Việc thua, không ghi bàn thật đau lòng, nhưng trái tim tôi còn đau hơn khi nghĩ đến ai đó vì việc này mà từ bỏ đội bóng, hoặc bị đội bóng từ bỏ.
Hãy nghĩ về những chiến thắng sắp tới mà các vận động viên bỏ cuộc đó sẽ không bao giờ được trải qua. Tôi không nói đến chiến thắng trên sân. Vì chiến thắng lâu dài không phải thắng hay thua, hay số điểm trên bảng… mà là chiến thắng trong đời.
Thủ tướng Anh Winston Churchill có câu nói nổi tiếng: “Không bao giờ nhượng bộ. Không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ. Dù lớn hay nhỏ, lớn hay nhỏ, không bao giờ nhượng bộ!”. Đối với ông ấy, “bỏ cuộc” là một từ thô tục!
Rồi 20 năm sau các vận động viên bỏ cuộc ấy có thể sẽ ước gì lúc đó mình hoặc huấn luyện viên đã không từ bỏ mình.
Thậm chí không thắng, không bại, không ghi bàn gì cả, nhưng đó có thể là thời điểm quyết định để phát triển tính cách ta. Nhưng thật không may, dễ dàng bỏ cuộc, bỏ việc là điều thấm sâu vào nhiều tầng lớp xã hội, gồm cả giới kinh doanh. Mọi người bỏ cuộc mà không hề nghĩ đến hậu quả có thể xảy ra. Nên tôi mong từ này cần được loại khỏi vốn từ vựng của chúng ta. Riêng tôi không chỉ xem nó như một lời rủa sả, mà còn trở thành lời nguyền dành cho những ai sống theo nó.
Tôi không bao giờ quên cuộc trò chuyện với cậu bé 16 tuổi trong một buổi tập huấn dành cho vận động viên trẻ. Những lúc rỗi, cậu bé thường ngồi một mình, hai tay ôm đầu. Có điều gì rắc rối đến với cậu, nên tôi đến ngồi cạnh, hy vọng giúp được gì.
“Chuyện gì thế?” – tôi hỏi – và chuẩn bị nghe câu trả lời điển hình của một thiếu niên: do buồn bạn gái, rượu, ma túy, bạn bè, nhà trường… Nhưng tôi đã sốc khi cậu ấy nói: “Em ghét việc bố mẹ để em từ bỏ mọi thứ khi em chỉ mới bắt đầu”. Cậu kể tiếp rằng tất cả những gì mới bắt đầu, cậu đều bỏ cuộc. “Em chỉ ước họ bắt em hoàn thành những gì em đã bắt đầu!” – cậu bé nói.
Ồ! Tôi thường tôi nghe điều ngược lại: “Em ghét việc bị bố mẹ bắt phải hoàn thành mọi việc em đã bắt đầu!”. Nhưng vận động viên đầy tham vọng này muốn được khuyến khích để không bỏ cuộc.
Kinh Thánh nói rõ tầm quan trọng của việc không bỏ cuộc, quyết đương đầu nghịch cảnh dù bất kỳ hình thức nào. “Thưa anh em của tôi, hãy xem sự thử thách trăm bề xảy đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sinh kiên nhẫn. Nhưng sự kiên nhẫn phải phát huy hết hiệu lực của nó, để chính anh em được trưởng thành, hoàn hảo, không thiếu sót điều gì” (Gia-cơ 1:2-4)
Gia đình, đội nhóm, doanh nghiệp, tổ chức, Hội Thánh, trường học… phải là nơi nuôi dưỡng tinh thần hoàn thiện và hoàn thiện. Từ “Bỏ cuộc” nên bị loại khỏi các cuộc trò chuyện của ta. Sứ đồ Phao-lô nhắc trong Ga-la-ti 6:9 về phần thưởng của việc không bỏ cuộc: “Chớ nản chí trong việc làm lành, vì nếu không chểnh mảng thì đến đúng kỳ chúng ta sẽ gặt”.
Mỗi người sẽ được người khác biết đến như người về đích hoặc kẻ bỏ cuộc. Sự lựa chọn là của ta, nhưng khác biệt giữa 2 điều này có thể thay đổi cả cuộc đời. Bởi vì chính trong cuộc chiến, Chúa sẽ định hình, uốn nắn ta. Ta sẽ bỏ lỡ những điều Chúa muốn và đang làm cho mình nếu mình bỏ cuộc, khiến mọi việc sẽ trở nên khó khăn hơn…
Câu hỏi suy ngẫm/thảo luận
1. Bạn từng từ bỏ điều gì, sau lại hối hận? Bạn nghĩ mình có thể xử lý tốt hơn? Điều gì xảy ra nếu bạn không bỏ cuộc?
2. Bạn nghĩ tại sao ‘bỏ cuộc’ là lựa chọn phổ biến của nhiều người?
3. Bạn nhớ đến bất kỳ ai hay chính bạn đang bị cám dỗ bỏ việc vì hoàn cảnh? Bạn phản ứng thế nào, khuyến khích họ hoặc chính bạn loại bỏ từ ‘bỏ cuộc’, thay thế bằng các từ như: kiên trì, cống hiến, chịu đựng…?
4. Kinh Thánh cho thấy Chúa dùng thử thách, nghịch cảnh để rèn luyện tính cách, biến đổi ta trở nên cững vàng trong đức tin, hy vọng và quyết tâm? Bạn có tin điều này không? Tại sao có, tại sao không?
Dan Britton
(Nguồn: CBMC International // Ngân Hà ĐK lược dịch // Ảnh: Internet)
Xem thêm: Giê-rê-mi 29:11-14; Rô-ma 5: 3-5, 8:35-39; I Cô-rinh-tô 15:58; I Phi-e-rơ 1:6-7)
THÁCH THỨC:
Đôi khi, những trở ngại dường không thể vượt qua có khiến bạn chán nản, mất can đảm đi tiếp? Những lúc như vậy, bạn được những ai quan tâm, hỗ trợ? Bạn thường tìm đến ai khi cần được động viên? Họ là cá nhân, nhóm nhỏ, những người thực sự quan tâm đến bạn? Hãy xác định ngay hôm nay, để chia sẻ một cách cởi mở những khó khăn bạn đang gặp phải. Tương tự, bạn có thể là nguồn hỗ trợ cho những ai được giúp đỡ, khích lệ?