Bạn có tin điều đó? Bạn đã bao giờ nghĩ khi sử dụng các nguyên tắc bảo vệ của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh làm kim chỉ nam, bạn sẽ quản lý các nguồn tài chính của mình một cách khôn ngoan, thận trọng và tôn vinh Chúa?
Nhiều năm trước, tôi chủ yếu dựa vào kỹ năng, trí tuệ mình để đưa ra các quyết định tài chính. Tôi thành công nhiều nhưng thất bại càng nhiều hơn. Đối diện với những hạn chế của mình, tôi tìm đến các lời dạy của Larry Burkett – tiếng nói hàng đầu về tầm quan trọng của việc Cơ đốc nhân áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh để quản lý tài chính – và dưới đây là một số nguyên tắc mà tôi đã áp dụng thành công:
1. Trông cậy vào sự khôn ngoan của Chúa để quyết định. Vì các nguyên tắc Chúa ban rất thực tế, phù hợp, dù ngược lại với “sự khôn ngoan” thông thường. “Cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công chính” (II Ti-mô-thê 3:16)
2. Cần nhận trách nhiệm cá nhân về các quyết định của mình, không trông đợi người khác. Chịu trách nhiệm đưa ra các quyết định tài chính phù hợp với Kinh Thánh trong sự hiểu biết. “Điều người ta đòi hỏi nơi người quản trị là phải đáng tin cậy” (I Cô-rinh-tô 4:2)
3. Nợ có thể khiến ta trở thành nô lệ, nên cần tránh nếu có thể. Dù cá nhân, công ty hay một quốc gia, nợ có thể hủy hoại sự tự do, thịnh vượng, độc lập, giảm các lựa chọn cho tương lai. “Người giàu cai trị kẻ nghèo, người mượn làm tôi tớ kẻ cho mượn” (Châm ngôn 22:7)
4. Cân bằng hợp lý giữa chi tiêu và tiết kiệm. Các quyết định chi tiêu của ta cần luôn được cân nhắc để dành cho tương lai. Nếu tiêu hết cho hiện tại, ta sẽ không còn gì cho các nhu cầu khẩn cấp trong tương lai. “Trong nhà người khôn luôn có kho lương thực và dầu, nhưng kẻ ngu muội tiêu xài hết những gì mình có” (Châm ngôn 21:20)
5. Nên đầu tư nhất quán với chiến lược được cân nhắc cẩn thận. Một số người đầu tư bốc đồng, thay vì xây dựng chiến lược khôn ngoan và giữ vững nó. “Các ý tưởng của người cần mẫn chắc chắn dẫn đến sự dư dật, còn tất cả kẻ hấp tấp chỉ chạy đến điều thiếu thốn” (Châm ngôn 21:5)
6. Cần đa dạng hóa trong đầu tư. Nhiều nhà đầu tư bận tâm với các chu kỳ và bị mắc kẹt bởi những thay đổi không thể đoán trước. Đa dạng hóa là phương cách tốt để kiểm soát rủi ro, bảo vệ vốn. “Hãy chia phần của con cho bảy hoặc tám người, vì các con không biết tai họa nào sẽ xảy ra trên đất” (Truyền đạo 11:2)
Kết luận:
Khi “đổi mới tâm trí mình” (Rô-ma 12:2), dùng những điều đã được chứng minh trong Kinh Thánh một cách nhất quán, ta có thể tự tin đưa ra các lựa chọn khôn ngoan trong chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư.
Câu hỏi suy ngẫm/thảo luận
1. Ngay cả không phải là chuyên gia tài chính, trước khi đọc bài này, ý kiến của bạn về sai lầm tài chính số một mà các nhà đầu tư mắc phải là gì? Tại sao?
2. Nhìn lại cách chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư của bản thân, bạn đã áp dụng phương pháp hoặc chiến lược nào? Phương pháp của bạn hiệu quả?
3. Bạn nghĩ gì về lời khuyên nên áp dụng Kinh Thánh để quản lý tiền bạc, đưa ra các quyết định tài chính? Bạn có đồng ý rằng các nguyên tắc Kinh Thánh là thực tế và phù hợp, có thể đặt nền móng cho sự thành công về tài chính trong tương lai? Tại sao?
4. Nguyên tắc quan trọng, ý nghĩa với bạn? Theo bạn, tại sao nhiều người không tuân theo các nguyên tắc Kinh Thánh để quản lý tài chính?
Austin Pryor
[Trên 40 năm kinh nghiệm tư vấn cho các nhà đầu tư, và là nhà sáng lập Sound Mind Investment, tác giả quyển ‘Cẩm nang đầu tư tâm trí lành mạnh’, với trên 100.000 bản được bán ra]
Xem thêm: Châm ngôn 3:27-28; 11:24-25; 14:31; 15:16; 22:2,26-27; Ma-thi-ơ 6:19-21,33; I Ti-mô-thê 6:6
(Nguồn: CBMC International // Ảnh: Pixabay)