Muoivaanhsang.vn – Hội Thánh được xây khang trang cách đây chừng 7 năm, trên mảnh đất gia đình ông bà Mục sư Quản nhiệm Khê Khoảnh, hiện có hơn 50 con cái Chúa trung tín nhóm lại hàng tuần…
Trước đó, khoảng năm 1992, Hội Thánh được thành lập, cho đến nay gần 30 năm trôi qua – khoảng thời gian cũng gần như là lịch sử của Hội Thánh người Chăm Ninh Thuận. Có thể tạm chia thành 4 giai đoạn với nhiều thăng trầm sau:
Trước năm 1975, cả Ninh Thuận chỉ vài người Chăm tin Chúa nhưng hầu như không để lại dấu ấn gì.
Mãi đến năm 1991, cộng đồng bỗng có thêm… 1 người tin Chúa, rồi 7-8 người, rồi Chúa thăm viếng, số lượng tăng lên hàng trăm người.
Khoảng từ 1994 đến 2001, gặp bắt bớ khá ‘gắt’, nên nhiều tín hữu nản lòng, bỏ cuộc, rụng rơi.
Khi mọi thứ dần lắng xuống, Hội Thánh bắt đầu được gây dựng lại cho đến nay.
“Nếu nói biết Hội Thánh người Chăm mà không biết Mục sư Khoảnh thì coi như chưa biết rồi!” – ông đùa – rồi thoáng buồn khi cho biết số lượng Hội Thánh và Điểm nhóm của người Chăm còn quá ít ỏi, với chỉ khoảng 0,2% người Chăm Ninh Thuận tin nhận Chúa.
Được biết người Chăm hầu hết theo tôn giáo truyền thống với rất nhiều tập tục, lễ nghi, thờ cúng… Vì thế để có thêm 1 người tin nhận Chúa là điều chẳng dễ dàng, và rồi chăm sóc để họ đứng vững càng khó hơn. “Cứ mỗi chiều nhậu nhẹt say sưa xong nhiều người đến nhà mình quậy phá, chửi bới… ‘Bỏ đạo này đi! Đạo này lạ lắm!’ – Mục sư Khoảnh nhớ lại.
Không riêng gia đình Mục sư mà bất kỳ ai tin nhận Chúa đều bị bắt bớ dữ dội từ nhiều phía: gia tộc, dòng họ, cộng đồng… “Dầu vậy, Chúa vẫn yêu quý, gìn giữ, chăm sóc Hội Thánh – thân thể Ngài. Hàng chục người lúc trước chuyên đi bắt bớ Hội Thánh, thì nay đã 6 người tin nhận Chúa rồi!” – ông cười vui.
Cho đến nay cộng đồng người Chăm Ninh Thuận hiện nay ngoài Hội Thánh còn có thêm vài Điểm nhóm lớn nhỏ. “Đó là bởi lòng yêu mến, tin cậy, dám bước đi với Chúa mà Hội Thánh có được ngày hôm nay” – Mục sư Khoảnh bày tỏ.
Thế nhưng, như hầu hết Hội Thánh ở các vùng quê, Hội Thánh Độc Lập cũng bị ‘chảy máu nhân sự’, khi đa số thanh niên đã phải vào thành phố học tập, làm ăn sinh sống. Thiếu nhân sự đến nỗi lớp thiếu nhi hơn 40 em chỉ được học Lời Chúa mỗi tháng 1 lần, Hội Thánh đã phải nhờ một nhân sự tận Sài Gòn, vượt chặng đường hơn 300 cây số đến dạy.
Cần nhiều lắm nhân lực, tài lực, đặc biệt cần lời cầu nguyện của quý con dân Chúa khắp nơi, để Hội Thánh người Chăm Ninh Thuận nói riêng, của đồng bào sắc tộc cả nước nói chung được phát triển.
Bài & ảnh: Hoàn Nguyện