Bà Magda Marzec – Mục sư Hội Thánh thành phố Kraków cùng chồng – ông Zbigniew – cho biết điều bất ngờ đang xảy ra ở Ba Lan sau khi Nga xâm lược Ukraine.
Bà Magda nói với trang Muối & Ánh sáng Singapore qua Zoom từ Kraków – thành phố lớn thứ 2 ở Ba Lan – “Một sự đoàn kết kỳ diệu đã xảy ra không chỉ giữa các Hội Thánh mà trên khắp đất nước Ba Lan và hơn thế nữa!” – bà tiếp – “Điều này cho thấy khi đối diện với khủng hoảng kinh hoàng, con dân Chúa đã thể hiện vai trò của mình: đoàn kết giúp đỡ người khác”.
“Hiện chính phủ, chính quyền địa phương, các tổ chức phi chính phủ cùng Hội Thánh Chúa đang mở các cơ sở tị nạn, thay luật để người dân Ukraine có được việc làm nhanh chóng. Thật ngạc nhiên về những gì xảy ra trên đất nước Ba Lan, đặc biệt là về mặt chính trị vì trước đây chúng tôi khá chia rẽ” – Mục sư tiếp.
Không chỉ các nhà chức trách bắt tay vào hành động, thường dân Ba Lan cũng đã và đang đẩy mạnh việc giúp đỡ, nhiều người dùng ô-tô riêng chở người tị nạn, mở rộng cửa nhà mình tiếp đón khách…
“Có cả bản đồ cập nhật các nơi ở mới của người tị nạn trên Google Map” – Mục sư Magda thêm – “Người người xếp hàng hiến máu cho người tị nạn, thậm chí Hội Chữ thập đỏ phải nói: “Đủ rồi. Chúng ta cần nghỉ ngơi thôi!” – thật tuyệt! “Cả thế giới đã đoàn kết giúp Ukraine, châu Âu cũng đang nỗ lực đưa ra các quyết định quan trọng. “Chúng ta có thể vượt lên trên cuộc khủng hoảng, đoàn kết giúp đỡ người khác, đồng thời tin cậy vào sự tể trị của Chúa”.
Cuộc chiến bất ngờ
Chỉ vài ngày sau khi Nga phát động tấn công (24/2/2022), người tị nạn Ukraine bắt đầu đổ vào Ba Lan bằng tàu hỏa, ô-tô hoặc đi bộ hàng chục cây số để đến biên giới trong điều kiện nhiệt độ thường xuống dưới 0°C, với các túi đồ gói ghém vội nặng trĩu trên vai… Cho đến nay, hàng trăm ngàn người Ukraine đã rời quê hương sang Ba Lan tị nạn. “Xe buýt cố gắng tìm cách đến biên giới đón người tị nạn nhanh nhất, hiện mất khoảng 3 ngày, trong khi thường chỉ mất 1 ngày lái xe” – Mục sư tiếp – “Không ai mong đợi một cuộc chiến tranh giữa thế kỷ 21 này, thế nhưng nó đã và đang xảy ra”.
Tương thân tương ái
Theo báo cáo, hiện tại cuộc chiến vẫn chưa biết khi nào kết thúc, hàng triệu người Ukraine đã di cư, Liên hợp quốc dự đoán sẽ có trên 4 triệu người (khoảng 10%) sẽ rời khỏi đất nước trong những tháng tiếp theo.
Do 2 nước có chung đường biên giới dài, nên Ba Lan là nơi đến gần nhất đối với người Ukraine. Nhiều năm lịch sử chung số phận chính trị đã khiến 2 quốc gia này có tinh thần tương trợ rất tốt đẹp. Ước tính đã có khoảng 1,8 triệu người tị nạn Ukraine hiện đang ở Ba Lan, tương đương dân số của thành phố lớn nhất đất nước – Warsaw.
Hội Thánh của Mục sư Magda có 170 thành viên thì có khoảng 40-50 người Ukraine, vì trước chiến tranh đã có khoảng 2 triệu người Ukraine sinh sống ở Ba Lan. “Hội Thánh đã giúp đỡ gia đình các tín hữu này nơi ở” – Mục sư nói – “Chúng tôi đã hợp tác với một Hội Thánh gần biên giới đón người tị nạn, cung cấp giấy tờ hợp lệ chứng nhận tình trạng của họ, giúp giải quyết các vấn đề pháp lý khác”. Được biết, các thành viên Hội Thánh thành phố Kraków đã lái xe khoảng 3 tiếng đi đón người tị nạn và đưa vào thành phố.
Giúp người ở lại
Ngoài việc giải cứu nhiều người thoát khỏi Ukraine, vợ chồng Mục sư Magda cũng đang giúp nhiều người quyết ở lại. “Không ai muốn rời bỏ đất nước mình. Đối với người ở lại, chúng tôi giúp đỡ tài chính, nhu yếu phẩm, túi ngủ, nệm, thực phẩm… Và cố gắng giữ liên lạc với họ nhiều nhất có thể, kiểm tra mỗi ngày, hướng dẫn họ cách sử dụng súng để tự bảo vệ mình” – Mục sư chia sẻ.
Sinh viên và trẻ mồ côi
Đây chỉ là bước đầu tiên trong hành trình dài. “Chúng tôi đang cố gắng mở rộng giúp đỡ về sau” – Mục sư tiếp – “Chúng tôi đưa các sinh viên đến từ Ấn Độ, châu Phi và khoảng 50-60 trẻ mồ côi ra khỏi Ukraine”.
Được biết, có khoảng 80.000 người Ukraine đã đến Ba Lan muốn được chuyển tiếp sang các nước khác.
“Không còn người thân, không có nơi nào để đi”
Đó là những người mà các thành viên Hội Thánh của Mục sư Magda đã đón về nhà họ. “Trong số đó có đứa bé mồ côi mới 5 tuổi” – Mục sư cho biết – và bà cũng liên lạc với một trung tâm nghỉ dưỡng, nơi có khả năng tiếp đón khoảng 250 người lạc, mất người thân.
Hội Thánh Mục sư Magda đã thu hút sự chú ý và hỗ trợ của mạng lưới các tổ chức Tin Lành thiện nguyện quốc tế. “Mục vụ Joyce Meyer cũng đã liên hệ với chúng tôi để hỗ trợ tiền bạc, vật dụng…”.
Cầu nguyện & hy vọng
Cần rất nhiều thứ chứ không chỉ vật chất, chỗ ở, thực phẩm, thuốc men… cho người tị nạn Ukraine. “Chiến tranh thật đáng sợ. Chỉ trong vài ngày, cuộc sống họ bị xé toạc. Nhiều gia đình phải bỏ lại chồng, cha, con, anh em… có gia đình chạy trốn suốt nhiều ngày không có thức ăn; nhiều người bị mất liên lạc, không biết liệu có còn sống… Nhiều người bị ám ảnh vì chứng kiến bạo lực chưa từng thấy. Cuộc hành trình rời bỏ đất nước của họ thật khó khăn… Vì vậy, chúng tôi kêu gọi những người Ukraine ở Ba Lan trò chuyện với họ trước, sau đó cầu nguyện cho họ…”.
Mục sư Magda sắp xếp một nhà tâm lý để giúp những người tị nạn vừa được giải cứu. “Chúng tôi tổ chức các hoạt động cho thanh thiếu niên, mang đến cho họ các trò chơi giải trí để họ khuây khỏa. Trong 1-2 tuần nữa, khi họ cảm thấy an toàn hơn, chúng tôi sẽ nghĩ xem phải làm gì tiếp theo như giúp họ tìm việc để ổn định cuộc sống, tự trang trải… sợ họ rảnh sẽ suy nghĩ lung tung”.
Sự không chắc chắn lơ lửng trên đầu mọi người như đám mây đen. Không ai biết khi nào chiến tranh sẽ kết thúc và tiếp theo sẽ thế nào… “Hầu hết mọi người cho biết muốn trở về nhà ngay sau khi chiến tranh kết thúc; nhiều người im lặng khóc, không muốn trò chuyện” – Mục sư Magda tiếp – “Nhiều người giận dữ, nên chúng tôi phải liên tục nhắc rằng Chúa vĩ đại hơn hoàn cảnh, hơn tất cả, và Ngài vẫn đang tể trị, Ngài yêu thương tất cả mọi người… nhưng cũng thật khó khăn. Vì đối với nhiều người, niềm tin của họ đã bị lung lay. Chúng tôi đang nghĩ cách tổ chức nhóm lại trong các trung tâm tị nạn, giúp họ tập trung hơn vào Chúa để có được bình an, hy vọng”.
Thảo Phạm lược dịch
(Nguồn: Salt & Light Singapore; Ảnh: CNN, AP, Today Show, BI, The Economist, CBS, Today, CNBC)