Tuy nhiên, trong mắt Chúa, công việc của một Giám đốc điều hành, đại diện bán hàng, trợ lý hành chính, quản lý, nhân viên văn phòng… đều có thể ‘thiêng liêng’ trong sự kêu gọi của Chúa, y như các nhà chuyên môn làm việc dưới sự bảo trợ của Giáo Hội.
Một Mục sư cấp cao đã khẳng định Lẽ Thật này qua thông điệp “Để đạt được sự tôn trọng của đồng nghiệp”. Tôi xin phép sử dụng các điểm chính trong bài giảng của ông và mở rộng thêm. Bởi được đồng nghiệp tôn trọng rất quan trọng nếu muốn trở thành “Đại sứ của Đấng Christ” hiệu quả, như trong II Cô-rinh-tô 5:20.
Có câu: “Cần phải là Tin Mừng trước khi chia sẻ tin mừng”. Bởi vì không ít Cơ đốc nhân lời nói không đi đôi với việc làm, không trung thực, ích kỷ, lười biếng, thiếu lòng trắc ẩn… Nhưng Châm ngôn 22:1 chép: “Danh tiếng tốt đáng quý hơn tiền của”. Dưới đây là một số nguyên tắc Kinh Thánh để đạt được và duy trì sự tôn trọng của những người mà ta cùng làm việc:
1. Yêu thương:
Yêu thương người khác phản ánh Chúa trong và qua chúng ta, gồm: thương xót, quan tâm chân thành, đặt lợi ích của họ lên trên lợi ích của ta khi cần. “…Vì chính anh em đã được Đức Chúa Trời dạy phải yêu thương nhau” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:9); “Hãy yêu người lân cận như chính mình” (Lê-vi ký 19:18)
2. Tập trung vào việc của mình:
Những người can thiệp vào việc của người khác mà không được yêu cầu là những kẻ gây phiền nhiễu. Thực sự quan tâm không có nghĩa là tọc mạch vào những chỗ ta không được mời. “Hãy lấy sự yên lặng làm mục tiêu. Hãy lo việc riêng mình” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:11); “Họ [các góa phụ trẻ] học thói ăn không ngồi rồi, la cà từ nhà này sang nhà khác (…) ngồi lê đôi mách, xen vào chuyện người khác, nói những điều không đáng nói” (I Ti-mô-thê 5:13)
3. Chăm chỉ:
Lười biếng, không gánh vác hết phần việc của mình thường gây vấp phạm. “Hãy làm việc bằng chính đôi tay mình (…) để đời sống hằng ngày của anh em được người ngoài kính trọng” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:11-12); “Sự ham muốn của kẻ lười biếng giết chết nó, vì tay nó từ chối làm việc” (Châm ngôn 21:25)
4. Đáng tin cậy:
Ở nơi làm việc, nhất là khi ‘deadline’ cần được hoàn thành, thật sảng khoái và khích lệ khi làm việc chung với những người mà ta tin cậy. Con cái Chúa nên là người đáng tin cậy trong công việc, thậm chí còn hơn thế để đạt được mục tiêu, mục đích. “Nếu có thể được, hãy hết sức mình mà sống hòa thuận với mọi người” (Rô-ma 12:18); “Sứ giả trung tín đối với người sai đi giống như tuyết mát mẻ trong ngày mùa gặt, vì người bổ sức cho linh hồn chủ mình” (Châm ngôn 25:13)
Câu hỏi thảo luận:
1. Bạn đã nghe hay tin vào 2 từ “thiêng liêng/thế tục”? Tại sao? Làm thế nào kinh doanh hay nghề nghiệp có thể là ‘ơn gọi thiêng liêng’ như ơn gọi đối với Mục sư, Sứ đồ, Nhà truyền giáo?
2. Trong số những người làm việc cùng, bạn tôn trọng ai nhất, tại sao? Có một đồng nghiệp nào bạn cảm thấy không tôn trọng? Tại sao?
3. Bạn có đồng ý câu “Hãy là Tin Mừng trước khi chia sẻ Tin Mừng”? Bạn thấy điều này thể hiện thế nào ở nơi làm việc?
4. Trong số các bước để đạt được sự tôn trọng của đồng nghiệp, bước nào ý nghĩa nhất với bạn? Bạn có thể nghĩ ra bất kỳ nguyên tắc nào từ Kinh Thánh để giành được và duy trì sự tôn trọng của người khác?
Robert J. Tamasy
(Nguồn: CBMC International | Nguyên Ân lược dịch | Ảnh: Pixabay | Xem thêm: Truyền đạo 4:9-12; Ê-phê-sô 2:10; Cô-lô-se 3:17, 23-24; II Ti-mô-thê 3:17)
THỬ THÁCH TUẦN NÀY
Tất cả chúng ta đều có ‘điểm mù’. Ta có thể không nhận thức được những hành động, hành vi có thể cản trở việc cố gắng xây dựng mối quan hệ tích cực với người khác. Tuần này có thể là thời điểm tốt để bạn tự đánh giá bản thân một cách trung thực.
Bạn có thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm chân thành với các đồng nghiệp? Bạn chỉ chú tâm đến công việc của mình, không can thiệp vào việc người khác? Bạn có được biết đến là người đáng tin cậy, siêng năng trong công việc? Nếu thấy cần, bạn hãy trò chuyện với một (hoặc nhiều người) có thể cho bạn lời khuyên về cách thực hiện các bước cải thiện bản thân.