Vì vậy, không gì ngạc nhiên khi nhiều người cảm thấy phấn khích, ngạc nhiên trước năm mới. Theo một khía cạnh nào đó, sự chuyển đổi từ ngày 31/12 sang 1/1 đơn giản là thời gian trôi qua 1 ngày. Nhưng việc bắt đầu với quyển lịch mới – 2024 sang 2025 – có thể truyền cảm hứng, cho ta cảm giác nhiệt thành, kỳ vọng.
Đối với một số người vừa trải qua 1 năm đầy thử thách, khó khăn, có thể họ sẽ vui mừng uyên bố: “Tạm biệt năm cũ, đón chào năm mới!”. Sự khác biệt có thể chỉ là 24 giờ, nhưng việc có thể lật sang trang mới, bắt đầu lại từ trang giấy trắng có thể mang lại cho ta hy vọng. Với nhiều người năm qua là một năm tốt đẹp, họ hy vọng sẽ được thành công tương tự, và mong đợi những tiến bộ, thành công hơn nữa.
Trong cả hai trường hợp, ta xử lý ‘khởi đầu mới’ này thế nào? Đối với một số người thích đưa ra các quyết tâm cho năm mới với xu hướng ‘tất cả hoặc không có gì’. Ví dụ nếu ai đó quyết định cai thuốc lá, hạn chế một số thói quen không lành mạnh… Nhưng một khi không giữ được cam kết, quyết tâm đó bị phá vỡ, họ sẽ thất bại.
Tôi thích đặt ra các mục tiêu có thể đo lường và đạt được để có thể phấn đấu suốt năm. Ví dụ nếu tôi mong muốn viết một cuốn sách mới, nhưng không phải hoàn thành vào ngày 1/1, trong tuần, trong tháng đầu tiên của năm. Tôi đã có thể hướng tới mục tiêu, lập biểu đồ kế hoạch, tiến trình… Hoặc muốn đọc toàn bộ Kinh Thánh trong 1 năm, lý tưởng nhất là tôi sẽ đọc nó mỗi ngày.
Điều tuyệt vời nhất tôi học được là Đức Chúa Trời mà ta tôn thờ, phục vụ là Chúa của những điều mới mẻ. Trong Sáng thế ký – quyển sách đầu tiên của Kinh Thánh – cho biết Ngài sáng tạo trời đất, mọi vật và cuối cùng là con người. Chúa tích cực ‘làm mới’ mọi thứ. Nên hãy thử xem xét:
+ Đức Chúa Trời để lại quá khứ phía sau:
Nhiều người mãi đấu tranh với quá khứ thất bại, ký ức tồi tệ, kỳ vọng không thành, tội lỗi đeo bám… Đừng lo. Chúa sẽ ban cho ta một khởi đầu mới: “Này, Ta sắp làm một việc mới! Bây giờ nó đang hiện ra mà các con không biết sao? Ấy là Ta sẽ vạch một con đường trong hoang mạc, khiến những dòng sông chảy nơi đất khô cằn” (Ê-sai 43:19)
+ Ngài ban cho ta một khởi đầu mới:
Thay vì vật lộn, đấu tranh với tội lỗi cũ dai dẳng hành hạ ta, qua Chúa Jesus Christ, ta có thể ‘khởi động lại’. “Ta sẽ ban cho các con một tấm lòng mới, và đặt thần mới vào trong các con. Ta sẽ cất khỏi các con tấm lòng bằng đá, ban cho các con tấm lòng bằng thịt” (Ê-xê-chi-ên 36:26)
+ Chúa có thể thay đổi động cơ:
Khi nhận ra mình chệch hướng, tập trung vào những điều sai trái, tôi thích dừng lại, đánh giá xem mình đang ở đâu và mình muốn ở đâu. Sau đó, tôi cầu nguyện như vua Đa-vít: “Đức Chúa Trời ôi, xin dựng nên trong con một lòng trong sạch, làm mới lại trong con một thần linh ngay thẳng” (Thi Thiên 51:10)
Câu hỏi suy ngẫm/thảo luận
1. Nhìn lại năm cũ, bạn đánh giá thế nào? Những điều tốt nhất nào đã xảy ra, và điều tệ nhất là gì?
2. Nếu có thể, bạn muốn thay đổi gì trong năm mới? Bạn muốn giữ nguyên điều gì, hay đơn giản chỉ là xây dựng thêm?
3. Năm mới, bạn lập kế hoạch thế nào? Bạn có đưa ra các quyết tâm, đặt các mục tiêu cụ thể? Theo bạn, khác biệt giữa quyết tâm và mục tiêu là gì?
4. Khi lập kế hoạch cho năm mới, Chúa và đức tin bạn có vai trò gì? Giải thích câu trả lời của bạn?
Robert J. Tamasy
(Nguồn: CBMC International | Lược dịch: Nguyên Ân | Biên tập: Thảo Phạm | Ảnh: Pixabay | Xem thêm: Gióp 42:2; Thi Thiên 37:3-7; Châm ngôn 3:5-6, 16:3,9, 19:21, 20:24, 27:1; Ma-thi-ơ 6:33-34)
THỬ THÁCH TUẦN NÀY
Nếu bạn vẫn đang trong quá trình lập kế hoạch, đặt mục tiêu cho năm mới, có thể sẽ hữu ích nếu bạn mời người khác tham khảo quan điểm của mình. Ai là người bạn thân hoặc cố vấn đáng tin cậy bạn có thể trò chuyện, bày tỏ hy vọng, ước mơ, kỳ vọng; hãy mời họ phản hồi về sự chuẩn bị của bạn? Quan trọng nhất, hãy quyết tâm không đưa mục tiêu, kế hoạch của bạn mà không cầu nguyện Chúa để được ban cho khôn ngoan, được hướng dẫn, hiểu những gì Chúa muốn bạn làm (hay trở thành) trong năm mới này.