Muoivaanhsang.vn – Hãy thử tưởng tượng bạn đang là chủ một doanh nghiệp. Nào, “Thưa ông chủ! Ngài có muốn tuyển những Cơ đốc nhân vào làm không? Tại sao?”
Thường, Cơ đốc nhân dành nhiều thời gian cố gắng chuyển đổi niềm tin của đồng nghiệp hơn là hoàn tất công việc mình đảm nhận. Sẽ ra sao nếu nhân viên của bạn mỗi ngày đều phải nghe những lời ‘dạy đạo’ trong giờ làm việc, trong khi công việc thì bê trễ?
LH. thường khiến đồng nghiệp né tránh vì những chủ đề cô đưa ra thường là “Thế giới sau khi chết”, “Thiên Đàng địa ngục hai bên”… và nếu ai đó vô tình thắc mắc sẽ được cô ưu ái dành nhiều thời gian hơn để diễn giải… Trong khi có rất nhiều việc công ty mà LH. chưa hoàn thành, nhưng dường như đối với cô chỉ có “cuộc sống sau cái chết” mới đáng chú tâm.
Người Cơ-rết đã tiêu tốn thời gian vào những chuyện hư không, lời hứa suông và sự phỉnh dỗ (Tit 1:10-13). Nếu bạn không hoàn thành công việc mà chỉ tập trung làm chứng về Chúa thì đồng nghiệp sẽ ‘bật’ lại: “Lời nói suông không giá trị; hãy để chúng tôi nhìn vào đời sống bạn, vào người thật, việc thật…”.
Qua 2 phân đoạn Kinh Thánh I Ti mô thê 6:1-2 và Ê phê sô 6:5-9, Sứ đồ Phao-lô thách thức: “lấy lòng thật thà” mà làm việc. Đó là “làm theo ý muốn Đức Chúa Trời”. Hãy thể hiện trách nhiệm của bạn đối với người đã tuyển mộ mình bằng cách này, điều đó sẽ khiến người chủ và Đức Chúa Trời của bạn hài lòng.
Vậy, nơi làm việc có phải là nơi làm chứng? Tất nhiên, khi ta xem nơi làm việc như cơ hội cho người vô tín nhìn thấy niềm tin Cơ đốc. Phao-lô cũng thách thức chúng ta bày tỏ đời sống, phong cách làm việc tin kính (Tit 2:9-10). Tuy nhiên, không nên nhấn mạnh đến việc làm chứng bằng lời nói hơn là trung tín làm tốt công việc thường ngày, như thể Đức Chúa Trời sai phái chúng ta đến chỗ làm việc để ‘chiếm diễn đàn’ truyền giáo vậy.
Sứ điệp Phúc Âm không bao giờ thay đổi, nhưng môn đồ Đấng Christ được kêu gọi để ‘định dạng’ sứ điệp cho phù hợp với nhiều thính giả khác nhau.
Có thể nói, Phao-lô không có bất kỳ sứ điệp nào soạn sẵn. Bài giảng của ông thay đổi theo tình huống, và kết quả khác nhau. Khi đối diện với người Do Thái trong nhà hội (Công vụ 13:14-43); lúc gặp các học giả (17:16-33); lúc đứng trước đám đông giận dữ (1:21; 21:27-22), hay khi đối diện với các quan chức cao cấp tại tòa án La Mã (26:1-32)…
Bạn hãy tự hỏi:
– Chúa Jesus luôn sẵn lòng với mọi người, còn bạn thì sao?
– Ngài giữ sự nhã nhặn khi trình bày Phúc Âm, còn bạn thì sao?
– Chúa Jesus trò chuyện với mọi người theo mức độ hiểu biết của họ; còn bạn thì sao?
– Chúa Jesus khen ngợi người khác khi có thể, còn bạn thì sao?
– Chúa Jesus chân thành, chăm chú lắng nghe những câu chuyện của người khác, còn bạn thì sao?
– Chúa Jesus không bao giờ tranh cãi với người vô tín, còn bạn thì sao?
Mỗi ngày, trong mọi việc, hãy nói về Phúc Âm đơn giản bằng cách phản ảnh tình yêu và lòng thương xót của Chúa với người khác. Khi bạn thành thật quan tâm đồng nghiệp, bạn đang bày tỏ Đấng Christ. Khi bạn không chấp nhận những việc mờ ám, bạn đang truyền bá Phúc Âm. Khi bạn làm việc cách ngay thật, bạn đang phản ánh sứ điệp của Chúa Jesus.
Làm chứng không chỉ toàn lời nói; mà còn có công việc – như Đấng Christ thành thật quan tâm đến họ, trình bày sứ điệp cách thích hợp và chính xác về tình yêu của Ngài.
Nếu họ chế nhạo? Là Cơ đốc nhân, công việc chính yếu của bạn không phải chỉ trích, lên án, cũng không phải biến đổi họ, mà giúp họ nhìn thấy Chúa Jesus.
Bạn có nghĩ đồng nghiệp thật sự cần biết về Chúa Jesus? Vâng! Nhưng đừng lo lắng nếu bạn không biết làm thế nào để nói cho họ về Phúc Âm. Bạn có một cách hữu hiệu để truyền đạt sứ điệp Đấng Christ: bày tỏ Chúa qua công việc.
Nói về Đấng Christ trong nơi làm việc không luôn dễ dàng, nhất là khi những người làm việc chung quá khác biệt, họ nhìn cuộc sống không cùng góc độ như bạn… Tóm lại: Hãy để bạn bè, ông chủ, đồng nghiệp… nhìn thấy việc bạn làm trước khi nghe bạn nói.
Hiển Hy
(Ảnh: Unsplash)