Họ là người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ – một trong số không nhiều người tạo ra vắc-xin ngừa covid-19 hiệu quả đầu tiên – nhưng như những người tiền nhiệm, họ đi khắp nơi bằng xe đạp, không quan tâm đến hàng tỷ USD kiếm được từ phát minh. Cặp đôi cho biết họ hạnh phúc nhất khi làm việc cùng nhau trong màu áo phòng thí nghiệm, ngay cả trong ngày cưới.
Như nữ khoa học gia Marie Curie, họ là người nhập cư, cha mẹ từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Đức. Cặp vợ chồng có thể sẽ nhận giải Nobel sau khi công ty BioNTech cùng hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer công bố vắc-xin covid-19 hiệu quả hơn 90% vào ngày 9/11/2020.
TS Sahin sinh ra ở Iskenderun, Syria, là con trai một công nhân nhà máy ô-tô; còn TS Tureci là con gái của một bác sĩ phẫu thuật ở Istanbul. Họ gặp nhau tại Đại học Saarland, Homburg, và cộng tác với nhau kể từ đó. Họ quan tâm tới việc tìm thuốc điều trị ung thư và cách điều khiển hệ thống miễn dịch loại bỏ khối u.
Hai vợ chồng không cố ý tìm kiếm lợi nhuận từ khám phá của mình, mặc dù công ty của họ hiện được định giá 26 tỷ USD. TS Sahin nói: “Nhu cầu của chúng tôi là cuộc sống bình thường, không mong muốn gì đặc biệt, thậm chí không xe hơi; du thuyền đối với chúng tôi càng không phù hợp”.
Thỉnh thoảng họ đi nghỉ ở quần đảo Canary, và chọn một căn hộ gần biển. “Một nửa thời gian được nghỉ và một nửa thời gian công việc, nên căn hộ cần có Internet. Thật tuyệt khi có một kỳ nghỉ để làm việc!”.
Họ sống cùng con gái tuổi teen trong một căn hộ khiêm tốn. Khi tổ chức ăn mừng chiến thắng, họ thường pha trà Thổ Nhĩ Kỳ để thưởng thức. Công ty đầu tiên của họ là Ganymed Pharmaceuticals, chuyên về kháng thể đơn dòng, giúp cơ thể chống lại ung thư đã được bán với giá 1,7 tỷ USD.
Công ty thứ hai – BioNTech – có trụ sở tại Mainz, chế tạo vắc xin ung thư được cá thể hóa từ mRNA, mang các chỉ dẫn di truyền đến tế bào – phương pháp có thể chống lại virus.
Ngày 27/1/2020, khi đang ăn sáng, TS Sahin đọc thấy bài báo trên tạp chí The Lancet về căn bệnh lạ đang lây lan ở Vũ Hán. Ông lập tức hiểu tác động của loại virus có khả năng lây nhiễm cao và có thể không triệu chứng này. Khi nghiên cứu các mối liên kết hàng không giữa Vũ Hán và các thành phố khác, ông nhận thấy covid-19 có khả năng trở thành đại dịch toàn cầu.
Cặp đôi đã bắt tay hành động, tạo ra dự án ‘Tốc độ ánh sáng’ với ý nghĩa cần hành động càng nhanh càng tốt để ngăn thế giới bị virus này tàn phá. Pfizer, công ty dược phẩm của Mỹ đã tài trợ cho họ.
“Quyết định đầu tiên là sử dụng công nghệ mRNA cho bối cảnh đại dịch. Nó rất linh hoạt” – TS Tureci nói. Ngay sau đó, 600 nhân viên của họ đã tập trung vào việc tìm kiếm vắc xin. “Nhận ra căn bệnh này có thể trở thành mối đe dọa lớn. Chúng tôi đã đưa ra các kịch bản khác nhau, và những gì bạn đã thấy là kịch bản nghiêm trọng, đáng sợ hơn” – bà nói.
Mong muốn tìm ra vắc-xin của họ không xuất phát từ bất kỳ động lực cạnh tranh tài chính nào. Nhóm làm việc theo ca, đảm bảo tất cả các thử nghiệm phải liên tục suốt ngày đêm. “Nhiều người trong chúng tôi không có kỳ nghỉ, phải làm việc suốt cuối tuần. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã làm được; sẵn sàng cho các múi giờ khác nhau và thường xuyên họp với Pfizer và đối tác Trung Quốc” – bà Tureci nói.
Cặp đôi không nghĩ đến thất bại. TS Tureci giải thích: “Chúng tôi có thói quen không nghĩ về viễn cảnh dự án không hoạt động, mà quan tâm hơn tới việc giải quyết tất cả các sai sót tiềm ẩn. Cách làm tỉnh táo, khoa học này cho phép chúng ta tránh xa bi quan”.
Sau khi kết quả thử nghiệm được thông qua, họ biết đã làm được điều gì đó. “Tôi không mong đợi nó hiệu quả đến 90%, nhưng sau khi xem dữ liệu miễn dịch học, tôi nghĩ chúng tôi sẽ đạt được, trừ khi virus khác với loại chúng tôi đã gặp”.
Nhóm nghiên cứu hiện vẫn chưa rõ liệu những người đã được tiêm chủng có thể truyền virus cho người khác hay không, ngay cả khi bản thân họ không có triệu chứng. “Chúng có thể lây nhiễm. Khi có nhiều thử nghiệm hơn, chúng ta sẽ hiểu thêm. Trong đại dịch, mục tiêu đầu tiên là đảm bảo dịch bệnh được ngăn chặn và khả năng miễn dịch cộng đồng”.
Vắc-xin đã được thử nghiệm trên người già, trẻ nhỏ và người nhạy cảm. “Nó phản ứng miễn dịch mạnh mẽ. Vì lý do đạo đức, việc thử nghiệm không có người bệnh trầm trọng, nhưng có bệnh nhân tim mạch, suy phổi, ung thư, tiểu đường, béo phì”.
Trong nhiều tháng, họ sẽ không biết tác dụng của vắc xin kéo dài bao lâu hoặc liệu họ có cần cập nhật các loại thuốc tiêm như cúm hay không. “Bây giờ chúng ta đã ở ngày thứ 80, phản ứng miễn dịch ổn định và không đổi. Đó là điều đáng khích lệ”.
Vắc-xin phải được giữ ở -70 độ C, và có giá khoảng 40 USD/1 liều. “Thông thường, khi phát triển 1 loại vắc-xin, bạn sẽ có 7-8 năm để thử nghiệm lâm sàng nhằm tối ưu hóa điều kiện bảo quản và chi phí giảm”.
Hơn 1,2 triệu người đã chết vì covid; và mục tiêu tiếp theo là phát triển khả năng miễn dịch cộng đồng toàn thế giới. Điều này đòi hỏi mọi người phải vượt qua lo lắng về tác dụng phụ của tiêm chủng. “Nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo dữ liệu được minh bạch, mọi người hiểu về tất cả các vắc-xin” – bà trả lời trước khi nhấn mạnh vắc-xin của họ an toàn, hiệu quả. “Tôi đã dùng, và gia đình tôi cũng vậy”.
Có thông tin TS Tureci, 53 tuổi, muốn trở thành… tu sĩ, nhưng bà nói khoa học luôn là niềm đam mê: “Tôi nghĩ điều cao quý nhất của khoa học và công nghệ là phục vụ người dân, đó là động lực của tôi”.
Chồng bà, TS Sahin, 55 tuổi, cũng có mục đích tương tự: “Tôi bị thúc đẩy bởi sự tò mò, tôi luôn đặt câu hỏi, tôi muốn hiểu mọi thứ sẽ thế nào. Tôi làm việc trong bệnh viện ung thư, và đã phải nói với nhiều bệnh nhân rằng chúng tôi không thể giúp gì được nữa. Là nhà khoa học, tôi biết chúng tôi đang chưa làm hết mọi thứ có thể, cần phải làm nhiều hơn nữa. Đó là điều thúc đẩy tôi tiếp tục”.
Họ thích được làm việc cùng. TS Tureci cho biết: “Chúng tôi vẫn kết hợp và bổ sung cho nhau”. TS Sahin nói: “Thật là một đặc ân khi được làm việc cùng nhau. Văn phòng của cô ấy chỉ cách 1 cánh cửa, nên có ý tưởng gì là tôi chạy sang bên đó. Chúng tôi thảo luận, dù không phải lúc nào cũng cùng quan điểm”.
Ông thừa nhận việc tìm kiếm vắc xin chiếm hết cuộc sống họ: “Chúng tôi nói chuyện mỗi khi có cơ hội”, và không bực bội vì việc xóa nhòa ranh giới giữa công việc và gia đình. “Đó là niềm đam mê, là nhiệm vụ chúng tôi đang làm. Chúng tôi cần thử mọi khả năng, và nếu không được thì phải chấp nhận”.
Họ chắc hẳn cảm thấy sức nặng của sự kỳ vọng trên vai mình. “Đó là trách nhiệm rất lớn” – TS Sahin nói – “Chúng tôi được thôi thúc khi thấy những đứa trẻ cần có cuộc sống bình thường, có cha mẹ, thầy cô; thấy những người cao tuổi bị cách ly…”. Tuy nhiên, ông cũng cho biết áp lực phải có kết quả nhanh chóng không cho phép hạ thấp tiêu chuẩn an toàn. “Bởi vì nhanh, nên chúng tôi càng chăm chỉ hơn nữa”.
Khi Albert Bourla, Giám đốc điều hành của Pfizer thông báo vắc-xin đã đạt hiệu quả 90%, TS Sahin nhớ lại: “Lo lắng tăng lên, nhưng thật tốt và nhẹ nhõm vô cùng!”.
TS Sahin lo ngại các nước giàu sẽ mua hết vắc-xin, và các nước đang phát triển không được bảo vệ. “Đây là mối quan tâm của tôi ngay từ đầu. Chúng tôi đang nghiên cứu một loại vắc-xin thế hệ tiếp theo để có thể giảm liều, tăng quy mô sản xuất”. Ông nhấn mạnh người giàu không thể thoải mái trả tiền để được tiêm chủng. “Ở giai đoạn này, mọi chuyện phải thông qua các chính phủ. Tôi cho rằng trong quý I/2021, chúng ta sẽ có 3-5 công ty cung cấp vắc-xin, đến giữa năm 2022 có thể có 8-9 công ty”.
TS Sahin cho biết thành công của họ chứng minh lợi ích của việc trao đổi ý tưởng mang tính quốc tế. “Công ty chúng tôi có các thành viên trên 60 quốc gia Á, Phi, Mỹ, Âu…” – ông nói. “Trong khoa học không quan trọng bạn đến từ đâu, quan trọng là bạn có thể làm gì và sẵn sàng làm gì. Và vắc-xin không chỉ của Pfizer, BioNTech mà của nhân loại. Nếu được trao cơ hội, tất cả mọi người đều có thể đóng góp”.
An Yên
(Theo: Times of London; Ảnh: Finacial Times, Reuters, OECD)