Muoivaanhsang – Là dân tộc lâu đời nhất thế giới. Hiện dân số Israel (Do Thái) chỉ chiếm một phần rất nhỏ của thế giới, nhưng lại có rất nhiều nhân tài kiệt xuất; nguyên do từ văn hóa đọc và học thuộc Kinh Thánh và giáo dục gia đình.
Ngay từ bé, cha mẹ đã truyền cảm hứng cho trẻ, giúp chúng theo đuổi tri thức, tôn trọng trí tuệ, bồi dưỡng tính cách độc lập tự chủ, tiên phong sáng tạo. Dạy trẻ biết sử dụng tiền của và cách sống cần kiệm; đối nhân xử thế, khả năng tự kiểm soát và dũng khí đối diện nghịch cảnh.
* Hôn lên Kinh Thánh
Khi con còn bé, các bà mẹ sẽ nhỏ mật ong lên Kinh Thánh rồi hướng dẫn các con hôn lên đó, và dạy: “Lời Chúa là mật ngọt”, trẻ sẽ ấn tượng ngay lần đầu tiếp xúc với Kinh Thánh nói riêng, sách vở nói chung, giúp trẻ ham mê đọc sách và quý trọng sách vở. Gia đình Do Thái có truyền thống đặt sách ở đầu giường, đặt ở cuối giường bị cho là bất kính – khiến Do Thái trở thành một dân tộc yêu sách nhất thế giới.
* Trả lời câu hỏi bắt buộc
Trẻ Do Thái đều phải trả lời câu hỏi: “Nếu một ngày nhà con bị cháy hoặc tài sản con bị cướp, con sẽ mang theo gì?”. Nếu trẻ trả lời sẽ mang theo tiền bạc, của cải… người mẹ sẽ hỏi tiếp: “Có một thứ không hình dạng, màu sắc, mùi vị, nhưng quan trọng hơn cả. Con có biết đó là gì không?”.
Nếu trẻ không biết, mẹ sẽ giải thích: “Thứ mà con cần mang theo không phải tiền bạc, của cải, mà là trí tuệ. Bởi trí tuệ là thứ không ai có thể cướp được của con. Chỉ cần sống, trí tuệ sẽ vĩnh viễn theo con”.
* Học thuộc lòng Kinh Thánh
Trong các gia đình Do Thái, từ nhỏ trẻ đã được hướng dẫn học thuộc lòng Kinh Thánh – một truyền thống và luật không thay đổi. Trẻ dĩ nhiên chưa hiểu hết ý nghĩa Kinh Thánh, nhưng chúng sẽ giữ thói quen học thuộc lòng quyển sách quan trọng nhất đời mình.
Cha mẹ Do Thái nhận ra rằng học thuộc lòng là cách thức tốt nhất để bồi dưỡng trí tuệ cho trẻ, về sau chúng học những thứ khác đều thuận lợi. Trẻ Do Thái thường thuộc lòng 5 sách Ngũ kinh của Môi-se và Thánh Kinh Cựu Ước – những quyển bắt buộc phải học và nhớ suốt đời.
* Coi trọng sự sáng tạo
Dầu vậy, người Do Thái có câu ngạn ngữ: “Không là con lừa cõng trên lưng nhiều sách”. Họ không chỉ coi trọng tri thức mà coi trọng tài năng, và ví những người có tri thức bất tài là “Con lừa cõng trên lưng nhiều sách”.
Theo họ, học thường là một loại bắt chước, không sáng tạo; học phải tự nghĩ, tự hỏi, tự xét… và hoài nghi là cánh cửa lớn của trí tuệ. Hiểu biết nhiều, hoài nghi sẽ càng nhiều, các câu hỏi theo đó mà gia tăng. Thường xuyên hỏi khiến con người tiến bộ. Họ đặc biệt chú trọng chia sẻ suy nghĩ trong gia đình. Trẻ sẽ cùng người lớn trao đổi, bàn luận, tranh luận các vấn đề, nhằm giúp trẻ hiểu sâu và bắt đầu ham mê nghiên cứu. Cũng chính vì thế, người Do Thái nổi tiếng về tài ăn nói, hùng biện, thương thuyết…
* Đọc sách trong ngày nghỉ để ‘làm mới tâm linh’
Thời cổ, hầu như chỉ người Do Thái là dành ra 1 ngày trong tuần để nghỉ ngơi. Đối với các nước khác đây là điều vô cùng kỳ lạ. Hơn thế, người Do Thái không tận dụng ngày nghỉ để thỏa sức ăn uống hay du ngoạn. Theo họ, ngày nghỉ phải đạt đúng mục đích nghỉ ngơi, thư giãn để tâm trí, thân thể phục hồi, tâm linh tươi mới, để đầu tuần làm việc hiệu quả nhất.
Trong ngày nghỉ họ đóng hết các hoạt động khác, chỉ để đi lễ, đọc Kinh Thánh, cầu nguyện bằng tiếng Hebrew, lắng nghe các giáo huấn từ Kinh Thánh nhằm giúp tâm trí được khai sáng.
Trở về nhà họ ăn nhanh bữa trưa rồi nghỉ ngơi. Đến khoảng 4 giờ chiều, họ ở nhà hoặc đến giáo đường giao lưu, chia sẻ, học tập cùng các giáo sĩ, bạn bè… Họ đã dùng ngày nghỉ để ‘giải phóng bản thân khỏi công việc thế tục’, đắm mình vào một thế giới khác – thế giới tâm linh. Và tại nơi ấy, họ có thể đạt được cội nguồn của suy nghĩ và thần cảm.
Thần cảm và sáng tạo – sản vật của trí tuệ – chỉ được sinh ra khi con người trong trạng thái buông lỏng. Cho dù thông minh, tài giỏi bao nhiêu, nhưng căng thẳng, suy nghĩ liên tục trong thời gian dài não sẽ bị lão hóa, suy giảm trí nhớ, tê liệt suy nghĩ, sáng tạo. Não bộ cần nghỉ ngơi mới có thể sản sinh ra trí tuệ. Đây chính là đạo lý đơn giản của người Do Thái, nhưng lại thường không được nhiều người trên thế giới chú ý.
An Hòa
(Nguồn: Jnewsvn.com)