Tôi đã thấy điều này trong cuộc sống các lãnh đạo doanh nghiệp, chính trị gia, vận động viên, diễn viên, nghệ sĩ… Nên việc xử lý thành công đúng đắn là lý do để nhà khoa học Albert Einstein nói: “Đừng cố gắng trở thành người thành công, hãy cố gắng trở thành người giá trị”.
Thành công là tốt, nhưng nó phải được ‘tiêu hóa’. Khi cần tiêu hóa một thứ gì đó, ta chia nhỏ nó ra, nhai, nuốt; và nó trở thành một phần của thân thể ta chứ không phải thứ dính vào dạ dày, gây đau đớn. Thành công là thứ ta cần tiêu hóa hoàn toàn, nếu không nó sẽ ‘tiêu hóa’ lại ta. Tại sao? Dưới đây là 4 mối nguy có thể xảy ra cho người thành công:
1. Thành công thường khiến ta có cái nhìn vượt quá khả năng mình:
Hãy nghĩ về những gì thành công mang lại: lời khen ngợi, chúc tụng cho một ‘ngôi sao’; một văn phòng lớn hơn, chức danh ấn tượng hơn, thu nhập cao hơn, những tràng pháo tay; danh dự, ngợi khen… Mọi thứ dường như hét lên rằng: “Tôi đã làm được điều này!”.
2. Thành công kèm đòi hỏi quyền lợi có thể gây tổn hại các mối quan hệ:
Mọi người đối xử với bạn khác đi khi bạn thành công. Họ không thường xuyên, mạnh mẽ đặt câu hỏi về các quyết định của bạn, mà chỉ cố gắng đáp ứng cho bạn. Họ hỏi ý kiến bạn, ngay cả khi bạn không có chuyên môn về lĩnh vực đó. Và thành công nói: “Bạn tồn tại để phục vụ tôi”, thay vì: “Tôi tồn tại để phục vụ bạn”.
3. Thành công có thể gây nghiện, khiến ta sẵn sàng làm bất cứ gì để giữ được nó:
Vua Sa-lô-môn – người khôn ngoan nhất từng sống trên đất – đã giết người khi cảm thấy quyền lực của mình bị đe dọa. Nếu ông có thể làm vậy thì tất cả chúng ta đều có thể. Ta sẽ cắt xén thời gian, các mối quan hệ, bỏ rơi bạn bè, làm việc nhiều hơn mức cần thiết, không giữ lời hứa hay cam kết. Thành công trở thành thần tượng – một vị thần giả mà ta tôn thờ.
4. Người thành công dễ tự mãn:
Martin Filler nói: “Mối nguy hiểm đối với bất kỳ nghệ sĩ nào có tác phẩm được công nhận, được giới phê bình đánh giá cao… là tự mãn”. Các CEO thành công ngừng lãnh đạo tốt. Thành công thường tuyệt vời cho đến khi ta nhận ra mình đã dần từ bỏ đức tin và những người từng góp phần tạo nên sự thành công, thịnh vượng của ta. Chúa Jesus đã nói: “Vì nếu người nào được cả thế gian mà mất mạng sống mình thì có ích gì? Người sẽ lấy gì để đổi mạng sống mình lại?” (Ma-thi-ơ 16:26)
Tôi không phản đối thành công. Thông điệp ở đây là xử lý thành công một cách đúng đắn. Mọi người có thể làm được nhiều điều tốt khi họ tiếp thu thành công đúng, sử dụng thẩm quyền, tài chính, lòng biết ơn và sự ngợi khen để giúp người, phục vụ Chúa để có được một cuộc sống thực sự viên mãn. Vì “Nồi thử bạc, lò thử vàng, còn sự khen ngợi thử loài người” (Châm ngôn 27:21). Lời khen thử thách, tinh luyện ta, cho thấy con người thực bên trong ta và những gì ta thực sự coi trọng.
Vậy, làm thế nào để ‘tiêu hóa’ thành công?
Bắt đầu bằng việc nhớ lại những người đã giúp ta; những mục đích cao cả trước khi ta thành công. Trên hết, nhớ lại nguồn gốc sâu xa của thành công, đó là chính Chúa. Nếu mục tiêu thành công của ta là vậy, 3 điều tốt đẹp sẽ xảy ra:
+ Thành công giúp ta khiêm nhường, không phải kiêu ngạo:
Thành công thường khiến ta nghĩ: “Hãy xem, Chúa đã cho phép tôi làm được gì này!”, thay vì “Hãy xem tôi làm được gì bởi ý Chúa, sức Chúa”.
+ Nó kích hoạt mong muốn giúp người, chia sẻ những gì ta có cho người khác và Vương quốc Chúa:
Chúa từng cảnh báo dân Israel (và chúng ta ngày nay) về thành công: “Vậy, phải cẩn thận, đừng tự bảo chính năng lực và sức mạnh của đôi tay ta đã tạo dựng cơ đồ này. Nhưng phải tưởng nhớ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em, vì chính Ngài là Đấng ban cho anh em sức lực tạo dựng cơ đồ này, để thực hiện giao ước mà Ngài đã thề với tổ phụ anh em, như Ngài đang làm ngày nay” (Phục truyền 8:17-18)
Câu hỏi suy ngẫm/thảo luận
1. Bạn có đồng ý câu: hầu hết mọi người xử lý thất bại tốt hơn thành công? Tại sao?
2. Trong 4 mối nguy hiểm tiềm tàng của thành công, điều nào khiến bạn đồng cảm nhất? Giải thích lý do?
3. Theo bạn, tại sao một người nên phấn đấu để thành công? Bạn nghĩ gì với tuyên bố của Einstein: nên phấn đấu để trở thành người có giá trị, thay vì người thành công?
4. “Để xử lý thành công đúng cách, nên nhớ những người đã giúp ta, lý do cao cả nào khiến ta thành công; và chính Chúa là nguồn gốc của thành công”. Bạn đồng ý với quan điểm này? Hãy cho một số ví dụ từ cuộc sống và sự nghiệp của chính bạn.
Stephen R. Graves
(Nguồn: CBMC International | Nguyên Ân lược dịch | Biên tập: Thảo Phạm | Ảnh: Pixabay | Xem thêm: Giô-suê 1:7-9; I Sử ký 12:18; Châm ngôn 13:21, 27:17; Truyền đạo 4:9-12; Ma-thi-ơ 6:19-24)
Thử thách trong tuần
Hãy dành thời gian để đánh giá thái độ, động lực của bạn về thành công. Thành công là quan trọng? Tại sao. Ngoài ra, hãy cân nhắc xem ai, điều gì đóng góp vào thành công của bạn đến nay? Bạn cảm nhận, bày tỏ lòng biết ơn với Chúa, với người khác chưa?
Có thể hữu ích nếu bạn gặp một người bạn đáng tin cậy, người cố vấn, đồng nghiệp, nhóm CBMC để chia sẻ suy nghĩ của bạn về thành công và nhận phản hồi từ họ.