Có thể bạn đang muốn thoát khỏi ‘thế giới có sếp’ trong vài ngày, và vờ rằng ông/bà/cô ấy không tồn tại, sau khi sếp ‘đì’, mắng, coi thường bạn?
Tôi đã từng trải qua 2 loại sếp. Một người điều hành công ty kiểu quân đội, kiểu như anh ta là một vị tướng với ý nghĩ có thể thúc đẩy mọi người làm việc, công ty phát triển bằng cách… quát tháo, mắng mỏ, thiết quân luật nhân viên. Nhưng điều này chỉ khiến mọi người thu mình lại, che giấu mọi biểu hiện cảm xúc, thậm chí không còn khả năng làm tốt công việc chứ chưa nói đến có thể làm tốt hơn!
Ông chủ còn lại tử tế, tốt bụng… tưởng chừng rất tuyệt vời. Thế nhưng anh ấy khéo che đậy, không nói thẳng mà cứ vòng vo. Anh có chuyên môn khá kém cỏi, nhưng lại giỏi khai thác tài năng của cấp dưới và nhận hết công lao về mình!
Sếp tệ, và hành động của chúng ta!?
1. Kiểm tra xem bạn có phải là vấn đề? Thật ra con người thường có xu hướng đổ lỗi thay vì ngược lại. Có người còn tin chắc mọi chuyện xảy ra trong công ty là do… sếp.
Thế nhưng, một trong những điều khiến Cơ đốc nhân khác biệt, đó chính là khả năng khiêm tốn thừa nhận tất cả đều là… tội nhân. Đơn giản vì tất cả đều là con người rất dễ mắc sai lầm và luôn cần ăn năn. Chúng ta thường mù mờ trước lỗi của mình, nhưng vì lòng kiêu hãnh, ta thường đổ cho người khác.
Bạn cần một người bạn, một người thân để nói thật về mình, về tình huống bạn va chạm với sếp. Hãy nhìn vào gương và thành thật về những gì bạn thấy: “Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình. Vì nếu người nào nghe lời mà không làm theo thì giống như người kia soi mặt mình trong gương, ngắm rồi bỏ đi và quên ngay mặt mình như thể nào. Nhưng người nào xem xét kỹ càng luật pháp toàn hảo nầy, là luật pháp đem lại sự tự do, và bền tâm suy xét, không phải chỉ nghe rồi quên đi, nhưng thực hành luật đó, thì sẽ được phước trong công việc mình” (Gia-cơ 1:22-25).
Sau khi thành thật nhận lỗi, ta có thể đối diện tốt hơn với sếp!
2. Không oán giận: Nếu sếp đối xử với bạn không tốt, hãy xem như hành vi đó không hẳn liên quan đến bạn, mà liên quan đến những gì họ đang đối diện, giải quyết. Không cay đắng, giận dữ, mất lòng tin… nhất là đem việc đó ‘tâm sự’ với nhân viên khác.
Những người tin Chúa, yêu Chúa cũng sẽ người khác, nhất là ‘yêu kẻ thù’ mình (Ma-thi-ơ 5:43-44), lấy đẹp thắng xấu, thiện thắng ác (Rô-ma 12:21). Tín đồ Đấng Christ có khả năng chịu đựng, cảm thông và yêu thương vô hạn. Họ ít có xu hướng “ngồi lê đôi mách, xen vào chuyện người khác, nói những điều không đáng nói” (I Ti-mô-thê 5:13), ngược lại, họ thường nói điều hữu ích, bất chấp tình hình có tệ thế nào (Ê-phê-sô 4:29).
Người chủ thực sự của ta là Chúa Jesus
3. Giúp sếp vượt qua khó khăn, khủng hoảng: Đôi khi, những ông chủ, bà chủ tệ rất cần được giúp đỡ để trở nên tốt hơn, vì rất có thể họ không biết như thế là tệ. Nếu cần, có thể xin một cuộc gặp riêng với sếp để hỏi cụ thể về những gì họ mong đợi ở bạn. Yêu cầu họ nói rõ, và bạn cũng hãy viết xuống, sau đó đưa cho sếp 1 bản. Thật khó để hoàn thành công việc, nhiệm vụ… nếu bạn không biết mình được mong đợi điều gì.
Khi biết mình phải làm gì, hãy làm việc đó cách xuất sắc (Châm ngôn 21:5). Tuy nhiên, hãy nhớ người chủ thực sự của bạn là Chúa Jesus để luôn làm việc một cách tốt nhất cho Ngài (Cô-lô-se 3:23-24).
Hãy để việc tốt của bạn như ngọn đèn hiệu nơi làm việc (Ma-thi-ơ 5:16). Tất nhiên điều này sẽ không đảm bảo sếp sẽ đánh giá, đối xử tốt, công bằng với bạn, nhưng ít nhất bạn sẽ làm tất cả những gì có thể để nâng cao chính bản thân mình.
4. Trở thành học trò của sếp: Điều gì khiến sếp bạn ấn tượng, phấn khích? Điều gì khiến sếp khó chịu? Điều gì khiến sếp căng thẳng, bực bội trút giận vào bạn hay các nhân viên khác? Bạn có thể giảm thiểu điều xấu, tăng cường mặt tốt, điều chỉnh kỳ vọng của nhau cho phù hợp.
Sau cùng, hãy thử đặt mình vào vị trí của sếp, có thể bạn sẽ có cái nhìn hoàn toàn khác. Khi Đức Chúa Jesus nhìn thấy tất cả tội lỗi, tội nhân mà ngài đã chung sống trong nhiều năm, Chúa không hề chế giễu hay trách họ. Ngài hiểu điều gì đang thực sự xảy ra: họ bất lực, không biết phải làm gì. Họ như những con chiên lạc không có người chăn, và Ngài động lòng thương xót (Ma-thi-ơ 9:36).
Thanh Nguyên
(Nguồn: The High Calling; Ảnh: Unsplash)