Theo số liệu thống kế từ Bloomberg, cứ 10 dự án khởi nghiệp (Start-up), thì hết 8 dự án thất bại trong năm đầu tiên (ở Việt Nam tỷ lệ có thể cao hơn). Nguyên nhân thì nhiều, nhưng tựu trung do thiếu chuẩn bị, thiếu năng lực về tài chính, nhân sự… Vậy, để hợp tác kinh doanh xuôi chèo mát mái, chúng ta cần gì?
1. Xác định tiềm năng tài chính của mình và đối tác
Việc xác định tiềm lực tài chính của cộng sự củng cố mức độ an toàn cho dự án. Trong kinh doanh, tiền nong chính là thước đo chủ đạo để xác định tiềm năng một doanh nghiệp (DN). Làm kinh doanh mà chỉ có… cái miệng, túi thưa tiền thì cần xem lại; trừ khi người đó có cực giỏi (nhưng mà cực kỳ giỏi tại sao không có tiền?!)
2. Xác định thế mạnh của mình và đối tác
DN mới thành lập thường có nhiều khiếm khuyết về nhân sự và khả năng quản lý. Do đó, việc xác định thế mạnh của mỗi bên sẽ rất có ích khi phân chia nhiệm vụ trong cả tiến trình dự án. Tốt nhất đừng dẫm chân lên nhau. Bạn giỏi mảng A, hãy hợp tác với người giỏi mảng B hoặc C. Tránh kiểu hợp tác cho vui, hay bản thân giỏi marketing lại rủ thêm ‘500 anh em marketing’ vào làm chung cho khí thế!
3. Xác định thị trường
Nguyên nhân đầu tiên khiến các dự án kinh doanh thất bại, đó chính là xác định sai thị trường (theo CB Insight). Giả sử bạn làm nghề tư vấn bất động sản, thấy có miếng đất ở khu X ngon lắm. Thế là bạn rủ Tèo góp vốn. May là Tèo có mối quan hệ rộng, nên biết 2 năm nữa khu này quy hoạch… Vậy dự án đó nếu “không Tèo đố mày làm nên” => Cần ưu tiên hợp tác với người có chuyên môn khác mình, có mối quan hệ rộng, đụng vào lĩnh vực nào cũng có ‘mối’ tìm hiểu, mở rộng…
4. Xác định mục tiêu đạt được khi hợp tác kinh doanh
Bạn muốn đạt được gì khi hợp tác kinh doanh? Tiền? Mối quan hệ? Bổ sung kiến thức?… Câu hỏi then chốt này bị rất nhiều bạn bỏ quên, hợp tác mà sợ mất lòng, cứ thế ‘nhắm mắt đưa chân thì thất bại là hiển nhiên. Ngoài ra, bạn không thể thành công nếu chỉ làm điều mình thích hoặc theo cảm tính. Một DN thành công luôn vận hành, hướng đến mục tiêu cụ thể. Bạn không thể đầu từ 200 triệu mở quán ăn chỉ vì bạn thích nấu ăn, hoặc vì đối tác đề nghị như vậy.
5. Tìm hiểu đối tác trong 1 năm
Điều này rất quan trọng. Đừng hợp tác với người nào nếu bạn biết họ dưới 1 năm. Hợp tác cần chuẩn bị, vì mối quan hệ lâu dài chứ không phải ăn xổi ở thì. Trước khi hợp tác với bất kỳ ai, cần tiếp xúc với người đó ít nhất 1 năm; xấu hay tốt đều sẽ ‘hiện hình’ sau ít nhất 1 năm đó.
Vì vậy bước đầu kinh doanh cứ một mình mà chiến; rồi ngó nghiêng xem ai phù hợp thì cho họ vào ‘danh sách quan sát’, chủ động tiếp xúc… cho đến khi cảm thấy thực sự phù hợp thì ngỏ lời.
6. Tìm hiểu những người xung quanh đối tác
Có câu “Hãy nói tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ nói anh biết anh là người thế nào”. Bạn gặp một người hoàn hảo để hợp tác. Người đó khoe có tiền, có chuyên môn, có mối quan hệ… nhưng lại thấy quanh họ toàn bạn bè thất nghiệp, chơi bời, đa cấp… Tìm hiểu các mối quan hệ của một người là cách tham chiếu chính xác nhất tính cách người đó; với việc tìm đối tác hợp tác kinh doanh thì câu trên càng chính xác.
7. Hợp tác kinh doanh với bạn bè. Nên – không nên?
Đây chính là một trong số lý do dẫn đến thất bại nhiều nhất đối với các DN. Bạn có thể tiền mất, tật mang chỉ vì tin tưởng vào bạn thân. Nên câu trả lời cho đa số các trường hợp là: NO. Nhìn chung, tình cảm ảnh hưởng rất nhiều đến các quyết định. Nhưng như vậy không có nghĩa bạn quá cứng nhắc, cứ dính tới bạn bè là… đóng cửa.
Bạn cũng có thể cho bạn bè vào “danh sách quan sát” 1 năm như các đối tác khác (bạn bè dễ tìm hiểu hơn người lạ). Trong 1 năm đó, hãy quan sát thái độ làm việc của họ, có nợ nần, nhậu nhẹt; có uy tín và đáng tin cậy không?
8. Tính toán kỹ lưỡng, dám đối diện sự thật
Nhà sản xuất Roberto Orci khuyên: bạn chỉ nên hợp tác khi xác định sự hợp tác đó sẽ mang lại kết quả 1+1=3. Là sao?
Việc hợp tác phải được tính toán kỹ lưỡng và mang lại giá trị nhiều hơn tổng ban đầu thì mới ý nghĩa. Nghĩa là đừng hợp tác với người có nguy cơ kìm hãm sự phát triển. Ví dụ bạn hiểu kỹ dự án và cần tiền, bèn hợp tác với người có tiền nhưng chả hiểu gì về dự án. Vì chi tiền, nên họ đòi hỏi bạn thay đổi kế hoạch… Trường hợp này nên chia tay, vì họ chắc chắn sẽ kìm hãm hướng đi và sự phát triển chung.
9. Miễn cưỡng là mở đầu của hợp tác thất bại
Khi hợp tác, sự thoải mái trong quan hệ đôi bên chính là chìa khóa dẫn đến thành công. Nếu bạn không hợp với người kia, hoặc chỉ vì cả nể mà đặt bút ký hợp đồng, thì thất bại chỉ còn là vấn đề thời gian. Có thể xem hợp tác như… kết hôn. Phải tự nguyện, không miễn cưỡng vì miễn cưỡng không hạnh phúc!
10. Thảo luận kỹ lưỡng kế hoạch trước khi ký hợp đồng
Đừng ký trên bàn cà phê, trong quán karaoke, quán ăn… tức trong phút ngẫu hứng. Dù bất cứ lĩnh vực nào, bạn cũng cần thảo luận kỹ lưỡng trước khi ký kết. Rất nhiều dự án đã phá sản trong 18 tháng đầu chỉ vì chuẩn bị sơ sài, thậm chí ký kết, giao kèo trong phút bốc đồng, ngẫu hứng.
11. ‘Thích’ thôi chưa đủ, còn phải ‘Tin tưởng’
Jack Canfield – đồng sáng lập thương hiệu ‘Chicken Soup for the Soul’: “Hai tiêu chí chọn đối tác: 1. Tôi phải thích và tin tưởng họ; 2. Họ phải có những thứ tôi không có”. Ông nói nếu cảm thấy đối phương không đáng tin, hãy lập tức từ chối hợp tác.
(Nguồn: Kinh Doanh Blog)
Muối & Ánh sáng:
Đối với con dân Chúa, đức công bình, thanh liêm, chính trực là điều Đức Chúa Trời dạy và Kinh Thánh đề cao, khuyến khích:
“Lạy Đức Giê-hô-va, xin biện minh cho con, vì con đã bước đi trong sự liêm chính; con tin cậy Đức Giê-hô-va, không hề nao núng.
Đức Giê-hô-va ôi! Xin tra xét và thử thách con, dò xét lòng dạ và tâm trí con. Vì sự nhân từ Chúa ở trước mặt con, và con luôn đi theo chân lý của Ngài.
Con không ngồi chung với kẻ dối trá, cũng chẳng giao du với bọn đạo đức giả. Con ghét bọn làm ác, chẳng chịu ngồi chung với kẻ gian tà” (Thi thiên 26:1-5)
(Ảnh: Unsplash)