Thật ngạc nhiên khi có thể tập hợp các giám đốc điều hành cấp cao như vậy ở cùng một nơi, đặc biệt xét đến phạm vi trách nhiệm và tầm ảnh hưởng của họ.
Nổi tiếng với những cuốn sách Trải nghiệm về Chúa và nghiên cứu Kinh Thánh, Tiến sĩ Blackaby đã trực tiếp thử thách các cá nhân này. Ông khuyên mỗi người hãy cố gắng sắp xếp, lên kế hoạch cho điều mà ông gọi là “thời gian nhàn nhã với Chúa” – cả về phương diện học Kinh Thánh và cầu nguyện.
Bạn có thể tưởng tượng có bao nhiêu người trong số họ đáp ứng? Một CEO sau khi nghe đề xuất đã nói: “Henry, chuyện này là không thể. Anh không biết chúng tôi bận rộn thế nào đâu”. Tiến sĩ Blackaby trả lời: “Chà! Bạn không biết mình sẽ gặp ai à? Nếu làm thế, bạn sẽ có thời gian”.
Ba tháng sau, vị CEO đó liên lạc lại với Tiến sĩ Blackaby về thử thách này. Anh nói sau khi quyết tâm dành thời gian hàng ngày với Chúa, anh phát hiện ra những ngày của anh kết quả hơn bao giờ hết!
Vị giám đốc điều hành này không phải là người đầu tiên biết về những lợi ích tích cực, cụ thể của việc dành thời gian cố định với Chúa trong việc nghiên cứu Kinh Thánh và cầu nguyện. Martin Luther từng nói: “Càng ít cầu nguyện, tôi càng gặp khó khăn hơn. Càng cầu nguyện, mọi việc càng tốt đẹp hơn”.
Ông đưa ra một nhận xét trung thực nhưng đầy nghịch lý này: “Nếu tôi không dành 2 giờ để cầu nguyện mỗi sáng, ma quỷ sẽ chiến thắng cả ngày. Tôi có quá nhiều việc, nên không thể làm hết nếu không dành 3 giờ mỗi ngày để cầu nguyện!”.
Thi Thiên 138:4 tuyên bố: “CHÚA ôi, tất cả các vua trên đất sẽ cảm tạ Ngài, khi họ được nghe những lời từ miệng Ngài phán dạy”. Đức Chúa Trời xứng đáng với thời gian chân thành, nhàn nhã của ta, bất kể địa vị của ta ở nơi làm việc thế nào. Ngoài ra, còn có những lợi ích thiết thực mà ta có thể nhận được từ việc này. Đây chỉ là một vài trong số đó:
Ta có được quan điểm đúng đắn:
Đối diện với nhiều áp lực, thời hạn và yêu cầu, cùng với nhiều thông điệp mâu thuẫn đến từ nền văn hóa của mình, ta rất dễ mất tập trung vào những gì đúng đắn, phù hợp. Dành thời gian nhàn nhã với Chúa, đặc biệt là đầu ngày, nhắc nhở ta về điều gì là quan trọng, và cuối cùng ta đang cố gắng phục vụ ai qua công việc của mình. “Khi Ngài phán ‘Hãy tìm kiếm mặt Ta’, lòng con đáp lại: CHÚA ôi, con sẽ tìm kiếm mặt Ngài” (Thi Thiên 27:8)
Có được sự khôn ngoan mình cần:
Nhiều vấn đề ta gặp phải trong ngày, đặc biệt những vấn đề ta không lường trước không chỉ đòi hỏi kiến thức, mà còn cả trí tuệ để xử lý đúng cách. Ta có thể nhận được những gì mình cần từ Chúa. “Vì Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn ngoan, sự hiểu biết và thông sáng từ miệng Ngài mà ra” (Châm ngôn 2:6)
Có được sức mạnh của Chúa:
Thật dễ để tận hưởng một ngày bằng sức mạnh của chính mình, tự tin rằng ta có thể xử lý mọi tình huống. Tuy nhiên, thường thì ta không thể. Nhưng qua thời gian bên Chúa, ta có thể nhận được sức mạnh và sự hướng dẫn của Ngài. “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng Christ thêm sức cho tôi” (Phi-líp 4:13)
Câu hỏi suy ngẫm/thảo luận
1. Bạn sẽ trả lời thế nào nếu có người hỏi bạn có thường xuyên dành “thời gian rảnh rỗi cho Chúa” không? Điều này có ý nghĩa gì với bạn, bạn nghĩ việc thực hiện nó một cách thường xuyên, cố định dễ hay khó?
2. Bạn nghĩ gì về 2 câu nói của Martin Luther, rằng càng cầu nguyện chăm chỉ, mỗi ngày càng tốt đẹp hơn cho ông? Có phải liều lĩnh khi nói nhu cầu lớn thì việc dành thời gian cho Chúa càng lớn hơn? Giải thich câu trả lời của bạn?
3. Nghĩ đến việc quyết tâm dành thời gian cho Chúa, bạn gặp phải những thử thách, khó khăn nào khi cố gắng thực hiện?
4. Bạn nghĩ việc dành thời gian với Chúa có thể cho ta cái nhìn tốt hơn về cơ hội hay trở ngại mà ta gặp phải trong một ngày nơi làm việc theo cách nào?
Rick Boxx
(Nguồn: CBMC International | Khương An lược dịch | Ảnh: Pixabay
Xem thêm: Châm ngôn 1:7, 3:13-15, 12:8, 16:21; Cô-lô-se 3:17,23; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:16-18)
THÁCH THỨC
Những ý định tốt sẽ ít giá trị nếu ta không theo đuổi và nỗ lực thực hiện. Đôi khi cách tốt nhất để đảm bảo thực hiện được những gì ta dự định làm – chẳng hạn như dành thời gian cho Chúa – là có thêm một đối tác chịu trách nhiệm. Đây là người bạn tin tưởng, người quan tâm đến bạn, người sẽ nhắc nhở, khuyến khích bạn thực hiện những dự định của mình.
Hiện, bạn đang có một người như vậy để có thể đến, dựa vào, chịu trách nhiệm với bạn không? Nếu vậy, hãy chia sẻ mong muốn này với người đó. Nếu không, hãy cầu xin Chúa gửi ai đó đến hỗ trợ bạn, cùng bạn chịu trách nhiệm.