Suốt cuộc điện thoại, câu chuyện cũng quanh đi quẩn lại việc hỏi thăm sức khỏe các thành viên gia đình, Hội Thánh, việc làm và dĩ nhiên không thể thiếu những câu chuyện về mức độ kinh hoàng của cơn đại dịch covid-19 đang diễn ra ở Sài Gòn.
Dù muốn dù không, tôi cũng phải chia sẻ cho em ấy tin tức những người thân quen đã bị dương tính, nhiều người đã chiến thắng trở về với gia đình, nhưng cũng không ít người đã chia tay cuộc đời này.
Tôi đã được cảnh báo nhiều lần về việc chú ý chăm sóc sức khỏe của mình và các thành viên trong gia đình từ trước, trong và sau cơn đại dịch, tự nghĩ bao khó khăn công việc, cuộc sống… mình còn vượt qua được, tầm này thì ráng tí là qua thôi.
Nhưng đời không như là mơ các bạn à, giữa tháng 7 – tức khoảng ngày thứ 40 được nghỉ ở nhà, tôi khám phá ra rằng: “À, thì ra có những người dương tính với covid, còn tôi lại ‘dương tính’ với khủng hoảng tinh thần”. Không hẳn là trầm cảm, nhưng lo sợ đến bất chợt với tôi. Tôi hay nghĩ mông lung về tương lai mình và cửa hàng, tôi nghi ngờ quyền năng tể trị của Chúa trên mọi vật. Tôi tự hỏi trên thế giới các nhà khoa học đang chuyên tâm chế tạo vắc-xin và các loại thuốc để chữa covid và những bệnh tật về thể xác, nhưng ai có thể chữa lành vết thương tinh thần cho những người như tôi trong đại dịch?
Rồi tôi có cơ hội được tham gia chương trình ‘Hội ngội gia đình Way To Success’ của dự án ‘Way to Success 2021’, có một bài chia sẻ đã thu hút tôi: ‘Kiên định vượt qua khủng hoảng’ của chị Phạm Mỹ Linh – Giám đốc điều hành SEED Vietnam. Lần đầu tiên tôi khám phá về định nghĩa thế giới VUCA – một thế giới đầy biến động, bấp bênh, quá nhiều thay đổi mà chúng ta không thích ứng kịp, và đó cũng chính là thế giới tôi đang sống.
Nhiều lý do được nhắc đến như thiếu hụt tài chính, thiếu hụt kiến thức về bệnh tật, cô đơn, tin tức tiêu cực… tràn lan trên mạng xã hội dễ khiến con người rơi vào bối rối, trầm cảm. Nhưng một lần nữa tôi được đụng chạm bởi gương Sứ đồ Phao-lô – người có mục đích sống rõ ràng, kiên định theo đuổi mục đích trong suốt cuộc đời phục vụ Chúa. Tôi vô cùng ấn tượng về việc có một ‘mô hình’ để xây dựng sự kiên định. Người có mục đích cuộc đời rõ ràng thì dễ dàng xây dựng sự kiên định vượt qua khủng hoảng.
Bắt đầu từ việc chậm rãi viết ra mục đích sống của mình. Trong ‘mô hình’ xây dựng sự kiên định có 4 yếu tố tác động trực tiếp đến mục đích sống của chúng ta: Sự giúp đỡ, Thích nghi, Tâm trí, Thể chất – là điều không thể thiếu trong cơn đại dịch này. Đồng thời là cơ hội thực hành sự nhân từ một cách thực tế nhất.
Từ trước đến nay, thích nghi là quy luật tự nhiên của cuộc sống, trước khi đại dịch xảy ra ta vẫn có thể được chọn làm hay không. Nhưng giờ thích nghi đã không còn là lựa chọn, mà trở thành ‘ép buộc’. Thay vì cứ mãi bối rối, băn khoăn sao ta không tận dụng thời gian này để nâng cấp, phát triển bản thân, ưu tiên xây dựng mối quan hệ mật thiết với Chúa.
Trong 3 tháng qua, cơ thể bạn đang trở lên khỏe mạnh hay rệu rã hơn? Các bạn có biết thể chất cũng là yếu tố quan trọng giúp chúng ta xây dựng sự kiên cường. Luyện tập, ăn uống đúng cách, ngủ đủ giấc khiến ta có thể chất khỏe mạnh và ý chí kiên cường. Mảnh ghép cuối cùng của mô hình trên chính là xây dựng cho mình một tâm trí khỏe mạnh.
Để có tâm trí khỏe mạnh, đó là quá trình cố gắng để tâm trí mình trở nên giống với tâm trí Đấng Christ – Ngài luôn muốn làm đẹp lòng Cha trên trời. Nhìn lại bản thân, có những khía cạnh tôi đã làm tốt, nhưng cũng có những việc tôi cần chú tâm nhiều hơn. Dĩ nhiên, khi “dương tính với khủng hoảng” thì không thể hết ngay, liều vắc-xin bây giờ chính là nhìn lại và xác định mục đích sống của bạn là gì, và xây dựng 4 yếu tố trên dựa theo lời Chúa.
Cuộc chiến hãy còn dài, nhưng kiên cường để vượt qua khủng hoảng là điều bạn có thể tập tành và làm theo bắt đầu từ hôm nay. Tặng bạn câu Kinh Thánh mà tôi rất thích: “Nhưng tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau mà bươn theo sự đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-xu Christ” (Phi-lip 3:14). Amen. Muốn thật hết lòng.
Trần Ngọc Phương Uyên
(Ảnh 2,3: Unsplash)