Tôi chuyển đến một thị trấn để làm việc trong Tòa soạn với mong muốn được học hỏi từ các biên tập viên thâm niên, dày dạn kinh nghiệm, đầy đam mê, có các giải thưởng cấp quốc gia…
Nhưng than ôi, môi trường làm việc mà tôi hằng mơ ước không trở thành hiện thực, bởi đây là nơi cực kỳ độc hại với những người quản lý ích kỷ, những kẻ bợ đỡ, đâm sau lưng… Mọi việc trở nên tệ hơn khi tôi sai sót, bài báo tôi đang thực hiện được giao cho một phóng viên khác. Một đồng nghiệp nói dối với các sếp rằng cô ấy phải liên tục sửa chữa các lỗi của tôi. Từ đó, các sếp liên tục nhấn mạnh, phóng đại mọi lỗi lầm của tôi.
Tôi bị đối xử như một phóng viên tay mơ, dù đã làm việc gần bốn năm. Tôi được giao những chuyện đơn giản để viết, và phải trao đổi với phóng viên chính hầu hết mọi chuyện. Giọt nước tràn ly khi biên tập viên nói không thấy sự khác biệt gì trong các bài viết của tôi với sinh viên mới tốt nghiệp.
Tôi kiệt sức, tự tin vỡ vụn. Tranh chiến để tồn tại trong môi trường làm việc như vậy rất khó khăn. Nên dưới đây là một vài gợi ý tôi học được từ khoảng thời gian khó khăn đó, hy vọng sẽ hữu ích nếu bạn đang trải qua tình huống tương tự.
1. Trao phó nan đề cho Chúa
Dù không dễ rơi nước mắt, nhưng trong thời gian đó tôi đã khóc suốt, và chỉ cảm thấy được an ủi trong Lời của Chúa. Quyển Kinh Thánh bị quăn góc, lấm tấm những vết ố do nước mắt. Đặc biệt, sách Thi Thiên như liều thuốc xoa dịu tinh thần: “Nhưng lạy Đức Giê-hô-va! Ngài là cái khiên chở che con; Ngài là vinh quang của con và là Đấng làm cho con ngẩng đầu lên” (3:3), “Đức Giê-hô-va là sức mạnh và là cái khiên của con; lòng con tin cậy Ngài và con được cứu giúp. Vì vậy lòng con rất mừng rỡ; con sẽ lấy bài hát mà ca ngợi Ngài” (28:7)
Phải thừa nhận những lời cầu nguyện của tôi lúc đó xen lẫn lằm bằm, oán trách, căm ghét các vị sếp và đồng nghiệp rồi lại xin Chúa tha thứ. Nhưng việc thời gian dành cầu nguyện đã giúp tôi vững vàng đối diện, vì biết rằng Chúa sẽ chiến đấu cho tôi (Xuất Ê-díp-tô ký 14:14). Tôi chép Lời Chúa trong nhật ký, và những lúc khó khăn, tôi đã nhớ lại, suy ngẫm, cầu nguyện, thờ phượng Chúa…
2. Xây dựng các mối liên hệ đáng tin cậy
Lúc đó tôi chỉ mới 20, rất tin vào đồng nghiệp và đã phải trả giá. Vài điều tôi chia sẻ với họ đã đến tai các sếp, khiến mọi việc trở nên xấu hơn.
Thế nhưng cảm tạ Chúa thành tín đã đem đến cho tôi một số đồng nghiệp chân thành, họ tin tôi và công việc của tôi. Có hai vị quản lý đã quan tâm, cho tôi những lời khuyên, khích lệ tôi tiếp tục cố gắng. Và đó là điều tôi vẫn nhớ cho đến nay.
Những người bạn đáng tin cậy không nhất thiết ở nơi làm việc, nhưng có thể đến từ Hội Thánh hay bên ngoài xã hội. Kinh Thánh nói bạn bè tốt gây dựng lẫn nhau (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:11), và “Hai người hơn một, vì nếu một người ngã thì người kia sẽ đỡ bạn mình lên” (Truyền đạo 4:9-10). Thật an ủi khi có những người bạn cùng cầu nguyện, cùng khóc với ta, nhắc nhở rằng ta được Chúa yêu thương nhiều thế nào…
3. Tiếp tục làm tốt công việc của mình
Nhiều lúc tôi muốn gọi báo bệnh, và mơ mộng về việc mình sẽ được tạm nghỉ ngơi. Tại sao tôi phải đi làm đúng giờ, phải viết thật tốt trong khi các sếp không hề quan tâm?
Tôi muốn chống đối, nhưng càng đọc Lời Chúa, tôi chỉ tìm thấy những câu Kinh Thánh dạy ta phải tôn trọng, vâng phục chủ của mình trên đất như cách ta vâng phục Chúa (Ê-phê-sô 6:5), và cần chiến thắng điều ác bằng điều lành (Rô-ma 12:21); nghĩa là vẫn phải đi làm đúng giờ, hoàn tất mọi việc được giao với sự chính trực, là tôn trọng các sếp và đồng nghiệp.
Việc biết các đồng nghiệp không có Chúa vẫn đang dõi theo mình đã khích lệ tôi tiếp tục cố gắng, bất chấp bị chỉ trích; quyết học theo gương yêu thương, nhẫn nhịn của Chúa Jesus.
Và những hạt mầm tích cực đó cuối cùng cũng kết quả, khi các đồng nghiệp nói họ ngưỡng mộ thái độ và khả năng thực sự của tôi. Thật cảm tạ Chúa, vì tôi biết mình không thể làm được nếu Ngài không thêm sức, khi tôi cố gắng làm điều đúng để đẹp lòng Ngài.
4. Chúa vẫn đang tể trị
Và rồi các ‘bí quyết’ này cũng chỉ hữu ích một thời gian, khi tôi nhận ra không thể trụ lâu hơn nữa khi sức khỏe tinh thần lẫn thể chất đều suy giảm.
Một hôm, khi đang đi bộ dọc bờ biển, một ý nghĩ chợt lóe lên: “Sẽ ra sao nếu mình mất hút dưới biển để không phải quay trở lại làm việc nữa?”. Thật giật mình vì suy nghĩ đó, bởi tôi vốn là người vui tính, cho thấy dấu hiệu sức khỏe tinh thần tôi suy sụp, và tôi phải tìm đến bác sĩ tư vấn.
Tôi cũng cảm thấy rất nôn nao mỗi khi đậu xe vào bãi nơi làm việc. Bác sĩ cho biết tôi mắc chứng viêm dạ dày mãn tính, không thể phục hồi.
Gia đình bắt đầu lo lắng vì các cuộc gọi về nhà của tôi thường kèm những tiếng sụt sùi. Nên dù chẳng dễ dàng gì, cuối cùng tôi đã nộp đơn xin nghỉ việc. Tôi nghĩ đó là dấu chấm hết cho sự nghiệp báo chí của mình. Thế nhưng Chúa có kế hoạch của Ngài, Ngài đã chuẩn bị và sử dụng tôi cho công việc Ngài.
Vượt qua môi trường làm việc độc hại có thể rất khó khăn, thử thách, đôi khi ta không thể thôi việc vì nghĩ đến ước mơ, hoài bão và trách nhiệm phải hoàn thành. Nhưng khi ta có Chúa và qua sự cầu nguyện, ta sẽ tìm thấy sức mạnh để bước tiếp. Nguyện Chúa thêm cho bạn sự khôn ngoan, thông sáng để tìm đúng con đường Chúa đã chọn cho bạn. Amen!
Muối & Ánh Sáng
(Bài: Michele Ong | Biên tập: Thảo Phạm | Ảnh: Pixabay)