Muoivaanhsang.vn – Theo thống kê Sở Du lịch TP HCM, ở khối lữ hành hiện có gần 90% doanh nghiệp phải ngưng hoạt động; số còn lại hoạt động cầm chừng, chủ yếu giải quyết các công việc tồn đọng.
Ở khối lưu trú, các khách sạn từ 3-5 sao đã cho nhân viên nghỉ việc không lương hoặc chấm dứt hợp đồng với số lượng lên tới 80%-90%. Đối với khách sạn 1-2 sao, nhân viên cũng lâm vào tình cảnh tương tự hoặc bị cho nghỉ hẳn.
Những con số trên đây được nêu ra trong bối cảnh tác động của đợt bùng phát dịch thứ hai lên nền kinh tế chưa được đánh giá đầy đủ. Một khi các số liệu mới hơn được cập nhật, tình hình được dự báo sẽ còn u ám hơn.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt, nói với BBC News Tiếng Việt: “Du lịch đang trên đà phấn khởi với một mùa hè hồi sinh thì dịch bùng phát trở lại, tất cả đều ngưng trệ. Trước đây công ty chúng tôi phải tất bật để đặt tour cho khách tới 12 giờ đêm thì bây giờ phải giải quyết yêu cầu dời tour, hủy tour cho khách tới 12 giờ đêm”.
* Doanh nghiệp ‘chỉ biết chịu trận’
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, thị trường du lịch ảm đạm đã khiến 137 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, tăng gần ba lần so với cùng kỳ. Nhiều lao động trong ngành du lịch rơi vào cảnh bị mất việc làm.
Khi kiểm soát được phần nào dịch bệnh, vào tháng 5/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhanh chóng phát động chương trình “Người VN đi du lịch VN” nhằm đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa. Chương trình này được các doanh nghiệp, hiệp hội, các địa phương hưởng ứng và đã có những dấu hiệu tích cực.
Cụ thể, Sở Du lịch Hà Nội cho biết trong tháng 7/2020, lượng khách đến thủ đô đạt gần 1,2 triệu lượt, tăng 51,2% so với tháng 6. Tính riêng Đà Nẵng, thông tin từ Sở Du lịch cho biết sau một tháng triển khai chương trình kích cầu du lịch “Danang Thank You”, tổng lượng khách du lịch đến thành phố trong tháng 6 ước đạt 454.764 lượt, tăng 85% với tháng 5.
Ngành du lịch VN đang đón những dấu hiệu hồi sinh tích cực thì làn sóng bùng phát dịch thứ hai xuất hiện ở Đà Nẵng, doanh nghiệp một lần nữa lao đao.
Ông Nguyễn Văn Mỹ chia sẻ: “Giữa lúc không ai nghĩ dịch sẽ trở lại thì xuất hiện đợt bùng phát mới, mà lần này nguy hiểm và nặng nề hơn. Đợt đầu số ca lây nhiễm chỉ tầm 300 ca, không có tử vong. Bây giờ số ca nhiễm đã hơn 800, người tử vong đã lên tới 14. Đây như cú knock-out không chỉ với ngành du lịch mà những ngành khác cũng điên đảo theo”.
“Cũng như hầu hết công ty du lịch khác, trước khi bùng phát dịch trở lại, tình hình tương đối khả quan. Dù chỉ một tháng nhưng lượng khách đăng ký rất đông cho đợt du lịch hè. Có ngày chúng tôi phải làm việc đến 12 giờ đêm để giải quyết yêu cầu đăng kí tour của khách. Đang trên đà phấn khởi thì dịch bùng phát, tất cả đều ngưng trệ”.
“Công ty rất vất vả để giải quyết hủy tour, dời tour vì ngay cả những vùng chưa công bố dịch, khách cũng yêu cầu công ty hoàn tiền nên chúng tôi phải giải quyết làm sao có tình có lý, đảm bảo quyền lợi khách hàng, của công ty và các đối tác. Đây không chỉ là khó khăn của công ty chúng tôi mà các công ty du lịch khác cũng gặp hoàn cảnh tương tự”, ông Mỹ nêu tình hình.
Bên cạnh đó, vị lãnh đạo Du lịch Lửa Việt cũng chia sẻ: “Một số đoàn vẫn đang tiếp tục khởi hành đến các vùng chưa có bệnh nhân lây nhiễm. Số khách này chúng tôi càng trân trọng, chăm chút thay lời cám ơn vì đã đồng hành với ngành du lịch trong điều kiện khó khăn”.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, ông Nguyễn Thế Khải, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Hoàn Mỹ, cho biết khách hàng sau khi nghe tin dịch bệnh diễn biến phức tạp đã “hủy tour hết trơn rồi, giờ chúng tôi cũng không biết làm sao”.
“Khách hàng lo lắng thì chúng tôi cũng không làm được gì, càng không dự đoán được vùng nào sẽ bùng dịch, vùng nào không. Hồi tháng 6 và tháng 7, người dân đi tour đông, cao trào là tháng 7, rất nhiều người ký hợp đồng tới tháng 9, tháng 10 nhưng dịch bùng phát lại một cái là họ hủy hết. Bây giờ chúng tôi chỉ biết chịu trận” – ông Khải nói.
Các doanh nghiệp du lịch còn bị ảnh hưởng nặng nề khi thị trường du lịch quốc tế vẫn đang “đóng băng”. Cụ thể, báo cáo của Tổng cục Du lịch cho biết do tác động của dịch Covid-19, trong 5 tháng đầu năm 2020, lượng khách quốc tế đến VN giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019.
* Khó khăn kéo dài tới năm 2021
Trong cuộc họp trực tuyến với Tổng cục Du lịch hôm 7/8, đại diện các cơ quan quản lý du lịch, doanh nhân đã đưa ra những con số cho thấy doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch đang cực kỳ khốn khó. Đây là những doanh nghiệp được cho là bị ảnh hưởng đầu tiên và phục hồi sau cùng trong cơn bão đại dịch cororna.
Theo đó, kết thúc quý I/2020, doanh thu của Du lịch Lửa Việt giảm hơn 60% so với năm ngoái. Chủ tịch công ty, ông Nguyễn Văn Mỹ, cho biết: “Hiện nay, diễn biến khôn lường nên chúng tôi không thể dự đoán được gì. Nếu làm tốt như kỳ vọng, hết tháng 8 dịch sẽ được khống chế thì từng bước hồi phục lại. Tuy nhiên, cái khó là khi đó đã hết hè, hết cao điểm của mùa du lịch nội địa. Cuối năm là mùa thấp điểm, chỉ hy vọng cầm cự thôi. Mọi chuyện tốt đẹp thì chúng tôi kỳ vọng vào dịp tết năm sau, tức từ năm 2021 trở đi mới tăng tốc lại.”
Là người làm trong ngành du lịch lâu năm, ông Mỹ nhận xét: “Khi hết dịch thì hết nguy hiểm về sức khỏe, nhưng nền kinh tế khi đó đã kiệt quệ. Người dân không còn tiền để đi chơi mà nhà nước không thể phát tiền cho dân đi chơi nên cái khó khăn vẫn còn trước mắt. Nhưng đây không chỉ riêng ngành du lịch, nên cần sự hợp lực của rất nhiều người. Chuyện sống còn của doanh nghiệp lúc này tùy thuộc vào bản lĩnh, cách ứng phó của từng doanh nghiệp”.
Riêng với công ty Du lịch Lửa Việt, ông đưa ra giải pháp: “Nhiệm vụ cấp bách trước mắt là giải quyết tồn đọng phát sinh do dịch bệnh bùng phát như yêu cầu hủy, dời tour của khách hàng và các đối tác một cách chuyên nghiệp. Thứ hai, chúng tôi tiếp tục rà soát để tinh giản bộ máy, giúp hoạt động hiệu quả hơn, tiết kiệm các loại chi phí để tiếp tục cầm cự. Thứ ba, huy động thêm nguồn lực từ các thành viên, kể cả đề nghị nhà nước cho giãn nợ và cho vay thêm”.
Ông Nguyễn Thế Khải cũng đề đạt: “Chúng tôi cần nhà nước hỗ trợ giảm thuế, hoặc chi thêm cho doanh nghiệp để trả lương cho nhân viên, chứ bây giờ tiền đâu mà những doanh nghiệp như chúng tôi trả tiền cho nhân viên. Tình hình này phải cho nghỉ tiếp thôi”.
Về phía công ty Du lịch Lửa Việt, ông Mỹ cho biết: “Trước khi dịch bùng phát, một số hướng dẫn viên du lịch đã nghỉ việc, hưởng trợ cấp xã hội. Công ty chỉ giữ lại những người nòng cốt. Tất cả các công ty đều có nhiều phương án đối phó cho tình huống khả quan nhất và xấu nhất nhưng làm sao để cùng chung tay chống dịch. Chúng tôi luôn tuần thủ những biện pháp phòng ngừa, không lơ là vì an toàn cho khách cũng là cho chính mình như giữ giãn cách cần thiết, đeo khẩu trang, xịt khuẩn. Đồng thời, chúng tôi cũng chuẩn bị phương án hậu dịch đợt hai như làm mới các tour cũ, tìm các tour mới, chuẩn bị sẵn những sản phẩm hấp dẫn hơn với khách hàng để một khi hết dịch có thể chào mời họ trở lại với du lịch”.
* Khó khăn kinh tế có thể gây bất ổn xã hội
Đại dịch covid kéo dài đã khiến nền kinh tế VN kiệt quệ. Điều này thấy rõ qua sức khỏe của các công ty, tập đoàn lớn, Vietnam Airlines là một ví dụ. Trong khi các chuyến bay quốc tế bị gián đoạn, hoạt động hàng không nội địa cũng giảm sút mạnh do ảnh hưởng của chính sách hạn chế đi lại để chống dịch cũng như người dân thận trọng hơn trong việc đi lại bằng máy bay.
Trong thông báo mới nhất, Vietnam Airlines đã công bố một loạt biện pháp cắt giảm chi phí, trong đó có việc giảm lương phi công hơn 52% so với năm ngoái, xuống bình quân 77 triệu đồng/tháng. Lương trung bình của tiếp viên, lao động mặt đất của Vietnam Airlines dự kiến cũng giảm lần lượt gần 48% và 44,5%, còn 13,8 triệu đồng/tháng.
Dù đã cắt giảm chi phí, hãng bay này vẫn phải đặt kế hoạch lỗ hợp nhất gần 15.200 tỉ đồng. Nửa đầu năm nay, Vietnam Airlines đã ghi nhận lợi nhuận hợp nhất âm hơn 6.600 tỉ đồng.
Trước tình hình khốn khó, lãnh đạo Vietnam Airlines đã nhiều lần cầu cứu chính phủ. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch covid gây khó khăn cho cả nền kinh tế, ngân sách quốc gia lại phải dồn cho chống dịch, chính phủ rất khó có thể triển khai các biện pháp đủ mạnh và đồng bộ để giải cứu doanh nghiệp.
Kinh tế đình trệ, đói nghèo và thất nghiệp tiếp tục gia tăng. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tỷ lệ thất nghiệp hiện đang cao nhất trong vòng 10 năm qua. Cụ thể, tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập hoặc đào tạo tăng lên đến 1,3 triệu người. Trong đó, Báo cáo của Chính phủ gửi Thường vụ Quốc hội cho thấy 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc.
Những con số trong các báo cáo không đủ sinh động để phản ánh sự khó khăn trong cuộc sống của người dân. Trong những ngày qua, báo chí ghi nhận hàng chục ngàn nhân viên làm việc tại các công ty du lịch hay các dịch vụ như nhà hàng, khách sạn bị thất nghiệp. Họ làm đủ ngành nghề để sống, từ giao hàng, buôn bán online, chạy xe ôm, một số ít tạm lánh về quê chờ qua đại dịch.
Khi dịch bệnh tạm lắng xuống, các dự báo khả quan về kinh tế đã xuất hiện. Nhưng với việc dịch bệnh bùng phát trở lại trong cộng đồng, các chuyên gia đánh giá “ngay cả mức tăng trưởng GDP 2,1% cũng là rất khó khăn”.
Khó khăn kinh tế sẽ dẫn tới những hệ lụy lớn cho xã hội, như đói nghèo, bất ổn. Đó chính là lý do khi đợt dịch thứ hai bùng phát, chính phủ VN đã thực hiện mục tiêu kép vừa dập dịch vừa bảo vệ nền kinh tế. Các biện pháp cách ly xã hội quyết liệt từng được triển khai triệt để trong đợt dịch thứ nhất, như chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, giờ chỉ được áp dụng tại một số điểm nóng dịch bệnh. Phần còn lại vẫn duy trì các hoạt động kinh tế, xã hội ở mức bình thường nhất có thể.
Bùi Thư
(BBC News Tiếng Việt; Ảnh: Unsplash)