Điều này đặt ra một số câu hỏi: Trong Ngày Lễ Tạ ơn, ta nên biết ơn điều gì và biết ơn ai? Điều gì sẽ xảy ra nếu ta sống ở một đất nước không có Lễ Tạ ơn? Hãy xem xét từng câu hỏi này qua Kinh Thánh:
Ta nên biết ơn điều gì? Đôi khi ta có xu hướng tự vỗ về mình khi thành công, thành tựu. Có thể đúng là ta đã làm việc chăm chỉ để đạt được bằng khả năng mình. Tuy nhiên, các cơ hội đó đến như thế nào? Làm sao ta có được tài năng, kỹ năng bẩm sinh? Vì chắc chắn ta không thể mua chúng ở siêu thị, cửa hàng… Trong nhiều trường hợp, ta sinh ra đã có những đặc điểm hữu ích cho loại công việc mà ta làm.
Còn những hoàn cảnh không mong muốn như khó khăn, nghịch cảnh không thể tránh khỏi thì sao? Ta có nên biết ơn những điều đó không? Bạn tôi – Albert – sau khi trải qua nhiều khó khăn cá nhân, nghề nghiệp… đã kết luận là có, ta nên biết ơn ngay cả với “những điều tồi tệ”. Bởi vì Chúa đã dùng những điều đó vì lợi ích cuối cùng của ta và sự vinh hiển Ngài.
Kinh Thánh dạy ta nên biết ơn những thời điểm tốt đẹp lẫn tồi tệ trong cuộc sống. Bởi vì Chúa sẽ dùng tất cả những điều đó như một phần trong quá trình tinh luyện ta. Kinh Thánh dạy: “Hãy vui mừng mãi mãi (…). Trong mọi sự hãy tạ ơn, vì đó là ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho anh em trong Đấng Christ Jesus” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:16,18).
Ta nên biết ơn ai? Như đã nói trên, trong nhiều trường hợp, ta không tạo ra cơ hội thành công, thành tựu. Và khả năng, tài năng mà ta sử dụng có thể được phát triển, hoàn thiện theo thời gian và rèn luyện, nhưng “nguyên liệu thô” là do Chúa ban cho ta.
Đây là lý do tại sao Kinh Thánh kêu gọi: “Cũng hãy để lời của Đấng Christ sống sung mãn trong lòng anh em; hãy dùng tất cả sự khôn ngoan để dạy và khuyên bảo nhau, dùng thi thiên, thánh ca, linh khúc để hát cho Đức Chúa Trời với lòng biết ơn. Bất cứ điều gì anh em nói hay làm, hãy thực hiện mọi sự trong danh Chúa là Đức Chúa Jêsus, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha” (Cô-lô-se 3:16-17)
Điều gì sẽ xảy ra nếu Lễ Tạ ơn không được tổ chức ở quốc gia bạn đang sống? Việc tạ ơn hay tổ chức ngày Lễ tạ ơn cá nhân không đòi hỏi sắc lệnh quốc gia, thậm chí tuyên bố địa phương. Đó có thể và nên là phản ứng tự nhiên đối với các phước lành mà ta nhận được hàng ngày.
“Mọi ơn lành tốt đẹp và tặng phẩm toàn hảo đều đến từ thiên thượng, được ban xuống từ Cha của sự sáng; trong Ngài không có sự thay đổi, cũng chẳng có bóng của sự chuyển dịch” (Gia-cơ 1:17). Việc tạ ơn nên trở thành chuyện thường ngày, như tác giả Thi Thiên viết: “…Vì thế, linh hồn con ca ngợi Chúa và không nín lặng. Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời của con, con sẽ cảm tạ Chúa đến đời đời” (Thi Thiên 30:12)
Câu hỏi suy ngẫm/thảo luận
1. Sẽ ra sao nếu bạn đang sống trong một quốc gia có ngày Lễ Tạ ơn dưới mọi hình thức? Ngày đặc biệt đó ảnh hưởng bạn thế nào? Bạn có hành động đặc biệt nào biểu hiện sự tạ ơn của bạn không?
2.Nếu bạn sống ở một quốc gia hay khu vực không có ngày Lễ Tạ ơn, bạn có nghĩ một ngày như vậy nên được tổ chức chính thức không? Tại sao có, tại sao không?
3. Khi bạn trải qua những thời điểm thành công, phản ứng tiêu biểu của bạn là gì? Bạn có tự thỏa mãn, tự vỗ về mình theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng? Bạn có cầu nguyện, bày tỏ lòng biết ơn Chúa vì thành tựu, thành công đó? Giải thích câu trả lời của bạn?
4. Bạn nghĩ gì về lòng biết ơn ngay cả trong nghịch cảnh, thử thách, đấu tranh? Điều đó có vẻ khó thực hiện? Làm sao ai đó có thể biết ơn khi phải trải qua gian khổ?
Robert J. Tamasy
(Nguồn: CBMC Intaernational // Khương An lược dịch // Ảnh: Pixabay)
Xem thêm: Thi Thiên 50:14-15; Giăng 6:5-13; Rô-ma 5:3-5, 8:28-39; II Cô-rinh-tô 9:10-15; Gia-cơ 1:2-4
THÁCH THỨC:
Có nhiều cách để bày tỏ lòng biết ơn như cầu nguyện, suy ngẫm Lời Chúa, cả việc ‘trả ơn’ cho người khác bằng cách chia sẻ một phước lành tương tự những gì mình đã nhận được.
Một cách khác để thể hiện lòng biết ơn là bày tỏ lòng biết ơn với người khác. Hãy nghĩ đến ai đó (hoặc nhóm bạn bè) để có thể kể những điều Chúa đã làm cho bạn, và bạn biết ơn về những điều đó.