Muoivaanhsang.vn – Mặt trái của ‘toàn cầu hóa’ đã lộ rõ hơn bao giờ hết. Sự chần chừ của nhiều nước trong việc đóng cửa biên giới, sân bay… vì phải cân nhắc giữa phòng chống dịch và thiệt hại kinh tế cho thấy các lãnh đạo thời toàn cầu hóa phải đứng trước tình thế lưỡng nan.
Và rồi quốc gia nào càng trì hoãn giãn cách xã hội càng ‘vỡ trận’ khi dịch bệnh ập đến: hệ thống y tế quá tải, xã hội hỗn loạn…
TS Robin Niblett, Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) nhắc một câu chuyện ngụ ngôn cổ để nói đại dịch lần này có thể sẽ là một “cọng rơm làm gãy lưng con lạc đà” đang chở trên lưng nền kinh tế toàn cầu hóa.
Sự phân chia lao động lâu nay khiến các cường quốc phụ thuộc vào nền sản xuất nhỏ của các nước châu Á. Việc phải đóng cửa kéo dài vì dịch bệnh khiến các cường quốc phải trở lại giai đoạn tự lực cánh sinh: các nhà máy ‘kim chỉ’ vốn trùm mền nhiều năm sẽ phải vận hành trở lại để tự trang bị từng chiếc khẩu trang, từng bộ đồ bảo hộ y tế, từng viên kháng sinh…
Còn sớm để khẳng định việc toàn cầu hóa sẽ thất bại, nhưng nếu đại dịch kéo dài, tái phát và tình hình phong tỏa vẫn tiếp diễn, thì virus covid không chỉ gặm nhấm sức khỏe của con người, mà còn ‘nhai nuốt’ luôn một số nền kinh tế yếu kém, nền ‘kinh tế không khói’ (du lịch) và các nền tảng quốc tế trong sản xuất, thương mại vốn được con người hoạch định, vận hành và tự hào hàng thế kỷ qua.
“Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” – câu này chưa bao giờ cũ. Con người có thể hoạch định đường lối mình, nhưng quyết định là nơi tay Thượng Đế – Đức Chúa Trời, Đấng tể trị. Hiểu được điều này, Cơ đốc nhân sẽ không thất vọng, lo lắng, hoảng sợ… như ‘con cái loài người’, tức người đời, người không có Chúa, không tin Chúa.
“Con người hoạch định đường lối mình, nhưng Đức Giê-hô-va chỉ dẫn các bước của người” (Châm-ngôn 16:9). Chúa nhất định sẽ chỉ dẫn cho những ai hết lòng tìm cầu, nhờ cậy Ngài. “Hãy phó thác đường lối mình cho Đức Giê-hô-va và nhờ cậy nơi Ngài, thì Ngài sẽ làm thành việc ấy” (Thi-thiên 37:5).
Vi Nguyễn
(Tham khảo: PLO; Ảnh: Unsplash)