Lần đầu tiên đến Việt Nam (VN) tháng 10/2020, giáo sư đại học RMIT VN, TS. Daniel Borer đã trải qua phần lớn thời gian trong giai đoạn dịch bệnh. “Nhiều nước trên thế giới đã hết lời ca ngợi thành công trong chống dịch của VN giai đoạn đầu. Bản thân tôi cũng đồng ý điều này” – TS. Daniel Borer chia sẻ.
* Chiến lược của VN đang chuyển sang 5K+ vaccine để chống dịch. Việc tiêm vaccine đã xác định được 16 đối tượng ưu tiên, trong đó có công nhân làm việc ở các khu công nghiệp – lĩnh vực thiết yếu. Ông nhận xét gì về chiến lược này?
– ‘5K’ là chiến lược phù hợp hiện tại, khi tỷ lệ lây nhiễm đang gia tăng nhanh ở khu vực phía Nam. Nhưng nhìn chung, vaccine vẫn phải là trọng tâm để chống đại dịch. Thực chất chiến lược tiêm vaccine tại VN cũng đặc biệt hơn so với các nước phương Tây. Ở hầu hết quốc gia phương Tây, thứ tự ưu tiên là người cao tuổi – nhóm người dễ bị tác động hơn – so với người trẻ. Một lý do khác là làn sóng dịch tại các nước phương Tây nặng nề hơn rất nhiều so với VN. Do vậy, việc tiêm vaccine cũng nhằm giảm tỷ lệ lây nhiễm ở mức thấp nhất. Tuổi tác càng cao, nguy cơ lây nhiễm càng lớn. Đó là cơ sở lý luận mà họ đã dựa vào để triển khai tiêm vaccine.
Song tại VN, tỷ lệ lây nhiễm và tỷ lệ tử vong đang ở mức tương đối thấp so với các nước, do vậy các nhóm ưu tiên tập trung vào lĩnh vực kinh tế là phù hợp, đặc biệt nhằm kích thích tốc độ phục hồi kinh tế. Tôi nghĩ việc Chính phủ VN áp dụng các biện pháp chống dịch hiệu quả từ đầu là lợi thế đáng kể. Điều này cho phép VN có thể có chiến lược ưu tiên như vậy. Đương nhiên, chúng ta vẫn có một số điểm tương đồng trong ưu tiên tiêm chủng với thế giới, điển hình như nhân viên y tế phải được ưu tiên.
* Hiện, nhiều doanh nghiệp (DN) với lượng công nhân lớn vẫn chưa đủ vaccine cho tất cả, và cũng gặp khó khăn khi phải đề phòng lây lan. Trong bối cảnh vaccine về VN vẫn chưa nhiều, theo ông, giải pháp hợp lý nhất là gì?
– Thực ra trong bối cảnh hiện nay, nhiều DN đã thích ứng bằng việc áp dụng phương thức cho công nhân làm việc tại chỗ để duy trì hoạt động sản xuất. Tôi nghĩ đó là chiến lược thông minh.
Một lần nữa, vaccine vẫn là chìa khoá cho mọi câu hỏi. Đối với DN, chiến lược mà tôi nghĩ VN có thể áp dụng, đó là cho phép DN tiêm vaccine hàng loạt cho nhân viên. Khi đạt mức tiêm chủng nhất định, họ được phép hoạt động bình thường trong mô hình thu nhỏ của DN đó. Khi có lợi thế này, chính các DN cũng sẽ háo hức hơn trong việc đầu tư vào vaccine, thậm chí có thể chế tạo vaccine.
Ví dụ Samsung có thể liên hệ với trụ sở chính tại Hàn Quốc mua vaccine. Từ đó, nhiều DN cũng có thể liên hệ mua vaccine, có thể từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ… Về cơ bản đó là một khoản đầu tư cho công ty. Tôi nghĩ nếu có thể áp dụng, chiến lược Chính phủ cùng hợp tác với các DN đẩy nhanh việc tiêm chủng là rất cần thiết, đặc biệt đối với VN.
* Nhiều DN FDI đã bố trí dựng lều cho nhân viên ăn ngủ tại nhà máy để thực hiện “3 tại chỗ” nhằm duy trì sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng. Ông thấy gì từ giải pháp này?
– Đây là giải pháp sáng tạo, cần thiết vào thời điểm khẩn cấp hiện nay, cho phép công nhân tiếp tục sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh bất định. Ngoài ra, một giải pháp mà cá nhân tôi muốn thấy, đó là sử dụng máy bay không người lái để giao hàng. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại thì VN chưa thể áp dụng được.
* Trong bối cảnh số ca lây nhiễm ở TPHCM chưa tới đỉnh dịch, theo ông, các chính sách nên thay đổi gì để có thể đảm bảo chống dịch mà vẫn giúp các DN duy trì sản xuất, tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”?
– Cho đến nay Chính phủ VN đã làm rất tốt trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa đảm bảo ổn định kinh tế, vừa ngăn chặn lây lan dịch bệnh. Song, có một nhân tố trong nền kinh tế tôi cho rằng đang bị bỏ quên, đó là các DN trong lĩnh vực dịch vụ.
Cụ thể, thời gian qua, một số quy định về việc cấm vận chuyển thực phẩm được áp dụng tại các TP có số ca nhiễm tăng nhanh. Có điều, nhà hàng và các DN ngành thực phẩm đã phải chịu rất nhiều khó khăn, phải chuyển sang phương thức online để tồn tại. Do vậy, áp dụng biện pháp này có thể nói là một đòn rất nặng đối với họ. Bên cạnh đó sẽ tồn tại việc lách luật để giao hàng ở các nhà bán hàng nhỏ lẻ.
Thực tế không chỉ với các DN sản xuất, tôi nghĩ với mọi DN, vaccine vẫn là căn cơ nhất. Điển hình du lịch chẳng hạn, chừng nào chúng ta triển khai tiêm vaccine nhanh chóng thì du khách nước ngoài mới có thể quay lại VN, kéo theo sự hồi phục của nhà hàng, khách sạn… Tôi nghĩ điều này sẽ củng cố hiệu quả trong thực hiện mục tiêu kép của VN.
* Ông có nhắc đến việc phục hồi các DN lĩnh vực dịch vụ. Vậy với chiến dịch vaccine, các DN triển vọng phục hồi sẽ ra sao?
Nếu nhìn vào 6 tháng tới, tôi tin mặc dù tốc độ có thể chưa quá nhanh, VN vẫn sẽ tiếp cận được nhiều vaccine hơn. Nhìn chung, việc tiêm chủng toàn quốc mất nhiều thời gian. Do vậy, tôi nghĩ quan trọng nhất là 6 tháng tới, cần xem xét việc triển khai tiêm phòng một cách hiệu quả, trước khi có thể đạt được tiêm phòng cao hơn vào năm sau.
Các quốc gia như Thái Lan, Campuchia cũng đã đạt mức tiêm chủng cao đáng kể. Có thể sau 2-3 tháng tới, họ sẽ mở cửa cho phép du khách vào. Do đó, VN cũng cần có chiến lược để cạnh tranh với các nước láng giềng.
Cụ thể, bên cạnh vaccine, VN cũng đã áp dụng mã QR. Mỗi người dân sau khi được tiêm phòng đầy đủ sẽ được cấp mã QR, được quyền tiếp cận các hoạt động giải trí như rạp phim, nhà hàng…
Ví dụ rạp phim có thể mở cửa khi nhân viên đều được tiêm chủng, sau đó cho phép khách hàng có mã QR được xem phim. Phương thức này đã được áp dụng với nhiều quốc gia như Tây Ban Nha, Pháp. Các nhà hàng, rạp phim được phép mở cửa khi nhân viên tiêm chủng đầy đủ, được đón khách nếu khách đưa ra mã QR hoặc giấy xét nghiệm âm tính.
* Vì sao mã QR lại được coi là cơ hội phục hồi kinh tế?
Chúng ta đang sống trong một thế giới có thể tận dụng rất nhiều từ điện thoại di động. Điều quan trọng của “Hộ chiếu vaccine” hay mã QR rất khó làm giả, từ đó giảm thiểu rủi ro không đáng có trong quá trình vận hành.
Các nước phương Tây đã và đang sử dụng mã QR và cả “Hộ chiếu vaccine”, dù mức độ còn chậm. Tôi nghĩ VN lợi thế hơn khi đã có mã QR, cộng với các giải pháp sáng tạo từ trước đến nay. Do vậy, việc áp dụng công nghệ sẽ thúc đẩy hiệu quả các chiến lược mà VN đang áp dụng.
Nhìn chung, cần tận dụng lực lượng lao động đã được tiêm vaccine đầy đủ. Đương nhiên, VN sẽ không mở bừa bãi, nhưng có thể mở cửa một cách thông minh.
* Điều này có thể áp dụng với các nước khác, nhưng liệu nó có gây ra phân biệt xã hội, khi nhiều người có cơ hội tiêm vaccine trước có thể quay về cuộc sống bình thường, số khác thì không?
Tôi nghĩ đó là một thách thức mà Chính phủ phải xem xét, quyết định. Thực chất trong giai đoạn triển khai tiêm vaccine, chúng ta có thể phải đánh đổi để giúp các nhà hàng, rạp phim và nhiều DN có thể trở lại trạng thái bình thường càng sớm càng tốt. Điều này rất cần thiết. Bên cạnh đó, các điểm du lịch cũng có thể thí điểm mở cửa, thúc đẩy hoạt động nhà hàng, khách sạn…
Lưu ý rằng đây chỉ là biện pháp tạm thời. Cuối cùng thì mọi người đều có thể quay lại cuộc sống bình thường. Các biện pháp này cũng chỉ là cứu cánh tạm thời cho nhà hàng, khách sạn, rạp phim… nền kinh tế nói chung.
* Chỉ mới 2 tháng trước, nhiều chuyên gia còn dự báo rất lạc quan về triển vọng kinh tế VN. Nhưng ngay khi dịch bùng phát ở khu vực phía Nam, các dự báo đều thay đổi lớn. Liệu có khả năng ngược lại xảy ra với VN khi việc tiêm chủng được thực hiện nhanh chóng, chất lượng?
Một điều chúng ta cần hiểu rõ, đó là dữ liệu sẽ đi kèm với độ trễ nhất định. Do vậy, kết quả kinh tế nửa đầu năm nay thực chất phản ánh nền kinh tế trong những tháng đầu năm. VN đã thành công, hoạt động kinh tế đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Song trong khoảng hơn 2 tháng trở lại đây, tỷ lệ lây nhiễm tăng đáng kể đã tác động đến kết quả kinh tế nửa cuối năm. Vì vậy kết quả phục hồi trong 6 tháng tới tôi nghĩ sẽ kém tích cực hơn.
Song, đây là thời điểm then chốt, quyết định tình hình phục hồi của đất nước. Liệu chúng ta có thể duy trì và giữ cho nền kinh tế an toàn trong 6 tháng tới không, tất cả phụ thuộc vào vaccine. Cách duy nhất để làm điều này chính là đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.
* Ông nghĩ gì về chiến lược tự chủ nguồn vaccine (tự sản xuất) của VN?
Đúng là việc phát triển vaccine đòi hỏi rất nhiều thời gian, không thể nhanh được. Tuy nhiên vấn đề là – như WHO thông tin – covid là một loại cúm, do vậy chúng sẽ liên tục tạo ra các biến thể mới. Nên việc VN tự chủ về nguồn vaccine thực sự là rất tốt trong công cuộc chiến đấu với dịch bệnh, nhất là trong dài hạn.
Quỳnh Lê (Trí thức trẻ)
* Muối & Ánh sáng:
Lời Chúa dạy: “Con vẫn vui mừng trong Đức Giê-hô-va; con vẫn hớn hở trong Đức Chúa Trời của sự cứu rỗi con” (Ha-ba-cúc 3:18).
Trong cả chương Kinh Thánh này, Ha-ba-cúc đang trải qua hoàn cảnh không hề dễ dàng. Là tiên tri, Chúa đã tỏ cho ông biết rằng những ngày sắp đến sẽ không có mùa màng hay bầy gia súc nào sinh sản – điều mà dân Chúa sống dựa vào (3:17). Sẽ cần điều gì đó, chứ không chỉ lạc quan mới có thể chịu đựng gian khổ sắp đến. Dân Israel sẽ ở trong cảnh nghèo thiếu cùng cực. Ha-ba-cúc kinh nghiệm nỗi sợ hãi khiến lòng run rẩy, môi lập cập, chân lảo đảo (c.16).
Dù vậy, Ha-ba-cúc nói ông sẽ “vui mừng trong Đức Giê-hô-va” và “hớn hở” (c.18). Ông công bố niềm hy vọng của mình trong Chúa, Đấng ban sức để ông bước đi qua hoàn cảnh (c.19).
Đôi khi chúng ta đi qua những giai đoạn khó khăn, đau khổ cùng cực. Nhưng dù có bị mất mát hay mong muốn mà không có được, thì ta cũng có thể như Ha-ba-cúc: vui mừng trong mối liên hệ với Đấng yêu thương. Ngay cả khi cảm thấy mình không có gì khác, thì Ngài vẫn sẽ không bao giờ lìa bỏ chúng ta (Hê-bơ-rơ 13:5). Đấng “ban mão hoa cho những kẻ khóc than” là lý do lớn nhất mang đến cho chúng ta niềm vui (Ê-sai 61:3).
(Nguồn: Odb; Ảnh: Reuters, France 24, Nikkei Asia, VNnet, The Straits Times)