hơn trong công việc. Tối đa hóa kiến thức chuyên môn không chỉ giúp cho sự nghiệp, mà còn giúp giá trị của bạn đối với bộ phận, với công ty trở nên quan trọng hơn.
Đối với Cơ đốc nhân, Lời Chúa trong sách Gia-cơ 1:17 cho biết “Mọi ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao”. Các thế mạnh của bạn cũng vậy, Đức Chúa Trời không chỉ tạo ra bạn, mà còn ban cho bạn vô số ân tứ thiêng liêng. Nếu nhờ cậy Chúa và kiên nhẫn, bạn sẽ không làm tốt hơn trong việc mà còn vượt trội, xuất sắc, dẫn đầu!
Muối & Ánh sáng
(Nguồn: Cafebiz; Ảnh: Unsplash)