Ma-thi-ơ 14 kể chuyện Chúa Jesus đi trên mặt nước, trong khi các môn đồ đi trên thuyền và gặp bão. Phi-e-rơ, người luôn nhiệt thành muốn bước đi cùng Chúa, và Ngài đã mời ông: “Hãy đến!”.
Trong những bước đầu tiên mọi việc đều suôn sẻ. Nhưng rồi gió nổi làm ông sợ hãi, kêu cầu Chúa. Và Chúa Jesus đã trách Phi-e-rơ ít đức tin…
Câu chuyện là lời kêu gọi sống động cho tất cả những ai theo Chúa, rằng hãy rời bỏ “vùng an toàn” để bước cách dạn dĩ. Tuy nhiên, về mặt đầu tư tài chính thì táo bạo không phải lúc nào cũng tốt nhất. Dưới đây là một số lý do tại sao người quản gia của Chúa sẽ làm tốt hơn, nếu:
+ Quản lý tài sản của Chúa với ưu tiên và mục đích của Ngài – là nhiệm vụ được giao cho mỗi tín hữu:
Như câu chuyện Chúa Jesus giao các môn đồ nhiệm vụ “Hãy xuống thuyền và qua bờ bên kia trước Ta”. Đức Chúa Trời ban cho ta mệnh lệnh, và ta thì đang trong cuộc hành trình được báo trước sẽ gặp rắc rối: “Ta đã bảo các con những điều này để các con có sự bình an trong Ta. Các con sẽ có hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy vững lòng, Ta đã thắng thế gian rồi” (Giăng 16:33). Như vậy, để trở thành người quản lý tốt các nguồn tài nguyên của Chúa đòi hỏi đức tin và sự vâng lời.
Chúng ta cần ‘con thuyền’ đầu tư sẽ đưa ta vượt qua các vùng kinh tế – đôi khi hỗn loạn – một cách an toàn. Trong thuật ngữ quản lý, con thuyền chính là chiến lược quản lý tài chính – phù hợp với Kinh Thánh. Nó hướng dẫn ta chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư… Mọi quyết định về tài chính phải xuất phát từ kế hoạch được sắp xếp, đảm bảo đưa ta đến nơi an toàn ở cuối hành trình.
Không giống như Phi-e-rơ, ta cần ở lại trên thuyền của mình. Thật không may, nhiều người theo Chúa thậm chí không dành thời gian để đóng con thuyền tài chính của họ. Hoặc nếu đã có, không phải lúc nào cũng họ cũng trên thuyền. Vì ở trên thuyền thường an toàn hơn so với ở dưới nước, giữa bão tố phong ba.
+ Mong đợi bão:
Các môn đồ của Chúa đã biết trước có thể xảy ra những trận bão gió ngược, mạnh. Tương tự, bạn biết sẽ có thách thức trên hành trình tài chính của mình qua nhiều hình thức như thất nghiệp, chi phí bất ngờ, sức khỏe xuống dốc, kinh tế suy thoái… Thế nên ta cần dự đoán và lập kế hoạch.
+ Quên đi sóng gió, tập trung vào Chúa Jesus:
Sóng gió có thể khiến ta sợ hãi, phản ứng không đúng mực. Nên ta cần ở trên thuyền của mình và tin cậy Đấng đã phán: “Ta sẽ không bao giờ lìa con; Ta sẽ không bao giờ bỏ con” (Hê-bơ-rơ 13:5)
Thất bại không phải sự kiện, mà là để nhìn nhận, phán quyết về một sự kiện. Môi trường tài chính không phải lúc nào cũng tích cực. Trong thời gian ngắn, ta có thể mất tiền theo đúng kế hoạch của mình, hoặc có thể kiếm tiền ngoài kế hoạch đó. Khi điều này xảy ra, ta có thể coi điều kiện “tốt” là thất bại, và điều kiện “xấu” là được thưởng.
Phán quyết ta đưa ra cho bất kỳ thất bại tài chính nào đều cần được cá nhân hóa. Các quyết định phù hợp kế hoạch của ta là “chiến thắng”, bất kể kết quả trước mắt ra sao. Về lâu dài, việc duy trì một chiến lược có tính toán, không cảm tính cho các quyết định đầu tư là có ích cho ta. Nếu tin cậy Chúa hướng dẫn, ta sẽ thành công.
Câu hỏi suy ngẫm/thảo luận
1. Bạn có biết câu chuyện Phi-e-rơ bước ra khỏi thuyền giữa giông bão, tiến về phía Chúa Jesus? Câu chuyện đó khiến bạn nghĩ về điều gì? Bạn có nghĩ mình sẽ liều lĩnh như vậy?
2. Bạn nghĩ tại sao ông Pryor khuyến nghị rằng mặc dù chúng ta nên sẵn sàng rời khỏi “vùng thoải mái”, dạn dĩ khi bước theo Chúa Jesus, nhưng xét về mặt trở thành người quản lý các nguồn lực của Chúa, sự dạn dĩ, bốc đồng không phải lúc nào cũng là một ý tưởng hay?
3. Bạn thường phản ứng thế nào khi gặp khó khăn tài chính dưới bất kỳ hình thức nào? Bạn đi đâu để xin lời khuyên những lúc như vậy?
4. Đọc lời hứa của Chúa Jesus: “Ta sẽ chẳng bao giờ lìa con, chẳng bỏ con đâu”, bạn cảm thấy thế nào? Sự đảm bảo này áp dụng thế nào với tình hình tài chính của chúng ta hiện nay?
Austin Pryor
(Nguồn: CBMC International | Nguyên Ân lược dịch | Ảnh: Pixabay
Xem thêm: Phục truyền 8:18; I Sử ký 29:11-12; Châm ngôn 15:16, 22:7,26-27, 30:8-9; Lu-ca 6:38)
THỬ THÁCH
Đã bao giờ bạn nghiên cứu Kinh Thánh dạy về cách sử dụng các nguồn lực tài chính, tài sản của mình, và những điều Chúa giao ta làm quản gia? Nếu chưa, trong tuần này hãy cầu xin Chúa hướng dẫn bạn đến một người có thể giúp bạn hiểu các nguyên tắc Kinh Thánh về quản lý tiền bạc, cả việc làm thiện nguyện. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên vì những gì học được.